Vì một tương lai tươi sáng

Các khóa học miễn phí ngay tại doanh nghiệp và học bổng giúp người lao động có thêm điều kiện nâng cao trình độ, tay nghề

Hơn 20 năm mới đi học trở lại nên chị Nguyễn Thị Hồng - 44 tuổi, công nhân (CN) Xưởng May 2 Tổng Công ty Việt Thắng - không khỏi bỡ ngỡ. Chị Hồng là một trong 1.200 CN theo học lớp "Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động (NLĐ)" do Công đoàn (CĐ) Dệt May Việt Nam phối hợp Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vinatex vừa khai giảng tại khu vực phía Nam.

Đào tạo tại chỗ

Gia cảnh khó khăn nên chị Hồng phải nghỉ học sớm và xin vào làm CN may tại Công ty Dệt Việt Thắng (nay là Tổng Công ty Việt Thắng). Gắn bó với nghề hơn 23 năm, giờ chị Hồng đã là mẹ của 2 đứa con. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền, áp lực công việc, chăm sóc con cái, gia đình khiến chị Hồng bỏ dở ước mơ đi học trở lại. Nhiều lần chị định đi học để nâng cao trình độ nhưng ngại đường xa, kẹt xe, con cái không ai chăm sóc. Do vậy, hay tin lớp bồi dưỡng nghề miễn phí được mở tại công ty, chị đăng ký không một chút do dự.

Công nhân theo học lớp đào tạo nghề do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức

Công nhân theo học lớp đào tạo nghề do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức

Bám sát yêu cầu phát triển của ngành cũng như giúp CN tiếp cận với kiến thức, công nghệ mới, chương trình học được ban tổ chức thiết kế khá đa dạng, bao gồm: Kiểm tra chất lượng sản phẩm, kỹ thuật chuyền, quản trị chất lượng, tổ trưởng - chuyền trưởng, quản lý sản xuất ngành may, sửa chữa máy móc - thiết bị. Toàn bộ kinh phí đào tạo do CĐ Dệt May Việt Nam chi trả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình hỗ trợ phòng học và nước uống cho học viên. Ngoài ra, các CĐ cơ sở còn hỗ trợ cho học viên suất ăn nhẹ. Tan ca, anh Nguyễn Văn Nghĩa - 43 tuổi, CN tổ hoàn tất Tổng Công ty May Việt Thắng - đến nhận phần bánh mì và nước uống để ăn lấy sức trước khi vào học. Anh Nghĩa làm việc tại tổng công ty hơn 7 năm và vừa được đề đạt vào vị trí tổ trưởng. "Kinh nghiệm làm việc của tôi không thiếu, song kiến thức cơ bản vẫn còn hạn chế. Vì thế, khóa học sẽ giúp bản thân tôi bổ sung những gì còn thiếu cũng như cải thiện trình độ quản lý, từ đó nâng cao chất lượng công việc" - anh Nghĩa bày tỏ.

Ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam, cho biết trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên trở thành ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của cả nước. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ kỹ sư, CN trong toàn hệ thống. Cũng theo ông Thướng, lao động ngành dệt may chủ yếu là lao động phổ thông; số lao động có trình độ trung cấp trở lên chỉ khoảng 15,6%. Mặt khác, phần lớn NLĐ xuất thân từ nông thôn, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế, từ đó gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức, công nghệ mới. "Chương trình đào tạo nhằm giúp CN thích ứng với điều kiện mới và đây cũng là cơ sở ổn định việc làm, thu nhập cho họ một cách căn cơ" - ông Thướng khẳng định.

Động viên thiết thực

Không chỉ thiết kế các chương trình đào tạo miễn phí phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của NLĐ, nhiều CĐ cấp trên còn hỗ trợ kinh phí để đoàn viên nâng cao trình độ chuyên môn. Quỹ Học bổng Nguyễn Đức Cảnh do tổ chức CĐ TP HCM khởi xướng trong thời gian qua, ngoài tiếp sức con CN đến lớp còn hướng đến mục tiêu san sẻ một phần gánh nặng học phí cho đoàn viên có nguyện vọng nâng cao trình độ.

Mới đây, LĐLĐ quận 3, TP HCM đã trao 2 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh (2 triệu đồng/suất) đặc biệt dành cho đoàn viên vượt khó. Nhận học bổng, chị Nguyễn Thị Khoa, nhân viên y tế Trường Mầm non 8, rất xúc động. Chị Khoa cho biết chị đã tốt nghiệp Trung cấp Y Dược Hồng Đức và đang học liên thông lên hệ cao đẳng tại trường. Dịch Covid-19 khiến thu nhập của chị giảm sút trong khi việc kinh doanh online của chồng chị cũng bấp bênh. "Vợ chồng tôi đang ở trọ, lại phải nuôi con nhỏ nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Nhiều lúc tôi cũng nản, định gác lại việc học. Do vậy, khi được LĐLĐ quận hỗ trợ học bổng, tôi có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi việc học" - chị Khoa bộc bạch. Chị Phan Nguyễn Lan Chi, nhân viên thu ngân Trung tâm Y tế quận 3, cũng được nhận học bổng đợt này. Xuất phát điểm khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, chị Chi phải đi làm sớm. Đi làm, chị mới thấy việc thiếu bằng cấp là điều thiệt thòi và bỏ qua nhiều cơ hội. Được sự động viên của các đồng nghiệp tại trung tâm, chị quyết định theo học hệ trung cấp y sĩ đa khoa tại Trường Trung cấp Đại Việt. Chồng làm bảo vệ tại ngân hàng, lại có con nhỏ nên học phí đối với chị là một một vấn đề lớn. Do vậy, suất học bổng của tổ chức CĐ giúp chị có bớt đi gánh lo học phí.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khiến NLĐ đứng trước nhiều thách thức nếu muốn giữ việc làm và thu nhập. Việc khởi xướng chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho đoàn viên, NLĐ hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ CN lành nghề, có trình độ, nắm bắt tốt công nghệ, kỹ thuật mới” - ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam, cho hay.

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/vi-mot-tuong-lai-tuoi-sang-20201206211249266.htm