Vi phạm do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng giảm dần

Ngày 19/12, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Phó Thủ tướng thương trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32. Ảnh: Thảo Nguyên

Phó Thủ tướng thương trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32. Ảnh: Thảo Nguyên

Còn quan niệm phổ biến, giáo dục pháp luật là của ngành Tư pháp

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến ngày 1/5/2019, cả nước có hơn 27.400 báo cáo viên pháp luật và hơn 137.800 tuyên truyền viên pháp luật. Các bộ, ngành địa phương đã tổ chức hàng chục nghìn cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp; tăng cường trao đổi, đối thoại chính sách, pháp luật giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội với người dân… Từ đó, góp phần nâng sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Báo cáo cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Đơn cử, năm 2018, tổng số vi phạm bị phát hiện là hơn 6.623.670 vụ việc (giảm 21,1% so với năm 2017); tổng số đối tượng bị xử phạt là 6.544.491 người (giảm khoảng 16% so năm 2017). Bên cạnh đó, đến cuối năm đã có 8.805/11.147 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%...

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đó là sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, thể hiện vai trò lãnh đạo và sự năng động, sáng tạo, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức triển khai Chỉ thị số 32.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, các ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị đối với công tác này chưa đầy đủ; thậm chí vẫn còn quan niệm “phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của ngành Tư pháp”.

Việc định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, phân tán nguồn lực. Việc huy động các nguồn lực chưa đạt nhiều kết quả cụ thể; ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự mạnh mẽ...

Phải đổi mới phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND Tối cao, thực tế cho thấy có những người rất am hiểu pháp luật lại vi phạm pháp luật.

“Một vụ án mà những người am hiểu pháp luật vi phạm pháp luật sẽ tác động rất xấu đến nhận thức của người dân. Từ đó, người dân sẽ giảm sút niềm tin vào việc chấp hành pháp luật”, bà Hiền nói. Theo bà, cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao việc chấp hành pháp luật trong thực tiễn, nâng cao thượng tôn pháp luật.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, phải tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đi cùng với đó, phải xác định đổi mới công tác này là yêu cầu mang tính tất yếu.

Lưu ý trên mạng xã hội có các thông tin tốt và thông tin xấu, độc hại, theo Phó Thủ tướng, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cần chủ động sử dụng không gian mạng xã hội, internet để truyền thông một cách sâu, rộng; hướng đến các đối tượng cụ thể để thực hiện nhiệm vụ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

“Trách nhiệm cung cấp thông tin pháp luật trước hết và chủ yếu là của Nhà nước mà đại diện là các cơ quan quản lý Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước được giao thi hành pháp luật”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị báo chí phải thực sự trở thành diễn đàn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân đối với pháp luật; nêu gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phản ánh, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật.

“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Phó Thủ tướng dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông cũng đề nghị, quan tâm, bố trí kinh phí, có chế độ, chính sách hợp lý để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm cân đối giữa các vùng miền, đối tượng, địa bàn, ưu tiên địa bàn cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/vi-pham-do-khong-hieu-biet-phap-luat-co-chieu-huong-giam-dan_t114c1144n158161