Vi phạm giao thông nộp phạt online: Tham nhũng vặt...hết cửa sống?

Dư luận kỳ vọng, với việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân mà tham nhũng vặt hết cửa sống...

Từ ngày 12/3, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận là 5 tỉnh sẽ được thí điểm về việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc nộp phạt qua mạng này được người dân ủng hộ bởi không chỉ giúp cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân mà còn giảm hiện tượng tiêu cực, tham nhũng vặt, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Thực tế, theo quy trình lâu nay, người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường thủy khi bị lực lượng CSGT hoặc TTGT lập biên bản xử phạt, nếu bị tạm giữ giấy tờ thì có thêm lịch hẹn trả giấy tờ. Người vi phạm đem liên thứ 2 của biên bản đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt rồi đem biên lai nộp tiền đến trụ sở CSGT, TTGT nhận lại giấy tờ xe. Tuy nhiên, quy trình trên được cho là phiền toái, mất nhiều thời gian chờ đợi và công sức, chi phí đi lại. Nhất là với những lái xe đường dài vi phạm tại các tỉnh thành cách nơi làm việc sinh sống nhiều km.

Dù để giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trước khi nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng được thí điểm, thời gian qua, người vi phạm luật giao thông đường bộ sẽ được phép nộp tiền phạt và nhận các giấy tờ qua đường bưu điện thay vì phải đến trực tiếp Kho bạc Nhà nước nộp phạt rồi đem biên lai nộp tiền đến trụ sở cảnh sát giao thông nhận lại giấy tờ xe theo mục 3, Nghị quyết 10/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4/2016.

 Từ 12/3/2020, người dân có thể nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG.

Từ 12/3/2020, người dân có thể nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG.

Dù được đánh giá là dịch vụ mang lại nhiều tiện ích, nhất là với những người ở xa, tuy nhiên, việc nộp phạt qua đường bưu điện mất khá nhiều thời gian để chờ đợi, thủ tục vẫn phiền hà, bất cập nên không nhiều người vi phạm lựa chọn hình thức này để nộp phạt.

Một hình thức khác vẫn đang được áp dụng đó là việc người vi phạm hành chính nộp phạt tại chỗ theo khoản 1, điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức. Do vậy, với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bị xử phạt lớn hơn số tiền trên thì phải thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện các trình tự xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Do vậy, đa số người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường thủy khi bị kiểm tra, xử phạt để tránh mất thời gian, phiền hà nên thường lựa chọn việc với lực lượng CSGT, TTGT để được “xử lý nhanh”. Từ đó phát sinh việc hối lộ, tham nhũng vặt với nhiều hình thức tiêu cực. Luật bất thành văn, lỗi vi phạm càng lớn thì số tiền “xử lý nhanh” càng cao gây thất thu ngân sách nhà nước, không đủ tính răn đe người vi phạm.

Không chỉ vậy, hành vi đưa hối lộ để xử lý nhanh khi vi phạm Luật giao thông đường bộ cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức nhà nước tha hóa biến chất khi không chỉ tham nhũng vặt mà còn ‘bảo kê’ phương tiện tham gia giao thông, can thiệp trong quá trình xử lý vi phạm, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, nhiều tuyến đường xuống cấp, ý thức người tham gia giao thông kém do tâm lý “bị xử phạt lại nộp tiền nhanh” dẫn đến nhiều vụ TNGT xảy ra, gây bức xúc trong dư luận.

Mới đây vào cuối năm 2019, vụ việc CSGT bảo kê xe quá tải tại tỉnh Đồng Nai được báo chí đăng tải gây bức xúc dư luận. Vụ việc xuất phát từ việc 2 CSGT có đơn gửi Công an tỉnh Đồng Nai tố cấp trên có hành vi can thiệp để cấp dưới thả xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, trong thời gian làm nhiệm vụ tại Đội CSGT số 2, 2 CSGT này từng nhiều lần dừng xe quá tải trên quốc lộ 20 để xử lý. Tuy nhiên ngay sau đó, họ nhận được cuộc gọi từ cấp trên yêu cầu không xử phạt. Các cán bộ CSGT buộc lòng phải cho xe đi dù những ôtô này chở quá tải, có tài xế không xuất trình bằng lái xe.

Đáng chú ý, vào cuộc kiểm tra thông tin phản ánh trên, Công an tỉnh Đồng Nai và Thanh tra Bộ Công an xác định, trung tá Phạm Hải Cảng (Đội trưởng Đội CSGT số 2) và trung tá Phan Cẩm Tú (Đội phó Đội CSGT số 1) đã gọi điện, can thiệp việc xử lý nhiều phương tiện vi phạm. Đồng thời, tạm đình chỉ công tác hai trung tá này và điều chuyển về Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đồng Nai để kiểm tra, xử lý sai phạm.

Cuối năm 2018, Công an TP Hà Nội cũng đã kỷ luật 14 CSGT do có hành vi tiêu cực trong xử lý vi phạm nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trước đó những người này được báo chí phản ánh có hành vi “làm luật”, nhận tiền của người tham gia giao thông gây bức xúc dư luận.

Đó chỉ là một vài vụ việc được phản ánh, còn thực tế không ai đảm bảo hiện nay hiện tượng tiêu cực như trên không xảy ra tại nhiều địa phương.

Cho thấy, việc nộp phạt qua mạng sẽ góp phần giảm tiêu cực tham nhũng vặt vì không thu tiền mặt. Do vậy, việc triển khai nộp phạt qua mạng cần sớm được áp dụng trên cả nước. Đồng thời, để triệt tiêu hiện tượng tiêu cực tham nhũng vặt, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành công an để loại bỏ những cán bộ tha hóa biến chất…

Mời độc giả xem video Thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng:

Nguồn: VTC 1

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ban-doc-dieu-tra/vi-pham-giao-thong-nop-phat-online-tham-nhung-vathet-cua-song-1344383.html