Vi phạm xây dựng 2 năm không cưỡng chế, ngăn chặn: Quận 1 vẫn không xác định được trách nhiệm!

Sau bài 'Công trình nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1: Chưa thực hiện cưỡng chế, vẫn để tiếp tục xây sai' đăng trên Báo SGGP ngày 6-10, ngày 7-10, UBND quận 1 đã gởi báo cáo số 346/BC-UBND về việc thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại công trình này đến cấp trên.

Trong báo cáo, UBND quận 1 thừa nhận “đã để kéo dài việc tổ chức cưỡng chế không phù hợp quy định và hiện nay đã phát sinh thêm khối lượng vi phạm chưa được đo đạc xác định cụ thể”. Tuy nhiên, báo cáo vẫn chưa xác định được trách nhiệm thuộc về ai, khi công trình xây sai phép kéo dài 2 năm với 2 quyết định cưỡng chế, tạm đình chỉ thi công nhưng vẫn để xây sai phép tiếp tục diễn ra.

Bị đình chỉ thi công, công trình vẫn xây xong

Giấy phép xây dựng nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm được quận 1 cấp cho bà Hoàng Trọng Anh Chi vào tháng 4-2017 với diện tích cho phép chỉ 368m2, ngày 20-11-2017 công trình này đã bị Đội Thanh tra địa bàn quận 1 (Sở Xây dựng) phối hợp với UBND phường Đa Kao kiểm tra, lập biên bản vì xây dựng sai nội dung giấy phép.

Cụ thể, xây trên diện tích ngoài chủ quyền (đã mua đất nhưng chưa hợp khối - PV) bên phải công trình nhìn từ bên ngoài vào từ tầng trệt đến lầu 5, diện tích 10,4m2; phía sau công trình từ tầng trệt đến tầng kỹ thuật 4,2m2; xây dựng tăng diện tích tại tầng kỹ thuật 6,8m2; xây dựng trên khoảng lùi phía trước sân thượng 67,8m2.

Do vậy, ngày 21-11-2017 UBND phường Đa Kao ra Quyết định (QĐ) số 442/QĐ-UBND đình chỉ thi công xây dựng công trình. Ngày 23-11-2017, Thanh tra Sở Xây dựng ra QĐ số 1761 phạt 7,5 triệu đồng và buộc bà Chi tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép trong thời hạn 10 ngày. Bà Chi đã nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước theo biên lai thu ngày 5-12-2017, chữ ký người nộp là Lê Tấn Tài.

Như vậy, kể từ lần đầu tiên công trình bị phát hiện xây dựng sai phép vào tháng 11-2017 thì công trình của bà Chi đã ký bán giấy tay cho bà Thảo được 1 tháng 10 ngày (Hợp đồng mua bán ký vào 10-10-2017).

Ngày 10-1-2018, Đội Thanh tra địa bàn quận 1 tiếp tục kiểm tra và lập Biên bản số 76/BB-KT về việc chủ đầu tư chưa thực hiện tháo dỡ phần nhà xây dựng sai phép, chủ đầu tư và đơn vị thi công vắng mặt, công trình đang ngưng thi công. 2 ngày sau Thanh tra Sở Xây dựng ký QĐ số 153/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc bà Chi thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm xây dựng.

Tiếp sau đó 4 ngày, Thanh tra Sở Xây dựng có Công văn 359/TT-Đ1 chuyển hồ sơ vi phạm hành chính của bà Chi đến Chủ tịch UBND quận 1 xem xét, triển khai thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Thế nhưng UBND quận 1 không cưỡng chế, mà đổ lỗi cho việc “hỏi ý kiến Sở Xây dựng”. Trong khi, theo hồ sơ của Sở Xây dựng thì đến 7 tháng sau khi sở ban hành quyết định cưỡng chế, đến ngày 20-8-2018 UBND quận 1 mới gửi công văn số 1832/UBND-QLĐT đề nghị Sở Xây dựng có ý kiến hướng dẫn nội dung nêu tại điểm e, khoản 1 Điều 6 Thông tư 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Điều 79 Nghị định 139/2017.

Trả lời văn bản này, Thanh tra Sở Xây dựng nêu rõ việc hướng dẫn luật không thuộc trách nhiệm của sở, nhưng sở sẽ tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng. Còn việc áp dụng quy định tại Điều 6 Thông tư 03/2018 để xử lý các công trình vi phạm theo quy định tại khoản 9 Điều 13, Nghị định 121/2013 thì các công trình vi phạm này phải đáp ứng đủ 6 điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 03 (thời gian xảy ra vi phạm, không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

Trong khi đó, theo quy định pháp luật, thì việc xác định sai phạm tại công trình 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm có đáp ứng đủ 6 điều kiện mà UBND quận 1 hỏi thì chỉ để xác định “ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp” hay không, chứ không liên quan đến việc tiến hành cưỡng chế.

Chính quyền không nghiêm

Việc buông lỏng quản lý của UBND quận 1 và Thanh tra xây dựng địa bàn quận 1 để công trình sai phép tiếp tục xây sai dù đã có quyết định cưỡng chế, bị đình chỉ thi công. Ngày 3-12-2018, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục ban hành QĐ số 2407 xử phạt vi phạm do bà Hoàng Trọng Anh Chi có hành vi tiếp tục thi công xây dựng sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính, làm phát sinh khối lượng vi phạm; và đến đầu năm 2019 (ngày 24-1) Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục ban hành QĐ số 262 cưỡng chế (lần 2) buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với bà Hoàng Trọng Anh Chi về hành vi tiếp tục thi công xây dựng sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính, làm phát sinh khối lượng vi phạm.

Dù đã bị đình chỉ thi công từ năm 2017 và với 2 QĐ cưỡng chế tháo dỡ (tháng 1-2018 và 1-2019) nhưng đến nay công trình 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được… hoàn thiện! Việc hoàn thiện này có thêm nhiều nội dung sai phạm khác, như xây dựng tăng diện tích sử dụng trên ban công. Thậm chí, còn được đưa vào sử dụng khai thác cho thuê phòng.

Do công trình xây dựng bị bên mua tiếp tục thi công và hoàn thiện sai nội dung giấy phép, đưa vào sử dụng, kinh doanh thu lợi và các quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế lại xử lý người bán (bà Chi) nên bà Chi đã ủy quyền cho Lâm Hoàng Tùng (giảng viên) và Nguyễn Hải Nam (thẩm phán) thuê thừa phát lại đến lấy lại công trình giao cho công ty dịch vụ tháo dỡ phần sai phép theo quyết định cưỡng chế của Thanh tra xây dựng, dẫn đến 2 người này bị bắt.

Sai phạm không được xử lý kịp thời, dẫn đến công trình không hoàn công được, không thể ký hợp đồng mua - bán công chứng, lại còn bị bên mua (mới đặt cọc) đưa vào khai thác thu lợi nên 2 vụ án (dân sự và hình sự) xảy ra tại đó. Để rồi hôm nay, một lần nữa UBND quận 1 lại xác định “nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là tang vật, hiện trường trong vụ án hình sự, vừa là tài sản liên quan đến tranh chấp dân sự, do đó UBND quận 1 đề xuất dời thời điểm cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Xây dựng sau khi các cơ quan chức năng giải quyết xong vụ án hình sự và vụ kiện dân sự” (theo nội dung báo cáo ngày 7-10-2019 của UBND quận 1 gửi cho UBND TP, Thường trực Quận ủy, Sở Xây dựng…).

Trong khi đó, về nội dung tranh chấp dân sự là bà Thảo (bên mua) kiện bà Chi (bên bán) là để yêu cầu TAND quận 1 buộc bà Chi trả số tiền cọc 7 tỷ đồng và số tiền phạt tương đương cọc là 7 tỷ đồng, cùng với số tiền đã đưa để hoàn thiện công trình là 1,8 tỷ đồng và 400 triệu đồng. Tổng cộng là 16,2 tỷ đồng (theo Thông báo thụ lý vụ án dân sự số 100/2018/DSST của TAND quận 1).

Tháng 10-2018, vụ án này đã được tòa ra QĐ số 123 tạm đình chỉ vì “cần đợi kết quả thu thập chứng cứ của UBND quận 1”. Như vậy, vòng luẩn quẩn sẽ diễn ra, có thể quyết định cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm chẳng bao giờ được UBND quận 1 thực hiện và tòa cũng không xử được án.

Xin nhắc thêm, vụ án dân sự này là tranh chấp đền cọc theo phụ lục hợp đồng mua bán giấy tay, trong đó quy định nếu lỗi của các bên thì bồi thường cho nhau 7 tỷ đồng, còn lỗi khách quan do cơ quan nhà nước dẫn đến không hoàn công được thì bên bán chỉ bồi thường cho bên mua 1 tỷ - không liên quan đến chủ quyền nhà, hay cưỡng chế công trình sai phép.

Còn vụ án hình sự “xâm phạm chỗ ở” cũng đã thực nghiệm hiện trường xong và đến giờ cũng chưa có bất kỳ quyết định nào niêm phong nhà để UBND quận 1 lấy lý do này không cưỡng chế xây dựng sai phép.

NHÓM PV

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/vi-pham-xay-dung-2-nam-khong-cuong-che-ngan-chan-quan-1-van-khong-xac-dinh-duoc-trach-nhiem-72988.html