Vi phạm quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh, VFM bị phạt 175 triệu đồng

Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam bị Ủu ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 175 triệu đồng vì đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) với số tiền phạt là 175 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam bị phạt vì trong thời gian từ tháng 2/2018 đến tháng 7/2018 đã thực hiện đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình.

Theo Nghị định số 42 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, Thông tư 11 hướng dẫn Nghị định 42, các công ty chứng khoán muốn kinh doanh chứng khoán phái sinh phải hội đủ 5 điều kiện.

1 trong 5 điều kiện đó là: Công ty chứng khoán chỉ được đầu tư sau khi được chấp thuận đăng ký hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh.

Công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình. Chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn ủy thác, vốn của quỹ đầu tư có điểu khoản cho phép.

Tổ chức tín dụng được kinh doanh chứng khoán phái sinh theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Doanh nghiệp bảo hiểm, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi cơ quan quản ý nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Theo Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP:

4. Phạt tiền từ 150,000,000 đồng đến 200,000,000 đồng đối với công ty quản lý quỹ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Thực hiện hành vi trốn tránh nghĩa vụ pháp lý, hạn chế phạm vi bồi thường và trách nhiệm tài chính của công ty quản lý quỹ, chuyển rủi ro từ công ty quản lý quỹ sang nhà đầu tư hoặc buộc nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ bồi thường không công bằng;

b) Sử dụng tài sản của quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán để đầu tư vào chính quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán đó hoặc quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam hoặc góp vốn liên doanh, liên kết hoặc đầu tư tài chính vào chính công ty quản lý quỹ và người có liên quan của công ty quản lý quỹ;

c) Đầu tư tài chính, mua cổ phần, phần vốn góp, trái phiếu, tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, nắm giữ cổ phần trái quy định;

d) Thực hiện việc đi vay để tài trợ cho hoạt động của quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán trái quy định pháp luật;

đ) Sử dụng tài sản của quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán, tài sản ủy thác để thanh toán nghĩa vụ nợ, cho vay hoặc bảo lãnh bất kỳ khoản vay nào của công ty, người có liên quan của công ty hoặc bất kỳ đối tác nào;

e) Thực hiện việc cho vay hoặc giao vốn của công ty cho tổ chức, cá nhân trái quy định pháp luật;

g) Cho khách hàng vay, mượn chứng khoán hoặc các tài sản khác; môi giới giao dịch giữa khách hàng và bên thứ ba;

h) Không lưu ký và quản lý tách biệt tài sản và vốn của từng nhà đầu tư ủy thác, của từng quỹ đầu tư, của công ty đầu tư chứng khoán do công ty quản lý; không tách biệt tài sản ủy thác, tài sản của quỹ đầu tư, của công ty đầu tư chứng khoán và tài sản của chính công ty;

i) Sử dụng vốn của khách hàng ủy thác để đầu tư trái quy định pháp luật;

k) Thông đồng với công ty chứng khoán thực hiện giao dịch quá mức đối với các chứng khoán trong danh mục đầu tư của một quỹ do công ty quản lý quỹ quản lý để công ty chứng khoán thu lợi từ phí môi giới.

HOÀNG HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/vi-pham-quy-dinh-ve-dau-tu-chung-khoan-phai-sinh-vfm-bi-phat-175-trieu-dong-3477511.html