Vì nghèo nên nỗi!

Nghèo khó, không học thức… đã khiến Võ Văn Lanh không thể tìm hướng ra cho bản thân và cả gia đình, cũng từ đây Lanh đi vào 'đường tối' trở thành 'cát tặc' và phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Sinh ra từ vùng quê Quảng Điền của mảnh đất Thừa Thiên, “cái nghèo” cứ vận lấy Lanh từ năm này đến tháng nọ. Nghèo học thức, nghèo luôn cả kinh tế nhưng vợ chồng Lanh lại giàu mặt con cái. Chỉ khi đứng trước bục khai báo, đối diện với pháp luật thì Lanh mới ngộ ra rằng: “Nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là mình biết sai mà vẫn làm”.

Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên từ nhỏ Võ Văn Lanh đã phải theo ba mẹ lênh đênh kiếm sống trên thuyền dọc theo khắp các con sông. Cuộc sống vẫn khốn khó trăm bề, mọi người trong gia đình Lanh đã cố gắng xoay xở, làm đủ nghề mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Là con trai lớn trong gia đình, đã có vợ con nên Lanh phải tự lập tìm kế sinh nhai để nuôi sống gia đình.

Lấy vợ, rồi 5 đứa con lần lượt ra đời, ngày đó vợ chồng Lanh tằn tiện mua được chiếc đò máy tiếp tục làm nghề kéo cá. Hơn 1 giờ lênh đênh thả lưới, kết quả thu lại chẳng được là bao. Cá tôm ngày càng cạn kiệt, đánh bắt không còn dễ dàng như trước nữa. Cật lực cũng được vài chục bạc nuôi sống 7 miệng ăn.

Biết sống bằng nghề chài lưới chẳng thể nào ổn định, mặc dù muốn rút kinh nghiệm từ bản thân để cho con học hành nhưng cái nghèo cứ vận lấy nên các con của Lanh cũng không được học đến nơi đến chốn.

Trước gánh nặng cơm áo gạo tiền, sự cám dỗ của lợi nhuận từ việc bán cát hút trộm. Vợ chồng Lanh quyết định vay ngân hàng đóng lấy một chiếc thuyền để hành nghề. Lanh bắt đầu dấn thân hành nghề “cát tặc”, dù biết rằng đó là việc làm trái phép nhưng Lanh cứ “chặc lưỡi, biết làm sao được”.

Thế rồi hai vợ chồng ban ngày thì giăng lưới trên sông, đến tối thì Lanh lại chuẩn bị đi làm một “mẻ cát”. Tiếng máy nổ hút cát của hàng chục chiếc thuyền phát ra inh ỏi hàng ngày ở sông Bồ đã khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân sống hai bên bờ bị đảo lộn. Thậm chí còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân bởi tình trạng sạt lở, nhất là trong mùa mưa lũ.

Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã rất nhiều lần ra quân truy quét, ngăn chặn. Tháng 3/2019, Lanh đã bị lập biên bản phạt và bị xử phạt 4 triệu đồng nên cũng neo thuyền một thời gian. Nhưng miếng cơm manh áo khiến gia Lanh phải tiếp tục liều mình đánh đổ và cố gắng bám víu, lênh đênh trên chiếc thuyền cát vô định, bởi Lanh nghĩ, sắm thuyền ra mà không làm cát thì biết phải làm gì?

Đầu tháng 7/2019, Lanh khai thác cát trái phép dưới lòng sông Bồ thuộc địa phận thôn Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi đang điều khiển đò máy để vận chuyển cát đến địa phận thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ thì bị tổ công tác của Đoàn kiểm tra liên ngành về xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Quảng Điền phát hiện, bắt giữ.

Ảnh minh họa khai thác cát

Ảnh minh họa khai thác cát

Lúc này, trên thuyền ngoài Lanh còn có Phan Văn Quốc và chỉ khi lực lượng công an yêu cầu ký vào biên bản, người đàn ông ngoài 40 tuổi mới ngại ngùng cho biết, mình không biết viết, biết đọc.

Với người chưa từng một lần rời khỏi lũy tre làng, không biết nỗi mặt chữ như Lanh, thì việc đứng trước bục khai báo, đối diện với chủ tọa phiên tòa quả không dễ dàng gì. Lanh chỉ trả lời lí nhí trước những câu hỏi của HĐXX, tuyệt nhiên không nói thêm gì. Lúc này đây, với Lanh bản án mà Tòa sắp tuyên còn đáng sợ hơn cái nghèo đeo bám suốt mấy chục năm qua. Dù không nói ra nhưng với dáng vẻ gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, tay chân cứ run lẩy bẩy không thể giấu nổi sự sợ hãi, lo lắng trong anh.

N.T.Thủy - vợ của Lanh cứ mếu máo rằng, chiếc thuyền là tài sản suy nhất, là phương tiện kiếm sống của cả gia đình. Bị vậy rồi có được nhận lại thuyền để bán trả nợ không? Dẫu biết chồng làm vậy là sai, nhưng biết phải làm sao khi miệng ăn còn lo chưa xong thì việc liều lĩnh đánh đổi tương lai, cuộc sống vào “canh bạc” khai thác cát trái phép âu cũng đành chấp nhận!

Tại phiên tòa, Lanh và vợ viện lý do vì “nghèo” mới nên nỗi. Nhưng vị chủ tọa phiên tòa đã rằng, anh chị không thể đem cái nghèo ra để biện hộ cho hành vi sai trái, gây họa cho người khác của mình được. Không thể đánh đồng rằng nghèo thì "được phép" hoặc "có thể du di" cho việc làm sai, làm ẩu. Đừng dựa vào hoàn cảnh nghèo, quen được cộng đồng xã hội bao dung mà hành xử sai quấy hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể thấy, trong cuộc mưu sinh, người nghèo luôn được chia sẻ, cảm thông nhưng không thể chấp nhận hành vi phạm pháp luật. Bởi trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng. Giàu hay nghèo đều phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Đem cái nghèo ra để làm liều, làm ẩu chỉ càng đánh mất lòng tự trọng, từ đó sự tha hóa chỉ còn là gang tấc.

Mặc dù hai vợ chồng xin được xem xét hưởng án treo, nhưng HĐXX nhận thấy Võ Văn Lanh đã từng có 1 tiền sự về hành vi khai thác cát trái phép, nên đã tuyên phạt Lanh 9 tháng tù giam để răn đe, làm gương cho các đối tượng khác.

Thuyền bị tịch thu xung vào công quỹ nhà nước, bản thân phải thi hành án, rồi đây khi được mãn hạn tù sẽ phải làm gì để sinh sống là câu hỏi luẩn quẩn mãi trong đầu Lanh.

Anh Vũ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/vi-ngheo-nen-noi-45291.html