Vị Ngoại trưởng cuối cùng của Liên bang Xô viết

Eduard Shevardnadze(1928-2014) là một chính trị gia lão luyện của Liên Xô trước đây và Grudia sau này. Ông đã góp phần tạo ra những chuyển đổi trong chính sách ngoại giao của Liên Xô giai đoạn cải tổ.

Tháng 7-1985, ngay trước thềm cuộc gặp cấp cao Xô-Mỹ, Moscow đã công bố một tin mà ngay lập tức làm chấn động giới ngoại giao thế giới: Thay Ngoại trưởng Andrei Gromyko.

Eduard Shevardnadze.- Ngoại trưởng cuối cùng của Liên bang Xô viết

“Ngoại trưởng thép” Gromyko đứng đầu ngành Ngoại giao Liên Xô suốt gần 3 thập kỷ (từ năm 1957). Ông luôn trung thành với những lợi ích quốc gia, luôn thực thi nghiêm túc các nghị quyết của Bộ Chính trị Liên Xô trong mọi cuộc đàm phán với phương Tây. Lên nắm quyền tháng 3-1985, Tổng Bí thư Gorbachev không giấu giếm rằng, ông không hài lòng với cách tiếp cận bảo thủ và giáo điều của Gromyko trong những vấn đề đối ngoại chủ yếu của đất nước. Gorbachev muốn chính sách đối ngoại của Liên Xô thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều và sự gò bó về mặt tư tưởng, phải mềm dẻo, linh hoạt và năng động để giảm bớt tình hình căng thẳng trên thế giới, giải tỏa các cuộc tranh chấp, các mâu thuẫn đã lỗi thời, nhất là trong quan hệ với Mỹ.

Trong cuốn hồi ký “In Confidence”(Đặc biệt tin cậy), Anatoly Dobrynin - nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nguyên Đại sứ Liên Xô tại Mỹ giai đoạn 1962 – 1986 viết: “Việc Gorbachev đề cử Eduard Shevardnadze – Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Grudia vào cương vị Bộ trưởng Ngoại giao sau khi đưa ra lời giới thiệu đánh giá cao tài đức của ông này làm nhiều Ủy viên Bộ Chính trị thực sự kinh ngạc. Shevardnadze chưa bao giờ giữ bất cứ chức vụ nào ở Moscow, suốt đời ở “tỉnh lẻ”.Ngoài ra lại không hề có một chút kinh nghiệm công tác ngoại giao nào. Tuy nhiên, Gorbachev không coi tất cả những cái đó có ý nghĩa gì to tát – làm rồi khắc quen. Đối với ông, điều quan trọng là có bên cạnh mình một người thông minh, không mang nặng những khuôn sáo quá mức của chính sách đối ngoại Xô viết và sẵn sàng thừa hành không chút phản đối các mưu đồ mới của ông… Việc Shevardnadze chưa từng được tham gia vào thành phần ban lãnh đạo Kremlin càng làm Gorbachev hả hê bởi cái đó chỉ làm tăng thêm lòng trung thành của tân Ngoại trưởng đối với Tổng Bí thư. Họ đã nhanh chóng tâm đầu ý hợp ở Moscow. Chẳng bao lâu sau, cặp đôi Gorbachev – Shevardnadze đã trở thành những người quyết định hoàn toàn trên thực tế đường lối đối ngoại của đất nước, dần dần lấn át bộ phận còn lại của Bộ Chính trị vào hậu đài và các ý kiến của tập thể chẳng mấy khi được hỏi han nữa”.

Cặp đôi tâm đầu ý hợp Gorbachev - Shevardnaze

Trong một lần trả lời phỏng vấn, “Chồn trắng vùng Kavkaz” Shevardnadze cho biết, ông kết bạn với Gorbachev từ khi ông này còn là Bí thư Thứ nhất Khu ủy Stavrapol. Gorbachev rất thích đi nghỉ ở Abkhazia nên thường xuyên tới Pitsunda và hai người gặp nhau nhiều lần ở đó. “Vào cuối năm 1979, qua chương trình thời sự trên đài phát thanh, tôi mới biết quyết định của Ban lãnh đạo Xô viết đưa quân vào Afghanistan. Tôi nhớ, tôi đã rất cáu vì việc họ không buồn tham khảo ý kiến ngay cả với các ủy viên trung ương về vấn đề quan trọng này và tôi nói với Gorbachev: “Hệ thống đã bị hỏng từ trên xuống dưới, cần phải thay đổi nó trước khi nó sụp đổ”. Gorbachev lúc đó im lặng nhưng sau này, khi ông ấy được bầu làm Tổng Bí thư tháng 3-1985 đã không chỉ một lần dẫn lại lời nói của tôi. Ông ấy đã không hề hoài nghi gì về nhu cầu cần những thay đổi quyết liệt. Chỉ một tháng rưỡi sau khi được bầu, ông ấy đã gọi điện thoại xuống Tbilisi cho tôi: “Anh Eduard à, anh phải lên Moscow thôi”… Ông ấy cần một người lãnh đạo Bộ Ngoại giao đáng tin cậy và tâm đầu ý hợp, một đồng đội. Có lẽ tôi đã thích hợp với vai trò đó. Tôi không nói là việc đề cử này khiến tôi vui. Tôi đang ở Grudia rất tốt và tôi không định chuyển đi đâu cả. Nhưng trong Đảng Cộng sản Liên Xô không có phản biện: Một quyết định đã được thông qua thì cần phải thực hiện nó” – Shevardnadze nói.

Một cuộc gặp cấp cao Xô - Mỹ tháng 10-1986

Theo nhận xét của nhiều cán bộ trong Bộ Ngoại giao, Shevardnadze hòa nhập với công việc mới rất khó khăn vì từ trước tới nay ông chỉ chuyên phụ trách các vấn đề đối nội đơn thuần. Chính bản thân ông cũng hiểu rằng, không phải tất cả mọi vấn đề đều có thể giải quyết ngay, nhưng vì sĩ diện và tính hiếu thắng, ông đã bất chấp. Các nhà đàm phán phương Tây nhận xét, làm việc với “Mr. No” - Ngoại trưởng kỳ cựu Andrei Gromyko - không dễ dàng, các cuộc đàm phán thường kéo dài rất lâu, đặc biệt là khi đàm phán về kiểm soát vũ khí. Thế nhưng với Shevardnadze thì khác hẳn vì ông rất dễ nhượng bộ. Chính phong cách làm việc quá nhanh, ra quyết định hấp tấp, vội vàng, không suy tính đủ kỹ lưỡng và không đánh giá hậu quả đã mang đến nhiều tổn thất lớn cho đất nước Xô viết.

Được coi là một trong những “kiến trúc sư” của Perestroika (cải tổ) ở Liên Xô giữa những năm 1980, Shevardnadze thời kỳ đầu là một thủ lĩnh năng nổ, dám làm, dám chịu và rất mềm mỏng. Thế nhưng, cũng giống như Gorbachev, càng ngày ông càng bị rối và cả hai người đều trở thành những tội đồ chính trong việc làm cho Liên bang Xô viết tan rã.

Ngoại trưởng Eduard Shevardnadze trên bìa báo Time tháng 5-1989

Shevardnadze “tự hào” về việc đã đóng góp phần quan trọng trong quá trình thống nhất nước Đức, cứu vãn thế giới khỏi Chiến tranh Lạnh, dân chủ hóa Liên Xô, ngăn chặn được quá trình chạy đua vũ trang và mối đe dọa hạt nhân. Được phương Tây ca ngợi, nhưng những người nuối tiếc quá khứ vinh quang một thời dường như đã đánh đồng Shevardnadze với Gorbachev trong hàng ngũ “những nhân vật không thể tha thứ”.

Thu Hằng (Theo hồi ký “In Confidence” của Anatoly Dobrynin, TASS, BBC và nhiều nguồn tư liệu khác)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Ho-so/905873/vi-ngoai-truong-cuoi-cung-cua-lien-bang-xo-viet