Vì một môi trường làm việc an toàn cho người lao động

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 1/5 đến 31/5/2020 trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề 'Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc'. Trên cơ sở đó, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung nhiều giải pháp đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động.

Đóng tàu tại Công ty CP Nosco Shipyard.

Đóng tàu tại Công ty CP Nosco Shipyard.

Những tai nạn lao động thương tâm

Quảng Ninh là tỉnh đặc thù, có tỷ trọng công nghiệp lớn, nhiều ngành nghề nặng nhọc, độc hại, vì thế khó tránh khỏi các vụ TNLĐ, dù các đơn vị, doanh nghiệp đã cố gắng bằng nhiều biện pháp giảm thiểu TNLĐ.

Còn nhớ, ngày 14/1 tại Công ty Than Quang Hanh đã xảy ra vụ tai nạn tụt đổ lò khiến 1 công nhân Phân xưởng Khai thác 1 bị vùi lấp và tử vong. Nguyên nhân được xác định do nhóm công nhân đã chủ quan, chưa lường hết được nguy cơ xảy ra tai nạn trong quá trình củng cố, chống giữ tăng cường sau khi nổ mìn tại cúp phá hỏa số 11, nên khi đang làm việc thì bất ngờ than ở phía hông lò bên phải tụt đổ, vùi lấp gây tai nạn.

Không chỉ ở ngành Than, ngành công nghiệp khai thác hầm lò với nhiều rủi ro, ngày 28/2, tại Bãi sửa chữa tàu biển Công ty CP Nosco Shipyard đã xảy ra vụ tai nạn khiến 1 công nhân rơi từ độ cao 16m xuống đất, đa chấn thương và tử vong. Nguyên nhân là do việc phối hợp của nhóm công nhân Phân xưởng máy ống và công nhân vận hành cần trục trong quá trình lắp đặt cầu thang mạn phải tàu Tây Sơn 1 chưa đảm bảo. Công nhân thi công chủ quan, không sử dụng dây đai an toàn khi làm việc trên cao...

Ông Hoàng Sĩ Hưng, Phó Chánh Thanh tra, Sở LĐ-TB&XH, nhận định: Không chỉ 2 vụ TNLĐ nói trên, mà hầu hết các vụ TNLĐ xảy ra, ngoài nguyên nhân chính được xác định là do sự chủ quan, thiếu ý thức, tác phong công nghiệp của người lao động, thì còn một nguyên nhân nữa là công tác chỉ đạo tổ chức điều hành, giám sát, kiểm tra của lãnh đạo các bộ phận, doanh nghiệp chưa thực sự sâu sát, chưa phát hiện được những tồn tại để khắc phục kịp thời...

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, từ đầu năm đến ngày 8/4/2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ TNLĐ, làm chết 10 người, không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm 2019. TNLĐ không chỉ là nỗi đau của mỗi gia đình nạn nhân, nó còn gây hệ lụy cho những người liên quan, cho xã hội, là nỗi đau khó thể xóa nhòa trong những người còn ở lại.

Mỗi năm, các đơn vị ngành Than đầu tư 1.000 tỷ đồng cho công tác ATVSLĐ. (Trong ảnh: Khai thác than tại Công ty Than Dương Huy)

Biến nỗi đau thành hành động

Trước những nỗi đau vì TNLĐ, Tháng hành động về ATVSLĐ trên toàn quốc đều được diễn ra vào tháng 5 hằng năm, nhằm đẩy mạnh các hành động vì một môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Tại Quảng Ninh, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 4 sẽ diễn ra với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”.

Theo ông Hoàng Sĩ Hưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh chỉ đạo trong Tháng hành động về ATVSLĐ không tổ chức, các cuộc hội đàm, hội thao diễn tập phương án xử lý sự cố kỹ thuật an toàn và PCCN, cấp cứu người bị tai nạn tập trung đông người. Các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị TNLĐ vào thời điểm phù hợp trong năm. Đồng thời, tập trung cho công tác tuyên truyền. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; giảm thiểu nguy cơ tai nạn, cải thiện điều kiện cho người lao động.

Thực tế, ATVSLĐ là việc được các doanh nghiệp thực hiện thường xuyên, liên tục. Vì vậy, không chỉ trong tháng 5, mà hàng năm, các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh (nhất là các doanh nghiệp ngành Than, doanh nghiệp trung ương trên địa bàn, doanh nghiệp có quy mô lớn) đã có ý thức, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Qua đó, quan tâm kiện toàn, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ hằng kỳ. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ được quan tâm, đổi mới với nhiều hình thức phong phú. Nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, như các doanh nghiệp ngành Than hàng năm đầu tư 1.000 tỷ đồng cho công tác ATVSLĐ.

Khám bệnh cho công nhân tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt.

Các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tham quan, nghỉ mát, điều dưỡng, ăn ca, ăn định lượng, bồi dưỡng độc hại, bồi thường, trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp... đã được người sử dụng lao động quan tâm, thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động mới tập trung ở các doanh nghiệp lớn. Vì thế, để đảm bảo tất cả người lao động trong các thành phần doanh nghiệp đều được làm việc trong môi trường an toàn, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ cần chú trọng đầu tư cải thiện điều kiện lao động, sử dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Đồng thời chú trọng xây dựng mô hình văn hóa ATVSLĐ tại nơi làm việc; huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Các cơ quan chức năng cần chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp nhỏ; thực hiện định kỳ việc đo các chỉ số về môi trường lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp... Chỉ khi các giải pháp được thực hiện tốt thì sự an toàn của người lao động mới được đảm bảo.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202004/vi-mot-moi-truong-lam-viec-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-2479357/