Vị ngọt xứ Mường

Anh về Mường Khương quê em/ Nhìn vó ngựa xô nghiêng vách đá…- câu hát như vỡ ra từ nơi 'rừng sâu núi nhọn' của vùng đất biên viễn khô khát nhất Lào Cai, bốn mùa ngút ngàn sương mây gió lạnh. Nhưng cũng ở nơi này đang bừng lên sắc xanh cây trái, dâng lên vị ngọt chắt chiu từ đá, bởi bàn tay lao động và óc sáng tạo của những người con của núi, từ những vườn quýt chín đỏ au trên ngàn thước cao so với mặt nước biển.

Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: NGỌC BẰNG

Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: NGỌC BẰNG

Quýt “ngồi” trên đá

Xe bon nhanh trên quốc lộ 4D láng nhựa phẳng, uốn lượn quanh những núi cao, khe sâu ở “cổng trời” xã Thanh Bình mịt mờ sương trắng, rồi vút ngược lên phía cửa khẩu Sín Tẻn thông sang nước bạn Trung Quốc. Chúng tôi đến “thủ phủ” quýt xứ Mường. Ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, núi đá ở Mường Khương sao mà nhiều đến vậy, “nhọn hoắt” và ngạo nghễ chọc thẳng lên trời cao. Theo tiếng đồng bào dân tộc bản địa, Mường Khương tức “Mưng Khảng” nghĩa là “cột thép chống trời”. Do cấu tạo địa chất, Mường Khương nằm trên nền địa chất các-tơ, núi đá vôi cao chất ngất, giăng thành hàng như răng cưa, chọc đỉnh nhọn lên phía trời cao. Phía dưới chân của núi là những hang động rỗng thông nhau, như: Hàm Rồng, Nắm Oọc, Lũng Pâu, Na Măng, Mã Tuyển, Páo Tủng, Sừ Ma Tủng, Lồ Suối Tủng… Vì thế, xứ Mường nổi tiếng là khô khát, thiếu nước, có những nơi như Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long, Tả Ngải Chồ… mưa có lớn, ào ạt như thác đổ nhưng mưa tạnh là ráo nước, khô khốc, vì không có khe trũng nào ở vùng núi đá vôi này giữ nổi nước.

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Dí, Mông, Tu Dí, Phù Lá… bao năm sống chung cùng đá và hạn hán, thiếu nước, thiếu đất sản xuất. Cũng giống như “xứ sở” đá tai mèo Hà Giang, ở nơi “cột chống trời” Mưng Khảng núi non điệp trùng, vô tận. Núi đá giăng thành lũy, bao bọc những bản làng dân cư, từ Sả Hồ, Chúng Chải đến Dì Thàng, Tung Chung Phố... Từ ngàn đời, người Pa Dí, Tu Dí, Phù Lá, Nùng Dín… tìm đất lập nghiệp nương theo tự nhiên, chọn những thung lũng nhỏ hẹp kẹp giữa những núi đá cao chót vót, chắt chiu từng hơi ẩm trong đất, từng giọt nước trong khe để trường tồn, dựng bản lập xã ở nơi biên giới khô khát thừa đá, thiếu nước, thiếu đất này. Ðứng từ Ðồn Biên phòng 241, phóng tầm mắt bao quát cả thị trấn Mường Khương thì Sả Hồ, Chúng Chải, Sín Tẻn, Dì Thàng… giống như vòng cung đá che chở thị trấn Mường Khương. Và trên những “chóp đá” đó là bản làng đồng bào, là quýt ngọt cắm rễ, vươn cây, kết trái dâng vị ngọt nuôi đời.

Ở Mường Khương, quýt với người là bạn, là tri ân tri kỷ. Người trồng quýt, quýt nuôi người, phủ xanh đất trống, đá trắng lưng núi cao, che cái nóng và ngăn lũ quét, sạt lở đất, che chở những bản làng chênh vênh ngang lưng núi, bốn mùa trắng sương bay. Ðang vào mùa thu hoạch quýt, cả một vùng biên giới nhộn nhịp, dậy hương thơm quả chín, tấp nập người và xe, vui như có hội. Trưởng thôn Chúng Chải Pờ Chín Sài mặt mày rạng rỡ, đi lại như con thoi trên những lối mòn nối những nương quýt để “điều phối” các hộ thu hái quả chín kịp cân lên xe tải cho khách buôn từ thành phố Lào Cai lên “ăn hàng”. Ði thăm những nương quýt trĩu quả vàng, lá xanh ngăn ngắt “chễm chệ” ngồi trên đá, len lỏi vào đá, vờn mây ngang lưng trời mới thấy công sức của bà con nông dân ở đây thật lớn. Nếu không tận mắt chứng kiến, khó có thể tin rằng ở chót vót trên cao núi đá khô khát này lại có vùng quýt ngọt như trong mơ. Ở nương quýt nhà Pờ Chẩn Mìn “treo ngang” núi đá, vợ chồng anh đang cặm cụi gùi đất leo ngược dốc cao để bón vào từng gốc cây mới thấy đất ở đây quý như vàng. Mìn bảo: “Ở đây đá mọc nhanh lắm, cứ qua một mùa mưa là đất trôi hết, lộ ra lởm chởm đá cứng, cho nên mình phải gùi đất bồi đắp vào chân cây để giữ vườn quýt ngọt cắm rễ sâu vào đất, đứng vững trên núi đá”.

Nhưng điều đáng mừng hơn là sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, đã tin theo Ðảng, cùng với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và cán bộ khuyến nông huyện đang nỗ lực vượt lên để xóa nghèo và từng bước làm giàu. Quýt ngọt đã và đang thành thương hiệu của vùng đất này. Ðến nay Mường Khương có 348 ha quýt, trong đó có khoảng 100 ha cho thu hoạch, sản lượng hằng năm đạt hơn 1.000 tấn, đem về cho đồng bào rẻo cao biên giới gần 20 tỷ đồng. Nhờ vậy đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện tốt hơn, rút ngắn khoảng cách với vùng thấp.

Ông Làn Mậu Thành ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương chăm sóc vườn quýt.

Vị ngọt xứ Mường

Nói đến quýt ngọt Mường Khương, người dân địa phương nhắc ngay đến cái tên Làn Mậu Thành, người dân tộc Pa Dí, ở thôn San Sả Hồ, giáp biên giới nước bạn Trung Quốc. Người nông dân có vẻ ngoài mảnh dẻ, hiền lành, nói năng hoạt bát này được suy tôn là “vua quýt” xứ Mường. “San Sả Hồ” theo tiếng địa phương là khe suối giữa núi đá. Bao đời rồi, người Pa Dí, người Nùng, người Dao xứ này chỉ phát rừng trồng ngô, mùa được, mùa mất cuộc sống bấp bênh. Thấy đất đai, khí hậu tương đồng, trong khi người bên kia biên giới, chỉ cách một đường mòn phân thủy, trồng quýt có đời sống khấm khá, ông Thành quyết chí đưa cây quýt “vượt biên” về bám rễ, đơm hoa kết trái trên đất quê mình. Ban đầu, ông Thành chỉ dám mua 500 cây giống của người bạn cũng là nhà nông ở sát biên giới đem về trồng thử nghiệm. “Không có tiền, mình phải bán con trâu hai tuổi để mua giống và chăm bẵm vườn quýt thử nghiệm đầu tiên ở đất này xem nó có chịu ở với mình không”- ông Thành nhớ lại.

Sau ba năm, đợi quýt trổ hoa đơm trái, ông mới mạnh dạn bỏ lúa, ngô chuyển sang trồng quýt trên toàn bộ phần đất của gia đình. Kiên trì bạt núi san đồi, nạy từng tảng đá, gùi từng lù cở đất, sau hơn chục năm, ông Thành có trong tay hơn sáu héc-ta, với gần 9.000 cây quýt, ở độ cao hơn 900 m so với mực nước biển. Từ vườn quýt này, mỗi năm đều đặn, ông Thành thu chừng 300 đến 500 triệu đồng, năm cao nhất hơn một tỷ đồng, trở thành tỷ phú đầu tiên của người Pa Dí ở xứ này. “Cái cây nó cũng như con người thôi. Mình phải yêu quý, chăm chút hằng ngày thì nó mới lớn, mới khỏe, mới cho nhiều quả ngọt” - ông Thành chia sẻ.

Nói về bí quyết trồng quýt ở xứ Mường thì không ai hơn ông Thành, bởi ông gắn bó với nó bằng cả tâm hồn. Chỉ nhìn dáng cây, mầu lá là ông biết nó đang thiếu gì, cần gì. Kỹ năng trồng quýt trên núi đá của ông đạt đến trình độ “bậc thầy”. “Núi dốc cao bao nhiêu cũng trồng được, chỉ cần giữa kẽ đá có đất”- ông Thành cho biết. Núi dốc cao thì đánh đường băng vòng quanh theo đường bình độ, tạo độ phẳng tương đối để trồng cây, bón phân, giữ ẩm. Nhiều đá quá, không đánh đường băng được thì dùng lốp ô-tô cũ cắt thành đai giữ đất quanh gốc để quýt có thể “đứng chân” trên đá. Nghe chuyện trồng quýt của ông Thành, cảm phục óc sáng tạo của đồng bào xứ Mường. Với thành tích trồng quýt trên núi đá, ông Làn Mậu Thành là một trong năm đại biểu của tỉnh Lào Cai được đi dự Hội nghị nông dân sản xuất giỏi toàn quốc năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Từ điểm sáng San Sả Hồ, huyện Mường Khương đã xác định cây quýt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu các xã vùng cao biên giới ở thị trấn Mường Khương và các xã: Tung Chung Phố, Tả Ngải Chồ, Pha Long, Tả Gia Khâu, Thanh Bình, Nậm Chảy và nên tập trung phát triển, coi đó là cây chủ lực để xóa nghèo cho đồng bào địa phương. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a của Chính phủ, huyện cung ứng giống, vốn, phân bón, kỹ thuật cho đồng bào trồng quýt. Cán bộ khuyến nông huyện và xã khuyến cáo bà con trồng ba giống là: quýt bột, quýt sen và quýt đường để gối thời gian thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 12, tránh rộ mùa mất giá. Thấy rõ hiệu quả kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng biên Mường Khương tích cực chuyển đổi đất trồng ngô, lúa hiệu quả thấp sang trồng quýt.

Ở thôn Chúng Chải, Trưởng thôn Pờ Chín Sài đã lặn lội tìm đến “vua quýt” Làn Mậu Thành mua giống, học kỹ thuật chăm sóc để “cắm” hơn 1.000 gốc quýt trên đồi cao, đem lại thu nhập ổn định và cao hơn nhiều lần trồng ngô. Học theo trưởng thôn, 37 hộ đồng bào dân tộc Pa Dí, Mông, Phù Lá, Thu Lao ở đây đồng loạt đưa cây quýt lên đồi. Nhà ít thì vài trăm gốc, nhà nhiều thì vài nghìn gốc, phủ xanh những đồi đá trọc, hạn chế xói mòn, lũ quét. Ấn tượng nhất là 28 hộ đồng bào dân tộc Pa Dí, ở thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố liên kết giúp nhau cùng xóa nghèo bằng trồng quýt. Hôm tôi đến, “cánh chim đầu đàn” Pờ Khái Hùng đang cùng tổ liên gia (nhóm hộ liên kết sản xuất) thu hái quýt chín trong vườn nhà để bán cho thương lái. “Quýt năm nay tuy không sai quả như năm ngoái do lúc ra hoa bị mưa nhiều, nhưng được giá 20 nghìn đồng/kg, cân tại vườn, dự kiến nhà mình thu chừng 10 tấn, thu được khoảng 200 triệu đồng”- Hùng bảo. Pờ Khái Hùng chính là người đi đầu “cắm” cây quýt ngọt lên núi đá Dì Thàng thành công, rồi anh hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong thôn làm theo. Nhờ trồng quýt, người Pa Dí ở thôn Dì Thàng đã thoát nghèo, lại thêm điện lưới quốc gia vừa được ngành điện lực kéo về thôn hồi cuối tháng 7 năm nay, cho nên cuộc sống của bà con đã thay đổi rõ rệt.

Cùng chúng tôi lội bộ xuống các thôn bản rẻo cao biên giới đang mùa quýt rộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương Ðinh Trọng Khôi giới thiệu ngắn gọn về hướng phát triển cây quýt: Huyện đã xây dựng đề án và được tỉnh phê duyệt, việc bây giờ là tập trung nguồn lực để thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 400 ha quýt, với sản lượng khoảng 4.000 tấn quả mỗi năm, đem về cho nông dân địa phương khoảng 80 tỷ đồng. “Ðiều mừng nhất là người dân địa phương đã trồng quýt sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Ðầu vụ quýt này, quýt Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp chứng chỉ thương hiệu. Ðó là tấm giấy thông hành để quýt ngọt xứ Mường vươn xa” - ông Khôi hồ hởi. Cuối chiều đông, những nương quýt trải dài, chễm chệ trên lưng núi đá xứ Mường ánh lên mầu vàng no ấm.

BÀI VÀ ẢNH: QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/35215302-vi-ngot-xu-muong.html