Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội - Bài 1: Chuyện biết rồi, nói mãi

Bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội tồn tại như một vấn nạn xã hội và luôn là một 'cái kim trong bọc' gây nhức nhối trong dư luận, làm 'đau đầu' các cấp chính quyền và có những vụ việc mà độ phức tạp của nó phải đến bộ, ngành, Chính phủ chỉ đạo, giải quyết.

Mặc dù nhiều lần Đảng bộ, chính quyền thành phố ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn này nhưng kết quả đạt được vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với chính mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Điều đáng nói là trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện.

Dự án chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư nằm trong danh sách 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015 - 2016. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Dự án chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư nằm trong danh sách 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015 - 2016. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Những “cục nợ” sai phạm

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dù cơ bản có đầy đủ các chế tài để xử lý dứt điểm hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, nhưng thực tế trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Điển hình là các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức.

Dẫn chứng, từ năm 2017, tại Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện phải phối hợp giải quyết dứt điểm 413 công trình tồn đọng nhiều năm. Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, theo thống kê vẫn tồn 80 công trình, đặc biệt, cả năm 2018, toàn thành phố không xử lý thêm trường hợp nào.

Trước tình trạng này, lần đầu tiên, Sở Xây dựng Hà Nội buộc phải “bêu” tên công khai 43 công trình vi phạm tồn đọng (phát sinh năm 2015 - 2016). Dẫn đầu là quận Hoàn Kiếm (8 trường hợp), kế sau là Hai Bà Trưng (7 trường hợp), Thanh Xuân và huyện Thanh Trì (mỗi nơi 5 trường hợp), Ba Đình (3 trường hợp), Nam Từ Liêm (3 trường hợp)…

Đáng chú ý, trong danh sách đó có sự góp mặt của những dự án lớn như: Tòa nhà Hòa Bình Green City; chung cư Mỹ Sơn Tower và chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng; công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh và công trình hỗn hợp nhà ở - trung tâm thương mại CT5 Tân Triều; nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi; tòa HH01 và tòa 04 - HH02 dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ...

Một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của Hà Nội là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cũng bị nêu đích danh một số công trình vi phạm tại lô E3, E4, E5 Khu đô thị mới Cầu Giấy (lô E3, E4, E5). Và ngoài các dự án cao ốc trên còn có hàng chục công trình nhà xưởng, khu công nghiệp tồn tại vi phạm mà đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm tại nhà ở riêng lẻ của các hộ dân cũng diễn ra tràn lan và đây là đối tượng gây nhiều khó khăn cho cả cấp chính quyền lẫn lực lượng chức năng khi xử lý hành vi vi phạm, xảy ra nhiều khiếu kiện, chống đối.

Có thể “điểm mặt” một số công trình dây dưa kéo dài nhiều năm: Số 3B và 107 phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); 11B - 174 - 176 - 225 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân); các trường hợp vi phạm tại mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình); 45 hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Quốc Oai; 7 trường hợp xây trên đất nông nghiệp tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức)…

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, cùng với hàng loạt công trình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm trên thì kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra của Hà Nội cũng rất chậm, dù tháng 6/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch chuyên đề về khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra về vi phạm trật tự xây dựng.

Trong tổng số 12 Kết luận thanh tra (gồm Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Thành phố và Thanh tra Sở Xây dựng), có 25 công trình, dự án vi phạm. Đến nay, thành phố mới xử lý xong 4 công trình, còn lại 21 công trình đang tiếp tục xử lý và trong số này có 10 công trình xem xét chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Có thể liệt kê một số công trình đang trong quá trình xử lý như: Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc; Khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông; Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5; các dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng thuộc Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng...

Thách thức nhà quản lý

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại 225 Nguyễn Xiển tồn đọng từ năm 2014, nhưng đến giữa tháng 6/2019 chính quyền quận Thanh Xuân mới cam kết xử lý. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Ở một góc độ khách quan, cũng dễ nhận thấy, trong những năm qua, việc quản lý trật tự xây dựng đô thị được Hà Nội xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và đã được các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Đây cũng là nội dung được HĐND thành phố Hà Nội giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại nhiều kỳ họp khóa XV. Nhờ đó, nhiều công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các vi phạm; những vụ việc phức tạp, nổi cộm cũng dần được hạn chế.

Mặc dù vậy, mới đây, tại Phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về quản lý trật tự xây dựng, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vẫn nhấn mạnh, trên địa bàn Thủ đô còn tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép, gây thiệt hại chung cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của các cấp chính quyền.

Lãnh đạo HĐND thành phố Hà Nội đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong các vấn đề về quy hoạch, quản lý theo quy hoạch; xây dựng và quản lý phát triển đô thị với những vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc…

Đặc biệt, nhiều vi phạm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm; một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa giải quyết kịp thời, triệt để. Bên cạnh đó, tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” tiếp tục phát sinh trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan đô thị…

Đánh giá về lĩnh vực quản lý này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã diễn ra trong thời gian dài, ở nhiều mức độ khác nhau. Chỉ tính 3 năm qua, còn nhiều công trình phát sinh và vi phạm nghiêm trọng, đã có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, của cả hệ thống cơ quan báo chí, đặc biệt là nhiều kiến nghị của cử tri.

Cụ thể, năm 2016 có 2.469 trường hợp vi phạm (chiếm 13,5%), năm 2017 có 1.916 trường hợp (chiếm 10,99%), năm 2018 có 1.065 trường hợp (chiếm 5,22%), 6 tháng đầu năm 2019 lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp...

Theo ông Chung, vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội hiện tập trung ở 4 nhóm: Các công trình vi phạm lâu rồi nhưng chưa được xử lý hoặc công trình không những không bị xử lý mà còn phát sinh vi phạm mới ngay trên đó; các vi phạm mới hoàn toàn không bị xử lý; vi phạm trên đất nông nghiệp; và một vấn đề hoàn toàn mới là các công trình vi phạm tại các khu đô thị.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên địa bàn Hà Nội? Dư luận rất cần các cấp chính quyền thành phố, các sở ngành chức năng và hơn ai hết là 30 Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phải xác định đúng nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân, tập thể liên quan.

Trên cơ sở đó, Hà Nội phải đưa ra được lộ trình, biện pháp khắc phục cụ thể, kiên quyết hơn nữa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng đô thị thời gian tới.

Bài 2: 'Ì ạch' xử lý, trách nhiệm thuộc về ai?

Minh Nghĩa - Nguyễn Hoàng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/vi-pham-trat-tu-xay-dung-o-ha-noi-bai-1-chuyen-biet-roi-noi-mai-20191002170245206.htm