Vi phạm nghiêm trọng đất bãi sông ở Hải Phòng

Cho doanh nghiệp, hộ gia đình thuê đất bãi ven sông, ven biển phát triển kinh tế là một chủ trương đúng, đã được quy định trong nhiều thông tư, nghị định. Tuy nhiên, một số cơ quan chức năng ở Hải Phòng lại 'tự ý' rút ngắn quy trình,'xé rào' cấp phép, không tuân thủ một số quy định, dẫn đến doanh nghiệp liên tiếp vi phạm. Ðiển hình là hai dự án của Công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Minh Sơn.

Cho doanh nghiệp, hộ gia đình thuê đất bãi ven sông, ven biển phát triển kinh tế là một chủ trương đúng, đã được quy định trong nhiều thông tư, nghị định. Tuy nhiên, một số cơ quan chức năng ở Hải Phòng lại "tự ý" rút ngắn quy trình,"xé rào" cấp phép, không tuân thủ một số quy định, dẫn đến doanh nghiệp liên tiếp vi phạm. Ðiển hình là hai dự án của Công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Minh Sơn.

"Vô tư" vi phạm

Hơn một năm trước, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai đối với Công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương (gọi tắt là Công ty TBD) và Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Minh Sơn (Công ty Minh Sơn). Theo kết luận thanh tra, công trình của Công ty TBD nằm ở K11-800 đê hữu Văn Úc, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, gồm sáu tổ hợp phân xưởng gia công cơ khí, diện tích 23.921 m2; một cầu tàu dài 250 m, trong đó đã xây dựng 200 m và đang triển khai xây dựng 50 m, kết cấu bằng bê-tông cốt thép trên bệ cọc cao; triền đà dài 263 m. Sáu tổ hợp phân xưởng được xây dựng theo Giấy phép số 18/GPXD ngày 18-3-2016 do Sở Xây dựng TP Hải Phòng cấp.

Trao đổi với chúng tôi tại trụ sở công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TBD Lê Ðoàn Tám khẳng định những gì công ty làm đều hoàn toàn "đúng luật". Lý do ông Tám đưa ra là công ty được Sở Xây dựng TP Hải Phòng cấp Chứng chỉ quy hoạch số 193/CCQG ngày 29-8-2007 và Ðiều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 tại Công văn số 2000/SXD; được UBND thành phố Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án số 02121000197 ngày 16-6-2008, với quy mô đóng tàu 15.000 DWT; thay đổi lần thứ nhất số 5706431381, do Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hải Phòng cấp với quy mô đóng tàu 56.000 DWT và Giấy phép số 18/GPXD do Sở Xây dựng TP Hải Phòng cấp.

Ngoài ra, theo ông Tám, cảng thủy nội địa đã được Cục Ðường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thống nhất thỏa thuận cho phép xây dựng tại Công văn số 1866/CÐTNÐ-ATGT ngày 1-12-2009; công bố hoạt động cảng thủy nội địa tại Quyết định số 355/QÐ-CÐTNÐ ngày 3-6-2011 và đã được cấp Quyết định số 851/QÐ-CÐTNÐ về việc công bố lại hoạt động Cảng thủy nội địa của Công ty TBD đến hết năm 2058. Từ những lập luận trên, ông Lê Ðoàn Tám khẳng định công ty mình đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về quy hoạch, thuê đất, cấp phép xây dựng theo hướng dẫn và yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Ðiệp khúc tương tự cũng xảy ra khi Sở Xây dựng TP Hải Phòng cấp Giấy phép xây dựng số 28/GPXD ngày 13-9-2018 đối với hai nhà xưởng và một nhà văn phòng cấp 4, tổng diện tích gần 6.000 m2 cho Công ty Minh Sơn trên hành lang đê điều tại vị trí K12+150 đê tả Văn Úc, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Ông Phạm Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Minh Sơn cũng khẳng định việc xây dựng nhà xưởng, mố cầu cảng 50 m2 và ba trạm trộn bê-tông, tường rào, lưới chắn là hoàn toàn hợp pháp.

Tuy nhiên, đối với cả hai dự án nêu trên, kết luận của Thanh tra Bộ NN và PTNT nêu rõ, điều 26 Luật Ðê điều quy định các hạng mục này phải trình Bộ NN và PTNT thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó UBND thành phố Hải Phòng mới được cấp giấy phép. Ngoài ra, Quy định số 257/QÐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại khu vực bãi ngoài đê hữu sông Văn Úc, tương ứng K11+800 (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) không thuộc danh mục bãi sông được nghiên cứu xây dựng các hạng mục nêu trên. Do vậy, việc cấp giấy phép xây dựng là không đúng quy định của Luật Ðê điều.

Cấp phép không theo quy trình

Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố có đê về việc xử lý vi phạm và bảo vệ đê điều mới đây, những vi phạm, tồn tại của Công ty TBD và Công ty Minh Sơn đã được Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Phạm Ðức Luận nêu lên như điển hình về vi phạm pháp luật đê điều. Theo ông Luận, sau khi Thanh tra Bộ kết luận, Bộ NN và PTNT cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị, nhưng những tồn tại, vi phạm của hai công ty vẫn chưa được xử lý dứt điểm, cũng như chưa có giải pháp cụ thể để khắc phục từ các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng.

Vấn đề đáng nói ở đây là tại sao các doanh nghiệp "vô tư" vi phạm trên bãi sông trong một thời gian dài mà không bị xử lý, kể cả khi có kết luận của Thanh tra Bộ NN và PTNT. Các doanh nghiệp có đầy đủ giấy phép hoạt động, giấy phép xây dựng. Vậy những giấy phép mà các cơ quan chức năng TP Hải Phòng cấp có đúng thẩm quyền và thủ tục? Theo tìm hiểu của chúng tôi là không. Bởi theo kết luận của Thanh tra Bộ NN và PTNT và quy định của Luật Ðê điều, các hạng mục công trình này phải được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép chứ không phải do Sở Xây dựng cấp. Thêm vào đó, theo quy định tại các điểm C, khoản 1; khoản 2 điều 25 Luật Ðê điều phải có ý kiến chấp thuận của Bộ NN và PTNT trước khi cấp giấy phép thi công và UBND thành phố Hải Phòng cũng chưa xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc "xé rào", "tùy tiện" cấp giấy phép xây dựng cho các công ty nêu trên của Sở Xây dựng TP Hải Phòng là vi phạm nghiêm trọng Luật Ðê điều. Trong khi đó, ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng cấp phép Sở Xây dựng TP Hải Phòng vẫn khẳng định, trước khi cấp phép đã có đủ hồ sơ hợp lệ. Hơn nữa, đơn vị tham vấn là Sở NN và PTNT không hề có văn bản nói đến những vướng mắc do vi phạm Luật Ðê điều. Ông Nguyễn Bá Tiến, Chi cục trưởng Ðê điều TP Hải Phòng thừa nhận, nếu đối chiếu với Luật Ðê điều thì việc cấp đất, cấp phép như vậy không đúng với quy trình thủ tục. Việc cần làm bây giờ là tìm giải pháp khắc phục.

Hệ lụy của việc cấp giấy phép sai thẩm quyền đã dẫn đến những sai phạm dai dẳng của doanh nghiệp. Sau hơn một năm có kết luận thanh tra, UBND thành phố đã có những văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp liên quan yêu cầu kiểm tra, rà soát, xử lý và đề xuất xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện kết luận thanh tra nêu trên vẫn chưa có kết quả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc doanh nghiệp cho rằng khi thực hiện dự án đã được Bộ NN và PTNT chấp thuận là không đúng. Bởi, Công văn số 3234/BNN-ÐÐ ngày 27-5-2008 của Bộ NN và PTNT trả lời UBND thành phố Hải Phòng chỉ thống nhất với đề nghị của UBND thành phố về việc quy hoạch sử dụng bãi sông để xây dựng Nhà máy đóng tàu Thái Bình Dương tại khu vực nêu trên. Nhưng văn bản cũng nói rõ, quá trình lập dự án phải trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Luật Ðê điều và pháp luật hiện hành, ưu tiên bảo đảm an toàn cho đê điều...

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề trên Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Phạm Ðức Luận cho biết, việc xây dựng công trình trên bãi sông được quản lý rất chặt chẽ, chỉ một số công trình đặc biệt theo quy định của Luật Ðê điều mới được phép xây dựng. Ðối với tuyến sông có đê từ cấp III trở lên, việc xây dựng các công trình ngoài quy định thì phải được sự đồng ý của Bộ NN và PTNT, từ đó UBND tỉnh, thành phố mới có thể cấp phép. Như vậy, TP Hải Phòng không lấy ý kiến của Bộ NN và PTNT trước khi cấp phép xây dựng; thành phố không cấp phép mà Sở Xây dựng lại cấp phép là sai phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục.

Hiện nay, một số địa phương đã có chủ trương xây dựng quy hoạch chi tiết sử dụng đất vùng bãi, vùng ven sông để người dân và các doanh nghiệp không xây dựng các công trình ảnh hưởng đến vùng thoát lũ. Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, không gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân, TP Hải Phòng cần khẩn trương xây dựng quy hoạch chi tiết bãi sông, tham vấn ý kiến Bộ NN và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó mới tiến hành các thủ tục cấp phép xây dựng, đầu tư. Tuy nhiên, về hai công trình cụ thể nêu trên, theo ông Phạm Ðức Luận là UBND thành phố phải xem xét xử lý trách nhiệm các cơ quan tham mưu và cấp giấy phép xây dựng không đúng quy định của pháp luật về đê điều. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan, bao gồm Công ty TBD và Công ty Minh Sơn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đê điều, xử lý các tồn đọng. Hai công ty trên đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân. Chính vì vậy, việc xử lý cũng cần nghiên cứu sao cho hợp tình, hợp lý, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng không để trở thành tiền lệ xấu trong lấn chiếm đất bãi sông và hành lang đê, gây khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Bài và ảnh: Trung Ngọc Dũng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/vi-pham-nghiem-trong-dat-bai-song-o-hai-phong-624865/