Vì một nền giáo dục kỷ cương - nền nếp - chất lượng - hiệu quả

Năm học 2018 - 2019 vừa qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ có hiệu quả của các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh; sự tâm huyết, nỗ lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, ngành GD&ĐT Lai Châu đã đạt được những kết quả nổi bật về nhiều mặt.

Từ những thành công ấy, ngành GD&ĐT Lai Châu quyết tâm giành được nhiều thành công hơn nữa trong năm học 2019 - 2020 sắp tới, vì sự kỷ cương - nền nếp - hiệu quả - chất lượng của ngành giáo dục tỉnh nhà.

Năm học 2018 - 2019: Những kết quả đáng tự hào

Năm học 2018 - 2019 là năm học ngành GD&ĐT Lai Châu tiếp tục triển khai, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tích cực đẩy mạnh các hoạt động chào mừng các sự kiện lịch sử của tỉnh Lai Châu năm 2019 và chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND).

Năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Lai Châu đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ và kịp thời với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục,... góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa các vùng, đồng thời tạo sự lan tỏa và đồng thuận cao của toàn xã hội về công tác giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, được các ngành tích cực ủng hộ, đầu tư, tăng cường; Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới; tăng cường phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, việc giám sát và đề cao trách nhiệm người đứng đầu đã có tác động lớn trong việc thiết lập kỷ cương, nền nếp trường, lớp học và môi trường giáo dục an toàn; Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp học được duy trì và phát triển bền vững. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có bước chuyển biến tích cực, một số trường đặc biệt khó khăn có sự bứt phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện tại, toàn ngành có 133 trường chuẩn Quốc gia. Năm 2018, Giáo dục Lai Châu đã hoàn thành hồ sơ và đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận tỉnh Lai Châu đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi; PCGDTH mức độ 2; PCGDTHCS mức độ 1.

Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của Sở GD&ĐT Lai Châu.

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp được quan tâm, đặc biệt trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều học sinh đạt giải là học sinh thuộc các trường vùng đặc biệt khó khăn (92 học sinh vùng đặc biệt khó khăn đạt giải, trong đó 14 giải nhì, 26 giải ba, 52 giải khuyến khích; tăng 39 giải so với năm học trước). Có 09 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia; 02 dự án thi khoa học kỹ thuật đạt giải cấp Quốc gia. Công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Điểm trung bình các môn thi THPT Quốc gia năm 2019 xếp thứ 43/63 tỉnh/thành phố. Tỷ lệ trúng tuyển đại học, cao đẳng đạt 62,8% tăng 0,9% so với năm 2017.

Năm học vừa qua, Sở cũng tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, trong đó chú trọng tự chủ về tài chính, tài sản, tự chủ trong xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục. Tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp các cấp học; coi trọng thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong trường học gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các khoản thu đầu năm học, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định trong các cơ sở giáo dục, việc quản lý tài chính, thu chi trong các cơ sở giáo dục được thực hiện nghiêm túc, không có hiện tượng lạm thu. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm các sai phạm, thông báo công khai trước công luận, giữ vững trật tự, kỷ cương trong ngành. Triển khai nghiêm túc phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kiên quyết khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; tích cực đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn nên năm học vừa qua, ngành GD& ĐT Lai Châu đã tích cực xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng CSVC, lồng ghép các nguồn kinh phí để tăng hiệu quả đầu tư tránh lãng phí sau khi đưa vào sử dụng. Tính đến tháng 6/2019, toàn ngành có 6.988 phòng học, tăng 266 phòng so với năm học trước.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng hơn nữa giáo dục vùng khó khăn

Năm học 2019 – 2020, ngành GD& ĐT Lai Châu xác định tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới GD&ĐT theo Kế hoạch hành động Bộ GD&ĐT thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, trọng tâm là việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng bền vững; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn; tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, biên giới. Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các cấp học; Chuẩn bị đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trong đó, đáng chú ý là một số mục tiêu chủ yếu: Phấn đấu học sinh giỏi cấp Quốc gia đạt trên 15%; có giải Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia; tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt trên 96%, trong đó THPT đạt trên 97%; GDTX đạt trên 84%; Duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đến hết năm 2020, tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia các cấp học: Mầm non 44%, Tiểu học 50%, THCS 33%, THPT 39%...

Tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp; chú trọng công tác quản lý và giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức, trách nhiệm công dân cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.

Năm học mới 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Lai Châu cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự các cơ sở giáo dục nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); Thực hiện quy trình đánh giá, xếp loại, quy hoạch, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo hướng thực chất, hiệu quả. Ngành GD& ĐT Lai Châu cũng chủ trương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục…

Để biến những mục tiêu ấy trở thành hiện thực, Sở GD& ĐT Lai Châu đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển GD&ĐT phù hợp với thực tế của địa phương, trong đó có kế hoạch thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới năm học 2019 - 2020; phối hợp đề xuất, tham mưu xây dựng Đề án “triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực GD&ĐT, tăng cường sử dụng các danh mục dịch vụ công mức độ 4, triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công theo kế hoạch; Thực hiện tốt công tác xã hội hóa, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin, xây dựng hình ảnh đẹp về giáo dục trong đời sống xã hội…

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-mot-nen-giao-duc-ky-cuong--nen-nep--chat-luong--hieu-qua-post67871.html