Vi phạm tố tụng nghiêm trọng, hủy án sơ thẩm vụ kiện giữa An Lạc và Marone

Chiều 31.3.2021, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Tổng hợp An Lạc và bị đơn là Công ty TNHH MTV Marone. Đơn kháng cáo của cả hai bên đều bị tòa bác.

Theo HĐXX, ngày 7.6.2019, nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện buộc bị đơn phải thanh toán số tiền 119 tỉ đồng (làm tròn), gồm bồi thường thiệt hại cho việc gây sụt giảm giá trị thương mại của mặt bằng là 3,072 tỉ đồng, và bồi thường do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn là 116 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 27.7.2020, nguyên đơn có đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Cụ thể là rút yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu Marone bồi thường thiệt hại giá trị giảm sút mặt bằng là 3 tỷ đồng. Sửa đổi yêu cầu khởi kiện, An Lạc yêu cầu Marone bồi thường do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo Điều 23.2.b của Hợp đồng thuê mặt bằng, số tiền 110 tỉ đồng.

An Lạc bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện là yêu cầu Marone phải bàn giao, hoàn trả mặt bằng thuê tại địa chỉ 332 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú. TP.HCM. Ngày 27.8.2020, nguyên đơn tiếp tục có đơn yêu cầu sửa đổi bổ sung, cụ thể là yêu cầu Marone phải thanh toán khoản tiền 108 tỉ đồng do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo Điều 23.2.b, sau khi khấu trừ tiền cọc, tiền thuê đã thanh toán nhưng chưa sử dụng hết.

Mặt bằng Marone thuê của An Lạc tại 332 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh tư liệu: Trung Dũng

Theo bản án sơ thẩm mà TAND quận 10 đã tuyên, An Lạc được giữ lại số tiền mà Marone đã chuyển trả gồm tiền cọc 5,8 tỉ đồng và tiền thuê mặt bằng đã thanh toán nhưng chưa sử dụng hết là 11,2 tỉ đồng, tổng cộng là 17 tỉ đồng. Trở lại với phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện cuối cùng ngày 27.8.2020, nguyên đơn yêu cầu thanh toán số tiền 108 tỉ đồng, không bao gồm khoản tiền cọc và tiền thuê chưa sử dụng hết như bản án sơ thẩm.

Viện dẫn Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định đương sự “có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”, HĐXX phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm phía nguyên đơn cũng khẳng định rằng số tiền cọc và tiền thuê chưa sử dụng là số tiền mà phía nguyên đơn đương nhiên được hưởng theo hợp đồng do phía bị đơn vi phạm. Như vậy, nguyên đơn khẳng định trong các đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung không có nội dung và yêu cầu khởi kiện về việc nguyên đơn được hưởng số tiền nói trên và cũng không thực hiện nghĩa vụ tạm ứng án phí đối với số tiền này.

Việc cấp sơ thẩm xem xét và giải quyết đối với số tiền này và nguyên đơn được hưởng số tiền này là vượt quá yêu cầu của nguyên đơn. Đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục”, chủ tọa nhận định. Vì vậy, HĐXX không thể xem xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về việc sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện trong đó có yêu cầu đối với số tiền cọc, tiền thuê mặt bằng đã trả trước nhưng chưa sử dụng hết, và số tiền 108 tỉ đồng bồi thường thiệt hại theo Điều 23.2.b tại Hợp đồng thuê mặt bằng.

Kháng cáo của bị đơn yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn cũng không được HĐXX chấp nhận. Ý kiến của đại diện VKSND TP.HCM đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm cũng không được ghi nhận do không phù hợp với nhận định của HĐXX.

Trên cơ sở đó, HĐXX quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết. Quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạp thời do TAND quận 10 ban hành sẽ được cấp sơ thẩm xem xét và giải quyết trong quá trình giải quyết vụ án. Sau gần hai năm, vụ kiện tranh chấp hợp đồng giữa các đương sự sẽ quay lại cấp sơ thẩm.

Song Ngô

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vi-pham-to-tung-nghiem-trong-huy-an-so-tham-vu-kien-giua-an-lac-va-marone-28059.html