Vì một mùa lễ hội văn minh

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5804/UBND-KGVX ngày 18-12-2020 về thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021. Nhiều ý kiến cho rằng việc thành phố sớm có chỉ đạo về quản lý, tổ chức lễ hội sẽ giúp các địa phương, cơ quan chức năng vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm an ninh, an toàn và văn minh.

Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội):
Đẩy mạnh tuyên truyền về lễ hội

Thực hiện Công văn số 5804/UBND-KGVX, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố; phối hợp với ban quản lý di tích các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc của lễ hội, di tích và nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về giá trị, ý nghĩa đích thực của các nghi lễ truyền thống… không để việc tổ chức lễ hội "biến tướng" thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đây sẽ khắc phục được các hủ tục mê tín, dị đoan, ăn mặc phản cảm… tại lễ hội. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, để người dân chủ động phòng dịch khi tham gia lễ hội.

Bà Nguyễn Thị Xuân Nữ, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Cầu Giấy:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trong mùa lễ hội

Hiện trên địa bàn quận có 20 lễ hội truyền thống, trong đó có 16 lễ hội được UBND thành phố công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Thực hiện Công văn số 5804/ UBND-KGVX, UBND quận đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác quản lý về di tích và tổ chức lễ hội năm 2021, trong đó yêu cầu: Bên cạnh công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội, ban tổ chức cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh; các di tích phải thường xuyên phun thuốc khử khuẩn, bố trí nước, dung dịch sát khuẩn tay; khuyến cáo người dân không được vào di tích và tham gia hoạt động lễ hội nếu không nghiêm túc tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế, UBND quận sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức):
Bảo đảm an toàn cho người dân tham gia lễ hội

Nhằm nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức trong đó có phương án phòng, chống dịch Covid-19 như không tổ chức rầm rộ quy mô lớn; thực hiện “5K” gồm "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.

Ban đã phối hợp với UBND xã Hương Sơn niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố để du khách trẩy hội biết và thực hiện. Đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội; sắp xếp, bố trí các điểm đón tiếp khách hợp lý để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ... Ngoài ra, sẽ xử lý nghiêm việc tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch… dưới mọi hình thức; việc kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Đặc thù của lễ hội chùa Hương là di chuyển trên dòng suối Yến nên huyện sẽ yêu cầu người lái đò, du khách... chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Hy vọng những giải pháp trên sẽ đáp ứng yêu cầu tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh như trong Công văn số 5804/ UBND-KGVX ngày 18-12-2020 của UBND thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thơm, chung cư Rainbow Văn Quán, phường Văn Quán (quận Hà Đông):
Nâng cao nhận thức về văn hóa tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống

Đi lễ chùa, tham gia lễ hội là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, ở đâu đó vẫn có hình ảnh chưa đẹp ở lễ hội được các phương tiện truyền thông phản ánh, khiến dư luận bức xúc. Những việc làm chưa đẹp ở lễ hội không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết, ý thức kém của một bộ phận người dân, mà còn làm cho không gian lễ hội, di tích, thắng cảnh phần nào mất đi sự tôn nghiêm, văn minh vốn có.

Vì thế, chỉ đạo của UBND thành phố về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống là vô cùng cần thiết. Đây là cách làm hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân về văn hóa tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống nói chung, để từng bước điều chỉnh hành vi, lời nói phù hợp, góp phần tổ chức lễ hội an ninh, an toàn và văn minh.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/987072/vi-mot-mua-le-hoi-van-minh