Vi phạm quy trình xây dựng văn bản?

Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đang kiểm tra tính hợp pháp của Thông tư 31/2019/TT-BYT (quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường). Bước đầu, Cục xác định, dự thảo thông tư này không được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quy định bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường gây tranh cãi thời gian qua

Quy định bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường gây tranh cãi thời gian qua

Việc Bộ Y tế quyết định bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường (SHĐ) đang tạo ra nhiều tranh luận trái chiều, trong đó có yếu tố liên quan quy trình ban hành Thông tư 31/2019/TT-BYT. Theo Điều 101 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một thông tư trước khi ban hành phải đăng tải dự thảo công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của bộ xây dựng thông tư đó trong ít nhất 60 ngày. Tuy nhiên, tra cứu trên hệ thống dữ liệu của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Y tế từ năm 2018 đến nay, không thấy dự thảo của thông tư này được công bố.

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, xác nhận, theo quy định pháp luật, dự thảo Thông tư 31/2019/TT-BYT phải đăng công khai đồng thời trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Y tế. Ông Ba nói: “Chúng tôi đã kiểm tra và nắm thông tin qua Vụ Pháp chế của Bộ Y tế. Họ nói rằng đã đăng trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Sau khi thông tư được thông qua, họ đã rút dự thảo xuống. Họ không có thông tin cho rằng đã đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Như thế có thể hiểu là họ không đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ mà chỉ đăng trên cổng thông tin của Bộ Y tế thôi. Và đó cũng là vi phạm”, ông Ba nói.

Về việc đăng dự thảo trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, phóng viên đã theo dõi, tra soát và thấy rằng, dự thảo có đăng trên trang web của Cục An toàn thực phẩm. Chưa có thông tin xác thực nào đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho rằng, nếu dự thảo không được công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế là vi phạm nghiêm trọng về quy trình xây dựng văn bản. “Trách nhiệm kiểm tra việc này trước hết là của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp rồi đến Bộ Y tế. Nếu không đăng công khai dự thảo, Thông tư số 31/2019/TT-BYT phải bị hủy bỏ”, ông Sơn nói.

Vấn đề dự thảo Thông tư số 31/2019/TT-BYT không được đăng công khai được phóng viên thông báo đến Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Thứ trưởng Tư pháp Phan Chí Hiếu - người trực tiếp phụ trách lĩnh vực kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành xây dựng.

Luật Ban hành Văn bản quy phạm Pháp luật quy định, dự thảo một thông tư bất kỳ phải được Vụ Pháp chế của Bộ tra soát trước khi trình lãnh đạo Bộ ký. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế, nói rằng, ông không được giao thẩm tra dự thảo này trước khi ban hành.

Bảo An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/vi-pham-quy-trinh-xay-dung-van-ban-1510337.tpo