Vì nền hành chính phục vụ

Chưa hài lòng với kết quả cải cách hành chính đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt là nhiều chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) vẫn ở mức thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khác, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để khắc phục ngay trong năm 2020. Trong đó, mục đích cốt lõi là hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Có thể thấy, hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính thể hiện qua Chỉ số PAPI, SIPAS của Hà Nội vẫn xoay quanh những điểm yếu lâu nay. Đó là, sự minh bạch về chính sách, trách nhiệm giải trình với người dân… chưa được thực hiện tốt, nhất là ở cấp cơ sở. Minh chứng là năm 2019, chỉ số “công khai minh bạch” chỉ đạt 4,99/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,57/10 điểm... Đáng chú ý, để làm rõ hơn những hạn chế từ đó có biện pháp khắc phục, đoàn kiểm tra của thành phố đã kiểm tra đột xuất tại 6 quận, huyện. Kết quả cho thấy, tất cả các địa phương đều có những tồn tại cả về Chỉ số PAPI và SIPAS.

Việc nhận ra những hạn chế từ đó đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục là con đường để đi đến thành công. Vấn đề là phải hiện thực hóa được quyết tâm chính trị đó thành hành động cụ thể.

Trước hết các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, SIPAS. Đối với Chỉ số PAPI, cần tập trung vào 8 lĩnh vực ưu tiên: Phát huy quyền làm chủ của người dân; tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân; tích cực kiểm soát tham nhũng trong chính quyền các cấp, trong các dịch vụ công ích… Đối với Chỉ số SIPAS, khắc phục sớm 12 nội dung, trong đó định kỳ 6 tháng phải tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính; chú trọng tới các lĩnh vực phát sinh nhiều giao dịch, các lĩnh vực thường xuyên có hồ sơ quá hạn…

Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của thành phố, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của bộ phận “một cửa”; tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong cung cấp dịch vụ công, xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng trong giải quyết công việc hành chính và kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức; tập trung ưu tiên nhân lực có chất lượng tham gia vào các lĩnh vực có kết quả Chỉ số PAPI, SIPAS thấp như: Tài nguyên và môi trường; xây dựng; quy hoạch - kiến trúc; tài chính; giáo dục và đào tạo; y tế…

Về phía cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính với công dân, tổ chức, ngoài không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật thông tin thì cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, thực hiện tốt hai quy tắc ứng xử đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành.

Về phía người dân, tổ chức cũng cần tích cực hưởng ứng những cải cách của thành phố, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, không tiếp tay cho tiêu cực.

Xây dựng nền hành chính phục vụ là quá trình liên tục và còn nhiều dư địa để giúp thành phố Hà Nội tập trung thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong thời gian tới.

Đỗ Quỳnh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/976923/vi-nen-hanh-chinh-phuc-vu