Vì một năm mới an lành, văn minh

Những ngày này, tại các bữa tiệc tất niên, liên hoan rất dễ bắt gặp hình ảnh mọi người cầm ly nước lọc cùng 'cụng ly', chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc. Không còn cảnh ép nhau 'trăm phần trăm', 'không say không về'... Trong khi đó tại cà phê vỉa hè, công sở, đâu đâu người ta cũng dặn nhau đừng có uống rượu, bia rồi chạy xe ra đường. Nếu lỡ uống thì gọi taxi, xe ôm chớ đừng có dại dột mà chạy xe, lỡ say rồi không làm chủ được bản thân, gây tai nạn…

Bởi trong lời dặn đó, còn ẩn chứa những câu chuyện đau lòng về các vụ tai nạn giao thông thương tâm nhất trong năm vừa qua đều liên quan đến rượu, bia: vụ đâm xe vào người đưa tang ở Bình Định, vụ nữ công nhân môi trường ở Hà Nội, vụ 2 phụ nữ tử vong ở hầm chui Kim Liên...

Chắc chắn tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán Canh Tý này sẽ giảm vì Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia rất được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, từng bước thay đổi văn hóa ăn nhậu, tạo nếp sống văn minh. Một thông tin đáng mừng nữa là tại cuộc họp báo triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP vào ngày 16/1, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, từ ngày 1 đến 15/1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng. Đặc biệt là không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan rượu, bia. Trong khi dịp này những năm trước thường xảy ra những vụ lái xe uống rượu tông chết nhiều người.

Có thể nói, chưa có Luật nào mà được người dân chú ý ngay từ ngày đầu tiên áp dụng như Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Luật pháp không chỉ để xử phạt mà điều chỉnh hành vi con người theo đúng quy định pháp luật. Việc mức phạt tiền nặng, kèm theo việc tước bằng lái xe tùy theo mức độ vi phạm đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân bởi đây là biện pháp cần thiết để thay đổi nhận thức cũng như hành vi của mỗi người khi sử dụng rượu, bia. Bởi nếu không làm mạnh, nỗi đau đớn sẽ còn nhiều và còn kéo dài với nhiều gia đình và xã hội.

Tại lễ phát động ra quân Năm ATGT 2020 do Ban ATGT tỉnh tổ chức sáng 17/1 đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm TNGT từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; giảm số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Với thông điệp “Đã uống rượu, bia - không lái xe” như một nỗ lực cảnh tỉnh, ngăn chặn những tai nạn thảm khốc do lái xe uống rượu, bia gây ra.

Để thực hiện mục tiêu trên, rõ ràng việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ là công cụ đắc lực giúp điều chỉnh hành vi của con người hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp hơn!

THẢO PHƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/202001/vi-mot-nam-moi-an-lanh-van-minh-890041/