Vi phạm hành lang đê điều ở Can Lộc kéo dài, khó xử lý!

Can Lộc – Hà Tĩnh hiện có 95 trường hợp đang vi phạm lấn chiếm hành lang các tuyến đê điều trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên việc xử lý chưa dứt điểm, dẫn đến vi phạm kéo dài, mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Nhiều trường hợp xây dựng nhà trước và sau khi tuyến có Tả Nghèn nhưng chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ

Tùng Lộc là địa phương có nhiều trường hợp vi phạm nhất về hành lang an toàn trên các tuyến đê Tả Nghèn. Nhưng việc xử lý chưa thật sự “mạnh tay” nên vi phạm kéo dài từ năm này qua năm khác.

Toàn xã hiện có 79 hộ xây dựng nhà cửa, ki-ốt và hàng rào vi phạm hàng lang đê trước và sau khi có đê Tả Nghèn, chủ yếu tập trung tại các thôn Tây Quang Trung, Đông Quang Trung, Đông Vinh, Tây Vinh, Tân Hương... Trong đó, có một số trường hợp có nguồn gốc đất từ trước và UBND xã cho thuê đất để phát triển kinh tế.

Một số hộ thuê đất của xã xây dựng công trình kiên cố vi phạm hành lang...

Một cán bộ ở xã Tùng Lộc cho biết, xã cũng đã nhiều lần thông báo đình chỉ các trường hợp vi phạm nhưng rất khó xử lý do phần đất của nhiều gia đình ở lâu năm, trước khi hình thành đê. Trong khi đó, huyện chưa bố trí được nguồn kinh phí để đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ đã được cấp giấy CNQSĐ từ trước.

Qua thực tế trên địa bàn xã Tùng Lộc cho thấy, nhiều trường hợp xã cho thuê đất đã xây dựng nhà cửa, ki-ốt vi phạm hành lang tuyến đê nhưng hiện vẫn chưa được tháo dỡ. Đặc biệt là bãi tập kết vật liệu xây dựng trong khu vực hành lang đê, ảnh hưởng đến dòng chảy, mất an toàn trong mùa mưa lũ.

... và tập kết vật liệu trong trên tuyến đê, ảnh hưởng dòng chảy, mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Cũng trên tuyến đê Tả Nghèn tại vùng Cồn Phượng, tổ dân phố 3, thị trấn Nghèn có 2 hộ nuôi vịt tự phát cách đây hơn 25 năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Hiện các chủ hộ đã xây dựng công trình kiên cố để chăn nuôi vịt, cá sát với chân đê.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn Bùi Việt Hùng cho biết: Hàng năm, thị trấn vẫn thành lập đoàn đi kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhiều hộ dân xây dựng, cơi nới nhà cửa vi phạm hành lang tuyến đê, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Riêng 2 trường hợp trên, vì có nguồn gốc đất đai khai hoang từ lâu trong khi tuyến đê chưa được cắm mốc, không có kinh phí đền bù nên chưa thể giải quyết dứt điểm.

Nhiều trường hợp nuôi trồng thủy sản vi phạm hành lang tuyến đê Hữu Nghèn.

Theo thống kê, toàn huyện Can Lộc có 95 trường hợp vi phạm an toàn trên các tuyến đê Hữu Nghèn, Tả Nghèn. Trong đó, chủ yếu là các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thủy cầm lấn chiếm hàng lang đê ở các xã Tùng Lộc, Tiến Lộc, Thuần Thiện....

Hàng năm, huyện cũng tổ chức kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm hành lang tuyến đê, hành lang thoát lũ của các tuyến sống trên địa bàn 6 xã, thị trấn có đê. Riêng năm 2019, huyện cũng đã kiểm tra, lập biên bản tháo dỡ 1 trường hợp xây móng nền làm chòi canh nuôi trồng thủy sản, đình chỉ 1 trường hợp nuôi trồng thủy sản (cùng ở xã Tiến Lộc) và đang lập phương án di dời bãi tập kết, chế biến gỗ của Doanh nghiệp Huy Thăng (ở xã Thiên Lộc) vì vi phạm, lấn chiếm hành lang các tuyến đê.

Những nhà dân nằm ngoài tuyến đê Tả Nghèn cần sớm di dời để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Kết quả trên cho thấy, công tác xử lý các trường hợp vi phạm hành lang tuyến đê trên địa bàn Can Lộc còn hết sức “khiêm tốn”. Ông Phan Anh Đức – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc lý giải: "Việc xử lý các trường hợp vi phạm gặp nhiều khó khăn do chưa có quy hoạch tổng thể, chi tiết hệ thống đê sông Nghèn đoạn qua huyện Can Lộc. Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ công tác cắm mốc hành lang đê còn thiếu nên chưa thể thực hiện được. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hành lang đê điều trên địa bàn và địa phương khó có căn cứ để xử lý dứt điểm".

Hữu Trung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/vi-pham-hanh-lang-de-dieu-o-can-loc-keo-dai-kho-xu-ly/177439.htm