Vi phạm phòng cháy chữa cháy: Tiến độ khắc phục còn chậm

Đợt giám sát của Ban Pháp chế HĐND Thành phố về thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội quy định về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thành phố mới đây cho thấy, việc triển khai ở một số nơi vẫn còn lúng túng, chưa quyết liệt, đã làm chậm tiến độ khắc phục các công trình vi phạm PCCC so với yêu cầu, nhất là đối với loại hình nhà tập thể cũ hay cụm làng nghề truyền thống.

Ngay sau khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn thành phố được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 183 chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện nghiêm Nghị quyết 05 với nhiệm vụ cụ thể, triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn thành phố.

Ban Pháp chế HĐND Thành phố giám sát công tác PCCC tại huyện Thanh Trì.

Ban Pháp chế HĐND Thành phố giám sát công tác PCCC tại huyện Thanh Trì.

Theo đó, UBND các quận, huyện đều thành lập các tổ công tác để thực hiện kế hoạch; tăng cường giám sát công tác PCCC trên địa bàn… Tuy nhiên, qua khảo sát, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND Thành phố cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 05 vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 05 và Kế hoạch 183 vẫn còn chậm; một số quận, huyện chậm trong việc ban hành kế hoạch thực hiện, quyết định thành lập tổ công tác…

Đáng chú ý, việc rà soát các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05 còn nhiều thiết sót. Đối với loại hình nhà tập thể cũ chưa có trong danh mục; cụm điểm công nghiệp và làng nghề; một số loại hình như chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh gas… chưa được đưa vào danh mục của thành phố.

Ngoài ra, việc đề xuất các giải pháp bổ sung, thay thế để tổ chức thực hiện khắc phục các điều kiện về bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở còn lúng túng. Đến nay, vẫn chưa có giải pháp cho từng loại hình cụ thể, nhất là đối với nhà tập thể cũ, cụm làng nghề truyền thống… dẫn tới các cơ sở không thể xây dựng được kế hoạch, lộ trình, kinh phí khắc phục.

Theo Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND Thành phố, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những tồn tại nêu trên là do một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, nghiêm túc trong việc triển khai Nghị quyết 05 và Kế hoạch 183. Trong đó, có không ít đơn vị còn tâm lý trông chờ vào chỉ đạo của Thành phố, ỷ lại và giao phó toàn bộ nội dung thực hiện cho lực lượng cảnh sát PCCC.

Đồng thời, công tác phối hợp giữa các sở, ngành với nhau, giữa sở, ngành với quận, huyện chưa chặt chẽ, chưa kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, việc đôn đốc, phối hợp giữa cảnh sát PCCC Thành phố với cơ quan hữu quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa quyết liệt.

Một số quận huyện và cảnh sát PCCC tại khu vực chưa thường xuyên rà soát, kiểm tra để bổ sung đối tượng vào danh mục, trong khi việc hướng dẫn để các cơ sở thực hiện khắc phục còn chậm. Đáng chú ý, do đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05 còn rất đa dạng và phức tạp, số lượng đối tượng rà soát lần 2 tăng gần 2 lần so với ban đầu. Trong khi chưa có văn bản pháp luật cụ thể hướng dẫn quy trình, điều kiện khắc phục với từng loại hình, cơ sở phải điều chỉnh theo Nghị quyết 05, nhất là các giải pháp để bổ sung, thay thế cũng khiến cho việc thực hiện Nghị quyết không được hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, Ban Pháp chế HĐND Thành phố kiến nghị, UBND Thành phố cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh tiến độ triển khai các nội dung theo kế hoạch. Đồng thời, tăng cường bảo đảm công tác an toàn PCCC trên địa bàn, đặc biệt là những công trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ như khách sạn, nhà chung cư, tập thể, các cơ sở sản xuất, kho tàng…

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát PCCC cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc chấp hành của các cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC.

Riêng đối với các quận, huyện, thị xã, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết 05 nói riêng và công tác bảo đảm PCCC nói chung với các hình thức đa dạng, thiết thực và hiệu quả. Trong quá trình triển khai Nghị quyết 05, nếu như có khó khăn, vướng mắc thì phải báo cáo ngay với UBND Thành phố để có cách tháo gỡ hiệu quả, kịp thời.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-pham-phong-chay-chua-chay-tien-do-khac-phuc-con-cham-80193.html