Vi phạm trong sử dụng lao động ở một số doanh nghiệp tại Bắc Ninh

Mới đây, Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội tại các công ty trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ).

Theo Kết luận số 356/KL-TTr của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, trong hợp đồng lao động ký kết giữa Công ty TNHH Getac Precision Technology Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ, phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) với NLĐ, có những nội dung không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, như vấn đề môi trường và địa điểm làm việc, việc bố trí và luân chuyển công tác... Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công sản phẩm kim loại đúc dùng cho ô tô, xe máy, với nhiều công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, nhưng công ty không bố trí đủ ngày nghỉ cho công nhân (quy định là 12 ngày nghỉ/năm). Những NLĐ làm công việc nặng nhọc này cũng chưa được phân loại mức độ theo quy định. Mức lương tối thiểu mà công ty trả cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Năm 2017, công ty chưa tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động, chưa lập phương án xử lý sự cố gây mất an toàn kỹ thuật, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp. Ngoài ra, công ty còn sử dụng 4 lao động người nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động.

Tại Công ty TNHH Seong Ji Vina (Khu công nghiệp Thuận Thành 3, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành), đoàn thanh tra phát hiện những vi phạm, như: Chưa thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; huy động làm thêm vượt quá 30 giờ/tháng; chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động cũng như quy chế thưởng; chưa xây dựng phương án xử lý kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp; chưa bố trí cán bộ làm công tác y tế...

Tình trạng làm thêm quá số giờ quy định diễn ra phổ biến ở nhiều công ty khác, như: Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong); Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam (xã Long Châu, huyện Yên Phong); Công ty TNHH Thiết bị điện tử LS Việt Nam, Công ty TNHH Jworld Việt Nam… Đặc biệt, tại Công ty TNHH M&C Electronic Vina (Khu công nghiệp Quế Võ, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ), trong năm 2016 có nhiều NLĐ phải làm thêm quá 500 giờ/năm.

Liên quan tới vấn đề này, tại buổi tọa đàm thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam được tổ chức tháng 1-2018, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật về lao động đều bị lập biên bản và xử phạt hành chính.

Một trong những sai phạm khá phổ biến ở các công ty là không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả NLĐ theo quy định. Ví dụ: Công ty TNHH Lege Việt Nam; Công ty TNHH Jworld Vina; Công ty TNHH Nitto Việt Nam...

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để khắc phục tình trạng vi phạm quyền lợi của NLĐ, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách cho NLĐ phù hợp hơn. Tổ chức công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn công ty cần nâng cao trách nhiệm, kịp thời phát hiện và kiến nghị với UBND các tỉnh và ban, ngành chức năng về những vi phạm của doanh nghiệp trong thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ, đồng thời yêu cầu chủ các doanh nghiệp đó phải thực hiện đúng các quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn và các chính sách khác đối với NLĐ tại doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ là nguyên tắc cơ bản và là yếu tố góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hy vọng rằng, những sai phạm trong sử dụng lao động như đã nêu trên sẽ sớm được khắc phục, để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/vi-pham-trong-su-dung-lao-dong-o-mot-so-doanh-nghiep-tai-bac-ninh-533329