Vì một cộng đồng an toàn, bền vững

Trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân cả nước thêm một lần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, chung sức chống dịch. Những hình ảnh, tấm gương cán bộ, nhân viên của hệ thống chính trị, ngành y tế, lực lượng vũ trang từ biên giới, hải đảo, từ tỉnh xa đến đô thị lớn đêm ngày không quản hiểm nguy, gian nan, căng mình ở các điểm nóng, tuyến đầu trên mặt trận chống dịch, vì một cộng đồng an toàn, bình yên khiến người dân cả nước ấm lòng, cộng đồng quốc tế ghi nhận, nể phục.

Trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân cả nước thêm một lần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, chung sức chống dịch. Những hình ảnh, tấm gương cán bộ, nhân viên của hệ thống chính trị, ngành y tế, lực lượng vũ trang từ biên giới, hải đảo, từ tỉnh xa đến đô thị lớn đêm ngày không quản hiểm nguy, gian nan, căng mình ở các điểm nóng, tuyến đầu trên mặt trận chống dịch, vì một cộng đồng an toàn, bình yên khiến người dân cả nước ấm lòng, cộng đồng quốc tế ghi nhận, nể phục.

Trước nguy cơ của đại dịch, để ngăn chặn hiệu quả, nhiệm vụ chống dịch không chỉ là của lực lượng chức năng, hơn thế cần sự vào cuộc của toàn xã hội, cộng đồng dân cư, từng gia đình, cá nhân. Từ nâng cao ý thức, chủ động đối phó đến việc lên án, xử lý những hành vi, cá nhân vi phạm pháp luật, quy định phòng, chống dịch. Hà Nội đã phát động các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền chống dịch. Tại Bắc Ninh, nơi “điểm nóng” bùng phát dịch tại huyện Thuận Thành, đã xuất hiện những “Tổ Covid” của đoàn thể xã hội cùng lực lượng chức năng đến từng hộ gia đình địa bàn cách ly nắm tình hình dân cư; thông tin về các gia đình khó khăn được chuyển tới chính quyền, đoàn thể để có thể hỗ trợ kịp thời. Nhằm hạn chế tối đa việc người dân phải ra ngoài, đi lại, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của các hộ, tổ đã cử người giúp hộ gia đình việc đi chợ, giải quyết vấn đề cần thiết…

Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 - một kẻ thù phi truyền thống, đặt nhiều quốc gia, cộng đồng trước hiểm nguy khi mà thế giới chưa có “chiến lệ”, thiếu kinh nghiệm đối phó. Nguy hiểm hơn, kẻ thù này luôn ẩn mình và biến đổi khôn lường, có thể bùng phát bất kỳ ở đâu, lúc nào, thách thức sự kiểm soát. Ở diện hẹp, dịch bệnh không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng cá nhân và cộng đồng, hệ lụy của nó tác động lâu dài đến đời sống kinh tế của một bộ phận xã hội, người lao động; các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh tật, cô đơn, trẻ tàn tật, người dễ bị tổn thương. Vậy nên, hơn bao giờ hết, việc củng cố cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, khỏe mạnh và an toàn trước dịch bệnh không chỉ là khẩu hiệu, mục tiêu mà cần những hành động mạnh mẽ, thiết thực, đồng bộ. Cùng cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng, mỗi đoàn thể xã hội, mỗi người dân cần đồng lòng, chung sức trong công tác phòng ngừa, tuyên truyền vận động, giám sát ngăn chặn dịch bệnh. Từng đoàn thể, cộng đồng dân cư cần có kế hoạch hành động, kịch bản đối phó khi những tình huống xấu nhất xảy ra. Phòng, chống đại dịch Covid-19 chủ động, quyết liệt, tích cực nhưng không cực đoan, làm đảo lộn sự phát triển chung. Cả cộng đồng cần thêm một lần nữa làm sâu sắc, lan tỏa, phát huy sâu rộng các giá trị, truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc, dòng họ nhằm huy động nội lực tinh thần, vật chất xây dựng, củng cố cộng đồng an toàn, bền vững, lành mạnh.

Lê Nam Hải

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/vi-mot-cong-dong-an-toan-ben-vung-646079/