Vì một Vịnh Hạ Long xanh

Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long luôn được xác định là việc làm quan trọng, không chỉ phục vụ cho định hướng lấy dịch vụ du lịch làm trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn giữ gìn Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho muôn đời sau. Thời gian qua, việc ứng dụng các thành tựu của KH&CN trong công tác bảo vệ môi trường Vịnh đã cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thử nghiệm phao quây thấm dầu từ chế phẩm sinh học Enretech-1 để ngăn chặn sự cố tràn dầu trên Vịnh.

Dấu ấn đầu tiên của việc ứng dụng KHCN trong bảo vệ môi trường Vịnh chính là việc triển khai lắp đặt thiết bị phân ly dầu - nước cho toàn bộ tàu du lịch hoạt động trên Vịnh, giúp giảm đến mức tối đa lượng nước thải nhiễm dầu (nước la-canh) ra môi trường. Từ khi được triển khai vào năm 2015 cho đến nay, hệ thống phân ly dầu - nước thường xuyên được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và cho thấy hiệu quả tốt. Cùng với đó, để ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm dầu cho nguồn nước Vịnh, hiện các phao quây thấm dầu, xơ bông thấm dầu từ chế phẩm sinh học Enretech-1 đã được đưa vào sử dụng để thấm dầu tràn, vãi trên các cảng, sàn tàu, trang thiết bị... Đặc biệt, nhiên liệu sinh học (bio-diesel) - một ứng dụng mới về nhiên liệu cũng đã và đang được sử dụng thử nghiệm trên hệ thống các tàu công tác của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Bước đầu đã cho thấy kết quả tốt khi giảm được lượng lớn các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, thời gian qua, Quảng Ninh đã sử dụng có hiệu quả số vốn hơn 100 triệu yên (hơn 20 tỷ đồng) từ Dự án JICA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ với nhiều hoạt động, như: Trồng rừng, nghiên cứu ứng dụng thu gom, thu thập, phân loại rác thải, giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân... Đặc biệt, việc thử nghiệm sử dụng nhà vệ sinh sinh học (Bio-toilet “Bio-Lux”) ứng dụng công nghệ vi sinh tiết kiệm điện, nước và hệ thống xử lý nước thải kiểu mới (New Jhoka “Bio-Lux-water”) tại 7 điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long đã cho thấy hiệu quả khả quan trong bảo vệ môi trường. Hiện nay, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã nhận chuyển giao và đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng hệ thống xử lý nước thải sau bể tự hoại tại chỗ theo công nghệ Jokaso tại các nhà vệ sinh của các điểm tham quan trên Vịnh với mong muốn xử lý triệt để nước thải.

Các cơ quan chuyên môn thường xuyên thực hiện lấy mẫu quan trắc, kiểm tra chất lượng nước trên Vịnh Hạ Long bằng các thiết bị KHCN hiện đại. Ảnh do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cung cấp

Hệ thống thùng rác nổi cũng được lắp đặt tại các khu vực tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội, nơi thường xuyên neo đậu tàu, thuyền trên Vịnh, như: Vông Viêng, Cột 5, bến cá chợ Hạ Long, Cống Đỏ, Cửa Vạn, Cống Sắt, Ba Hang... cũng cho thấy hiệu quả tốt. Với những ứng dụng tiên tiến, hiện đại trong công nghệ năng lượng, gần đây, một số điểm tham quan trên Vịnh như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Sửng Sốt... đã được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Hệ thống này cũng đã và đang hoạt động hiệu quả khi năng lượng điện thu được được sử dụng tốt để chiếu sáng, chạy quạt điện... góp phần giảm thiểu lượng điện tiêu thụ, vừa tiết kiệm, vừa góp phần bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

Cùng với các công nghệ trực tiếp phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường như đã kể trên, các hệ thống, trang thiết bị, ứng dụng về KH&CN khác, như: Điểm quan trắc giám sát chất lượng môi trường trên Vịnh, hệ thống truyền tải dữ liệu Viba, camera giám sát, hệ thống VHF, GPS... cũng đã và đang hoạt động tương đối hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng, từ đó đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường tự nhiên của Vịnh Hạ Long.

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201811/vi-mot-vinh-ha-long-xanh-2408254/