Vi phạm hành lang an toàn lưới điện gia tăng tại miền Trung

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương khu vực miền Trung, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLANLĐ) diễn ra phổ biến, liên tục gây sự cố điện và tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự hợp tác của người dân, chỉ riêng ngành điện rất khó để xử lý dứt điểm vấn đề này.

Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ngãi phát quang hành lang lưới điện trung thế - Ảnh: VGP/Thế Phong

Vi phạm phổ biến, nhưng khó xử lý

Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.400 vị trí có cây keo, tràm nguyên liệu được trồng trong và ngoài HLANLĐ có nguy cơ va quẹt, ngã đỗ vào đường dây. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 133 sự cố điện do cây va quẹt vào đường dây điện, chiếm 42% số lần sự cố điện.

Đáng chú ý, tại địa phương này hiện có 7 nhà ở, công trình vi phạm HLANLĐ cao áp. Mặc dù ngành điện đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm, vận động chủ nhà, công trình vi phạm thực hiện tháo dỡ phần vi phạm, nhưng đến nay, các công trình trên vẫn nằm trong hành lang lưới điện.

Ông Lâm Quang Soạn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết, vi phạm phổ biến là người dân trồng cây keo, tràm vào trong và sát HLANLĐ cao áp tại khu vực các huyện miền núi như Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng và một số khu vực giáp ranh huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh. Các điện lực trực thuộc Công ty thường xuyên phát quang hành lang đường điện để bảo đảm yêu cầu vận hành, nhưng với khối lượng cây lớn, cây cao so với lưới điện, các chủ hộ trồng cây không phối hợp, thậm chí cản trở thi công làm cho công tác giải phóng hành lang lưới điện gặp nhiều khó khăn.

Còn theo Công ty Điện lực Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có gần 1.200 km đường dây điện không bảo đảm an toàn kỹ thuật vận hành lưới điện do người dân trồng cây có chiều cao vi phạm HLANLĐ. Số vụ vi phạm hành lang lưới điện có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp ở các huyện miền núi như Hiệp Đức, Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My…

Ở nhiều địa phương, người dân cố tình trồng các loại cây có chiều cao như bạch đàn, keo ngay dưới đường dây điện. Khi có gió lớn hoặc lúc khai thác, cây ngã đỗ vào đường dây gây ra nhiều vụ mất điện nghiêm trọng.

Theo ông Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Quảng Nam, việc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luôn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn người dân vẫn biết là vi phạm nhưng vì kinh tế nên họ không hợp tác khi nhân viên điện lực vận động chặt bỏ những cây trồng nằm trong khu vực HLANLĐ. Cứ mỗi khi phát quang hành lang tuyến, tìm chủ cây đã khó, vận động họ chặt bỏ càng khó hơn.

Cần vào cuộc quyết liệt

Theo ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Phú Yên, bên cạnh cây keo, bạch đàn, còn có cây cao su tiểu điền khu vực phía tây sông Hinh, cây dừa khu vực ven biển được trồng sát với HLANLĐ, liên tiếp gây ra sự cố điện trong thời gian qua.

Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, vi phạm phổ biến và khó xử lý là diện tích cây trồng sát đường dây điện, nhất là cây cao su có giá trị lớn nên muốn chặt bỏ phải thông qua chính quyền địa phương để đền bù và vận động người dân nhưng không phải hộ dân nào cũng đồng ý hợp tác. Nhiều hộ còn cản trở lực lượng phát quang hành lang lưới điện. Đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng, công ty điện lực lập biên bản và chuyển hồ sơ sang chính quyền địa phương xử phát hành chính.

Theo ông Thái Minh Châu, hiện nay, Điện lực Phú Yên tiếp tục thống kê cây vi phạm HLATLĐ để đưa ra biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, cách tốt nhất để giải quyết triệt để tình trạng này, ngành điện rất cần sự phối hợp từ người dân để cho nhân viên điện lực đốn chặt, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc quản lý chặt chẽ đất đai và trật tự xây dựng, khai thác cây phải bảo đảm HLATLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ HLATLĐ tại các địa phương.

Ông Lâm Quang Soạn, Phó Giám đốc Điện lực Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, Điện lực Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thấy được sự nguy hiểm về tính mạng cũng như tài sản do vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định của Nhà nước.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến hành lang lưới điện, lập phương án giải phóng HLATLĐ tất cả các vị trí có cây nằm trong và ngoài hành lang có nguy cơ va quẹt, ngã đỗ vào đường dây bảo đảm vận hành đường dây an toàn.

Các trường hợp cản trở, không cho lực lượng ngành điện giải phóng hành lang lưới điện thì lập biên bản xử lý và yêu cầu chủ hộ vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi có cây ngã vào đường dây gây ra sự cố điện.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/vi-pham-hanh-lang-an-toan-luoi-dien-gia-tang-tai-mien-trung/344640.vgp