Vi phạm Luật Đê điều ở Thanh Hóa, các cấp, ngành chưa xử lý quyết liệt

Mặc dù đã lên phương án và chỉ đạo các địa phương xử lý rốt ráo nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại có chiều hướng gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, xảy ra 64 vụ vi phạm, nhiều hơn cùng kỳ 29 vụ...

Nhiều tuyến đê chưa an toàn

Thanh Hóa có tổng cộng 24 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài đê là 1.008km. Trong đó, các tuyến đê cấp I - III dài 315km; đê dưới cấp III dài 693km.

Toàn tỉnh Thanh Hóa đã lắp được 154 khung khống chế tải trọng

Những năm gần đây, nhờ nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh về việc chỉ đạo triển khai kế hoạch và hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư tu bổ, nâng cấp nên hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng, khả năng đối phó với thiên tai và phục vụ công tác hộ đê được nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan thì vẫn còn đó nhiều hạn chế. Khảo sát thực tế cho thấy, hiện toàn tỉnh còn nhiều đoạn đê kè đắp trên nền đất yếu sình lầy, thân đê xây dựng bằng các loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu nên khi có mưa lũ dễ xảy ra sạt trượt; thân đê bị bão hòa dẫn đến chảy xệ chân và mái đê mỗi khi gặp lũ lớn kéo dài.

Đối với các tuyến đê thấp, chưa đủ cao trình chống lũ hay các điểm sát sông chưa được kè, mái đê sạt lở nhiều (sông Hoạt, sông Hoàng, hữu sông Nhơm, sông Lạch Bạng) chỉ cần xuất hiện mưa từ 300mm trở lên trong thời gian từ 1- 2 ngày khó tránh khỏi nguy cơ bị tràn.

Tuy nhiên việc ngăn chặn xe quá tải trọng lưu hành trên đê vẫn chưa được xử lý dứt điểm

Từ đầu năm đến nay, trên các tuyến đê từ cấp I-III đã xảy ra 03 sự cố, trên các tuyến đê cấp IV xảy ra 07 sự cố. Gần đây nhất, vào ngày 13-14/9, tại khu vực đê tả sông Yên, từ K3+760 – K4+290 thuộc địa bàn thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống xuất hiện sạt mái mặt đê rất nguy hiểm. Cụ thể, có 6 cung bị sạt, cung sạt lớn nhất dài 110m; sạt đứng vách, chiều cao khung sạt là 4,1m; lấn sâu vào mặt đê 0,7m.

Trước tình hình trên, UBND huyện Nông Cống đã phối hợp cùng Hạt Quản lý đê lập phương án xử lý, đảm bảo an toàn công trình. Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện chỉ đạo cắm biển cảnh báo nguy hiểm và tiến hành phát quang cây cối 2 bên mái đê.

Vi phạm có chiều hướng tăng

Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm, ngay từ đầu năm Chi cục đê điều – PCLB tỉnh đã tham mưu cho Sở NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND các huyện có đê chỉ đạo các xã, huy động lực lượng phát quang cây cối, rào dậu trên mái đê, lập phương án xử lý các bãi tập kết rác thải.

Cùng với đó, để ngăn chặn, xử lý xe quá tải lưu thông trên đê, trong năm 2016 đơn vị chuyên ngành đã yêu cầu các các huyện, thị xã, thành phố cùng phối hợp với chủ đầu tư thi công tiến hành lắp dựng thêm được 58 khung khống chế tải (đến nay đã lắp đặt được 154 khung).

Mặc dù đã lên phương án và triển khai thực hiện nhưng thực tế vi phạm pháp luật về đê điều vẫn xảy ra mọi lúc mọi nơi và đang có chiều hướng gia tăng. Nếu trong 9 tháng đầu năm 2015 chỉ xảy ra 35 vụ vi phạm thì năm 2016 (tính đến ngày 28/9) đã tăng lên 64 vụ (Hoằng Hóa 28 vụ; Thiệu Hóa 7 vụ; TP Thanh Hóa 17 vụ...).

Hình thức vi phạm phổ biến là: cơi nới nhà cửa, trồng cây, rào giậu trong hành lang bảo vệ đê; đổ rác thải lên mái đê, chân đê; làm lều tạm trông coi hoa màu ở bãi sông và xe quá tải trọng lưu thông gây hư hỏng mặt đê.

Tập kết nguyên vật liệu tại tuyến đê hữu sông Chu, đoạn thuộc địa bàn xã Yên Trường, huyện Yên Định

Quá trình tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Yên Định có 2 tuyến đê chính là hữu sông Mã (đê cấp II, dài 28 km) và tả Cầu Chày (cấp IV, dài trên 42 km). Qua đánh giá, tình trạng vi phạm trên 2 tuyến đê nói trên vẫn chưa được khắc phục dứt điểm, đặc biệt từ km4 – km8 của tuyến đê hữu sông Mã thuộc 3 xã Quý Lộc, Yên Thọ và Yên Trường đang xuống cấp nghiêm trọng khi phải “oằn mình” gánh hàng loạt xe chở nguyên vật liệu trọng tải lớn lưu thông qua.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Kim Thành, Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện này cho biết: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của đơn vị chức năng nên số vụ vi phạm đã giảm đi nhiều. Một trong những vấn đề nan giải là tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến đê hữu sông Mã”.

Theo ông Thành, Hạt chỉ có chức năng kiểm tra, cập nhật diễn biến tình hình để tham mưu, báo cáo chứ không được phép thu giữ phương tiện và trực tiếp đưa ra hình phạt. Lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng vi phạm càng được đà lấn tới.

Không riêng gì Yên Định, xe quá tải trọng cũng đang là “hung thần” đối với các tuyến đê ở huyện Thiệu Hóa. Được biết, tuyến đê cấp I - hữu sông Chu, kéo dài từ xã Thiệu Toán về đến chân cầu Vạn Hà được xem là “tấm lá chắn” cực kỳ quan trọng, có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản cho hàng ngàn hộ dân sống quanh khu vực các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn và TP Thanh Hóa.

Quan trọng là thế nhưng bước tường ngăn lũ này đang bị xâm hại một cách không thương tiếc. Theo quan sát của PV, hiện phần mặt đê đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều điểm bê tông nứt toác, vỡ nát như ô bàn cờ vô tình tạo thành những hố sâu gây nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cho người đi đường bất kỳ lúc nào.

Theo người dân, dọc sông Chu hiện tồn tại khá nhiều bãi tập kết vật liệu nằm ngay sát chân đê, thường ngày có đến từng tốp xe trọng tải lớn nối đuôi nhau vào “ăn hàng” khiến cho thân đê rung lắc bần bật.

Xe chở nguyên vật liệu lưu thông thường xuyên đã cày nát đoạn đê ngay trước UBND xã Yên Thọ, huyện Yên Định

Chứng kiến cảnh này, bà con rất quan ngại nên đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền và cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc, thế nhưng tình hình chỉ yên ắng được một thời gian rồi đâu lại vào đó.

Nguyên nhân, giải pháp

Theo Chi cục Đê điều - PCLB tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân khiến cho nhiều tuyến đê bị xâm hại xuất phát từ việc lãnh đạo ở một số địa phương chưa sâu sát, thiếu quan tâm, có biểu hiện né tránh giải quyết các vi phạm về Luật Đê điều mà các Hạt Quản lý đê kiến nghị.

Không những thế, quá trình lập và phê duyệt Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất ở bãi sông, nhiều địa phương không tham khảo ý kiến của ngành chức năng mà tự ý “xé rào”, trực tiếp bố trí khu dân cư, các công trình nhà cửa, làng nghề, trang trại chăn nuôi, chợ… nằm trong phạm vi bảo vệ.

Cũng phải nói thêm, nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng đã coi thường quy định pháp luật, cố tình tình vi phạm Luật Đê điều bằng cách ngang nhiên tiến hành lập bãi tập kết để khai thác cát sỏi, nguyên vật liệu trái phép, gây ảnh hưởng lớn đến dòng chảy và hành lang thoát lũ.

Theo ông Đặng Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều – PCLB tỉnh, nâng cấp, bảo vệ đê điều là việc làm hết sức cấp bách, hòi hỏi sự chung tay của cả xã hội chứ không riêng một ai. Muốn ngăn chặn tình trạng vi phạm, nhất thiết các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa.

Sắp tới, Chi cục tiếp tục tập trung chỉ đạo các Hạt duy trì và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, luật PCTT; có phương án tham mưu, đôn đốc các huyện tiến hành xử lý các vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt là tình trạng xe quá tải và tập kết cát trái phép ở khu vực lòng sông, bãi sông.

Ngày 18/6/2016, Sở NN- PTNT Thanh Hóa đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”. Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND của 10 huyện, thị xã, thành phố có đê từ cấp I -III và các Hạt Quản lý đề điều trực thuộc đã tiến hành ký kết giao ước thi đua năm 2016.

Sau lễ phát động, đã có 6 huyện đăng ký xây dựng tuyến đê kiểu mẫu gồm Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hà Trung và Nga Sơn. Mục tiêu đến hết năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu có từ 5-7 tuyến đê kiểu mẫu và 1 Hạt Quản lý đê điển hình.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/vi-pham-luat-de-dieu-o-thanh-hoa-cac-cap-nganh-chua-xu-ly-quyet-liet-post178062.html