Vì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho người lao động

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020', việc tổ chức thực hiện chính sách này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Độ bao phủ BHXH, BHYT đạt khoảng 86% dân số; sau 5 năm, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã tăng khoảng 30%, ước tính cứ 10 người dân thì có gần chín người tham gia.

Đại diện một số bộ, ngành T.Ư, Ban Tuyên giáo, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc tham dự hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 21 tại tỉnh Quảng Bình.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức tại hai miền nam, bắc mới đây, Vụ trưởng Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo T.Ư) Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Trong 5 năm qua, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác BHXH, BHYT. Các quan điểm, chủ trương nêu trong Nghị quyết 21-NQ/T.Ư và các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT, nhất là mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các giải pháp chủ yếu được nêu trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Ðảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ðề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được tuyên truyền kịp thời, sâu sắc tới cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn. Hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, đa dạng hóa, phù hợp hơn với các nhóm đối tượng như nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, người lao động và chủ sử dụng lao động. Chú trọng tuyên truyền thông qua các cuộc đối thoại, tọa đàm, tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT, tổ chức các chương trình tập huấn chính sách, hội nghị lồng ghép, hội thi tuyên truyền viên, thi viết về chính sách này..., góp phần quan trọng đưa Nghị quyết số 21 và các Luật BHXH, BHYT dần đi vào cuộc sống.

Ðối với ngành BHXH, điều này thể hiện rõ ở những "con số" ấn tượng: sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia với độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng cao. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh, công tác cải cách thủ tục hành chính về BHXH của BHXH Việt Nam đã đạt được những dấu ấn lớn, tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị và doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT giảm từ 115 xuống còn 28 thủ tục, số giờ giao dịch về BHXH, BHYT giảm từ 335 giờ xuống còn 147 giờ (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) và 51 giờ (theo đánh giá của các cơ quan trong nước). Riêng trong năm 2017, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH để phục vụ người dân, đơn vị và DN bước đầu có những kết quả tích cực. Hiện toàn quốc có khoảng hơn 90% số đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp tham gia thực hiện giao dịch điện tử BHXH, BHYT với cơ quan BHXH; BHXH Việt Nam đã liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT và kết nối trực tuyến hằng ngày với hơn 12 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh qua Hệ thống Thông tin giám định BHYT.

Trong xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10-2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm ngoái, lên vị trí 68 trong số 190 nền kinh tế. Trong đó, chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất, vượt 81 bậc lên vị trí 86 trong số 190... Ðó là những minh chứng về vai trò của Ngành BHXH trong việc góp phần ổn định tư tưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân...

BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động

Ðánh giá về những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền Nghị quyết số 21, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, Nghị quyết số 21 đã đưa ra những định hướng, chiến lược phát triển cụ thể về BHXH, BHYT nhằm tiến tới hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động. Sau 5 năm triển khai nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Ðó là, còn một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền BHXH, BHYT; hình thức tuyên truyền một số nơi thiếu sức hấp dẫn, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp trong hoạt động từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội...của một số địa phương còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Cho nên, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 21 đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp; và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số, đây vẫn là khoảng cách đầy thách thức đối với ngành BHXH nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.

Ðể phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 21 đặt ra, Phó Tổng Giám đốc Ðào Việt Ánh cho biết, trong thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đầu tư nguồn lực, vật lực cho công tác tuyên truyền; xác định rõ đối tượng tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm; xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp. "Mỗi cán bộ tuyên truyền phải là một cánh tay nối dài đưa chính sách BHXH, BHYT đến với từng người dân; tuyên truyền hiệu quả phải gắn với chất lượng dịch vụ, thái độ cũng như tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH".

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, chỉ còn ba năm nữa để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 21 đặt ra, còn rất nhiều việc phải làm, nhất là trong công tác tuyên truyền. Ðể bảo đảm từng người dân, từng hộ gia đình, từng người lao động đều có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT; "người người, nhà nhà" sớm được thụ hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT, chúng ta cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền; nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền. Ðổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền bảo đảm phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể; tiếp tục củng cố, bồi dưỡng nâng cao kiến thức BHXH, BHYT cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền; tăng cường nguồn lực cho công tác này; khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách BHXH, BHYT...

THU HUẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/35827902-vi-muc-tieu-bao-hiem-y-te-toan-dan-bao-hiem-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong.html