Vị nồng ấm giữa rừng già

Vị thơm của cây rừng quyện với vị nóng lan dần từ cổ họng tới bụng, nhấm nháp miệng vẫn còn vị nồng ấm lẫn vị ngọt ngào dịu nhẹ của thứ rượu được tạo nên từ tinh hoa núi rừng. Nhiều đời nay, thứ thức uống mà bà con con nơi đây gọi là Đăk Toak luôn sóng sánh, mê hoặc, là men say trong các lễ hội, đãi khách quý của dân làng.

Vị thơm của cây rừng quyện với vị nóng lan dần từ cổ họng tới bụng, nhấm nháp miệng vẫn còn vị nồng ấm lẫn vị ngọt ngào dịu nhẹ của thứ rượu được tạo nên từ tinh hoa núi rừng. Nhiều đời nay, thứ thức uống mà bà con con nơi đây gọi là Đăk Toak luôn sóng sánh, mê hoặc, là men say trong các lễ hội, đãi khách quý của dân làng.

Cây Đoak đang vào mùa rượu của già Đinh A Nhưp.

Cây Đoak đang vào mùa rượu của già Đinh A Nhưp.

Cây Đoak trăm tuổi

Khi cái nắng vẫn trải dài trên những triền núi, anh Đinh Nhân - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Pling (H. Kông Chro) vui vẻ gọi điện: "Ơ, nhà báo về Đăk Pling uống Đăk Toak chứ! Bà con đang vào mùa thu hoạch rồi đấy". Thế rồi, chúng tôi rong ruổi gần 200 cây số từ trung tâm TP Pleiku để đến xã Đăk Pling uống thứ mà bà con Ba Na nơi đây vẫn hay gọi Đăk Toak (nước Toak). Càng tò mò hơn khi theo lời kể của anh Đinh Nhân thì đây là thứ thức uống mà bà con vẫn bảo rằng đã uống Đăk Toak thì không cần ăn cơm vẫn không thấy đói. Còn đàn ông, thanh niên uống vào thì leo mấy ngọn núi cũng không mỏi, đàn bà uống thì môi càng đỏ, bầu ngực càng căng đầy. Thời điểm này, bà con sau thời gian gọt tỉa lại "bầu rượu" nằm trên cây Toak (có nơi gọi là cây Đoak, tà vạt...) cũng là lúc đang rộ thu hoạch trước khi mùa mưa tới.

Nằm giáp ranh với 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, xã Đăk Pling nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh là núi và rừng già. Cũng nơi đây, những rừng Đoak đang sinh trưởng và là những "bầu rượu" tự nhiên của người Ba Na. Giữa thung lũng, anh Đinh Nhân bắt tay tôi thật chặt thủ thỉ: Khoan đi lên rừng Đăk Toak đã nhé! Đi với mình xuống gặp già Đinh A Nhưp. Hay lắm!

Chúng tôi đi vào cuối làng Mèo, men theo đường mòn xuống cánh đồng lúa nước. Căn nhà sàn của già Đinh A Nhưp nằm thoai thoải bên cánh đồng lúa đang thì con gái. Già Đinh A Nhưp thấy khách đã cười, bàn tay đặt chiếc ly nhựa chứa thứ nước màu trắng đục xuống rồi nhanh nhẹn bước từ nhà sàn xuống sân bắt tay chào hỏi. Anh Đinh Nhân quay sang cười với tôi: "Già Nhưp đang uống Đăk Toak đấy. Anh đoán xem năm nay già bao nhiêu tuổi?". Chưa để khách đoán, già Nhưp đã cười: "Ồ, mình sinh năm 1913 đấy! Được chính quyền mừng thọ mấy lần rồi! Nhờ uống Đăk Toak mỗi ngày đấy!". Chúng tôi giật mình không chỉ số tuổi của già Nhưp mà còn tiếng phổ thông được già nói rất rõ cũng như sự nhanh nhẹn của già. Rồi già kể: Ngày trước, cây Đoak vùng này rất nhiều. Khi thực dân Pháp bắt thanh niên đi xâu, già cùng những thanh niên khác trốn lên rừng. Nhờ thức uống từ thứ cây Đoak thay cơm mà già cùng những thanh niên trong làng sống hơn 2 năm trong rừng.

Chỉ về cây Đoak cao vút nằm trước căn nhà sàn, già Nhưp cho biết: cây này đã gắn bó với già hơn 20 năm nay khi được già mang từ rừng về trồng ngay nhà và không biết đã uống bao nhiêu lít rượu từ nó. "Giờ mình già rồi, cái sức không còn leo lên cây nổi nữa đâu. Mình truyền cách làm rượu Đoak lại cho đứa con rồi, để mình nói lấy xuống cho mọi người uống", già Nhưp dứt lời liền gọi người con trai tới. Bước đến bên những ống lồ ô già được tạo thành chiếc thang nối dọc lên thân cây Đoak, người con trai của già Nhưp nhanh nhẹn trèo lên. Loáng sau, sợi dây từ trên cây Đoak thả xuống 1 can nước màu trắng đục cùng 1 chai nước trong veo. Già Nhưp giải thích: chai nước trong này là nước của cây đấy, chưa thành rượu đâu. Còn nước màu đục này đã được lên men thành Đăk Toak rồi đấy! Nhấp chút nước màu trong veo trong chai nhựa, vị ngọt đậm đà lẫn mùi nồng nồng của cây rừng khó lẫn đâu được. "Ồ, nhà báo thử Đăk Toak đi, cái đó chỉ dành cho con nít uống thôi!", già Nhưp cười rồi rót đầy chiếc ly nhựa thứ nước màu trắng đục đưa cho tôi. Đưa lên mũi, vị thơm nồng của rượu và ngòn ngọt đã bay lên. Chạm vào đầu lưỡi, thứ nước Toak đã có vị ngây ngấy, êm nồng và thơm. Uống vào cổ họng là thứ nước mát lạnh, chút chát chát, chút ngọt và nồng nhẹ của trái cây lên men. Dù đã trôi vào bụng, nhấm nháp miệng vẫn còn vị cay cay. Thế nhưng, chỉ một lát sau, hơi men bắt đầu bốc lên khiến cả người ấm lên. "Uống nhiều cũng say như bia, rượu thôi nhưng mà ngủ dậy là khỏe lắm! Có khi không thèm ăn cơm nữa đâu!", già Nhưp cười vang khi thấy mặt tôi bắt đầu đỏ ửng.

Hóa ra, thứ nước ngọt như nước dừa kia là nước nguyên chất được lấy ra từ cây Đoak. Để thành rượu, già Nhưp cho biết phải lên rừng lấy rễ của loại cây mà bà con Ba Na hay gọi là cây "nhanh" cùng lá cây rừng làm men rượu. Sau khi nướng trên than củi, lớp vỏ đen ngoài được cạo đi rồi rửa sạch. Những thứ rễ, lá cây được đặt vào ghè, can rượu rồi đưa lên cây hứng từng giọt nước Đoak chảy vào và những dòng nước chảy từ thân cây Đoak trở thành thứ rượu tinh túy của núi rừng.

Đinh Liêu và can Đăk Toak vừa mới lấy từ cây xuống.

Lên rừng tìm Đăk Toak

Cũng như già Nhưp quen với vị nước Toak, những người Ba Na ở Đăk Pling xem đây là thứ rượu đặc biệt do Yang (thần) rừng ban tặng, là tinh hoa của núi rừng và không thể thiếu trong bữa rượu đãi khách quý. Để tìm hiểu thêm về thứ rượu trên, chúng tôi theo chân những thanh niên Ba Na lên rừng Đoak nằm trên những sườn núi mây phủ. Đinh Liêu (làng Tbưng, xã Đăk Pling) dù dáng nhỏ nhưng người rắn chắc mang theo lỉnh kỉnh những can nhựa, gùi, ghè rượu, dao lẫn nước uống rồi dẫn đường. Quãng đường đi bộ men theo các giông núi gần cả chục cây số khiến chúng tôi thở dốc. Cuối cùng những cây Đoak cũng dần hiện ra. Những thân cây to bằng vòng tay người lớn vươn thẳng, tán xòe rộng như cây cọ và những buồng quả to như nắm tay của trẻ con là cách dễ phân biệt nhất của loài cây này.

Nhanh nhẹn kiểm tra lại chiếc thang được làm từ 2 ống lồ ô buộc dây rừng, Liêu chuẩn bị các dụng cụ để thực hiện công việc lấy Đăk Toak. Mài lại con dao mang theo khi lưỡi dao ánh lên, Liêu giải thích: Dao mình phải mài thật sắc thì cắt mới ngọt được. Có thế, chỗ bị cắt trên thân cây không bị hư và cho nhiều rượu trong thời gian dài. Bám theo chiếc thang trơn trượt, đánh vật mãi tôi mới lên được ngọn cây. Nơi đây, Liêu đã dùng những thanh gỗ khác cột chắc chắn thành sàn có thể vừa 2 người đứng, ngồi. Xén những chiếc lá xung quanh, Liêu chọn buồng quả sai nhất rồi cắt bỏ. Từ phần sát với thân cây, Liêu dùng mũi dao sắc khoét thành ô nhỏ rồi cắt một đoạn lá Đoak cẩn thận đặt vào nơi vừa khoét. Nước từ trong thân cây bắt đầu chảy ra bám theo chiếc lá rơi xuống chiếc ghè Liêu đặt phía dưới. Cẩn thận lấy trong túi ra những rễ, lá cây rừng, Liêu đặt vào bên trong ghè.

Xong việc, Liêu cho biết: Chỉ cần hứng khoảng hơn 1 buổi, nước trong ghè cùng với rễ, lá cây rừng quyện với nhau lên men thành thứ nước Toak hay còn gọi là rượu Đoak đấy! Một cây trung bình mình thu được khoảng 10-15 lít mỗi ngày. Mỗi người đều có cây riêng của mình hết. Cứ đến đầu tháng 3 đến khoảng tháng 8, 9 là vào vụ thu hoạch. Bởi sau đó là mùa mưa, dù cây Đoak vẫn ra nước nhưng nước chua và không thể thành men rượu được.

Liêu bật mí thêm, mỗi người đều giữ bí quyết cho riêng mình để tạo nên hương vị riêng cũng như làm thế nào để lấy được nhiều rượu... Anh Nghênh (người dân địa phương) đi cùng tiết lộ: Những cây càng lớn, buồng quả to thì Đăk Toak càng nhiều. Có cây cho 400-500 lít một mùa. Đăk Toak không chỉ là thức uống ưa thích của người dân Ba Na mà trở thành nghề mưu sinh của bà con khi vào mùa rượu. "Trước bà con dùng để uống ngay vì để lâu sẽ hư. Giờ đây, bà con có tủ lạnh cũng như nhiều người tận cả TP Pleiku cũng thích uống nước Toak nên đơn đặt hàng liên tục. Cứ lấy về là có người đặt mua sẵn rồi, anh Nghênh cười nói. Với mức giá bán 15 ngàn đồng/ lít thì mỗi mùa rượu bà con cũng có nguồn thu nhập đáng kể dùng để trang trải cuộc sống.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_211397_vi-nong-am-giua-rung-gia.aspx