Vì môi trường lao động an toàn
Từ đầu năm 2024 đến ngày 12-8, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra 14 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH LC Buffalo (chuyên sản xuất dầu điều) ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú vào ngày 5-8 làm 2 công nhân thiệt mạng, khiến nhiều người vẫn còn ám ảnh. Từ vụ việc cho thấy, tai nạn lao động không chỉ gây tổn thất về người và của mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, kinh tế, xã hội.
Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) đã cơ bản đồng bộ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, tình trạng vi phạm ATLĐ xảy ra liên tiếp thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, lỗ hổng chủ yếu bắt nguồn từ khâu thực thi, bởi thực tế ở không ít đơn vị, địa phương, việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về ATLĐ chưa được quan tâm thực hiện triệt để, dẫn đến chưa phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm…
Mặt khác, vẫn còn một số doanh nghiệp (DN), nhất là DN tư nhân, DN nhỏ và vừa hay cơ sở sản xuất, kinh doanh sẵn sàng chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến việc đầu tư cải thiện môi trường làm việc. Thậm chí, không coi trọng công tác huấn luyện bảo đảm ATLĐ hoặc có tổ chức nhưng chỉ mang tính hình thức, không đầy đủ nội dung và thời gian quy định. Hoặc có hướng dẫn nhưng nội dung không sát thực tiễn, chưa tập trung vào những vấn đề người lao động quan tâm, nhất là kỹ năng xử lý sự cố, biện pháp bảo đảm an toàn liên quan trực tiếp đến công việc người lao động đang thực hiện. Đáng lo ngại hơn là vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động chủ quan, thiếu ý thức trong lao động, thường xuyên vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, cá biệt không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc.
Vẫn biết không một tổ chức, DN nào mong muốn tai nạn lao động xảy ra. Tuy nhiên, qua số vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua cho thấy công tác bảo đảm ATLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Để giảm thiểu số vụ tai nạn lao động phát sinh, giải pháp ưu tiên hàng đầu vẫn là chủ động phòng ngừa. Nhưng muốn phòng ngừa tốt thì bên cạnh triển khai quyết liệt và đồng bộ các quy định pháp luật về ATLĐ, cấp có thẩm quyền và ngành chức năng phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan; thực hiện thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động khi sử dụng lao động, nhất là lao động thực hiện công việc ở môi trường có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm về ATLĐ nghiêm trọng, đặc biệt là tổ chức, DN không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Một yêu cầu tiên quyết nữa để giảm thiểu tai nạn lao động là DN phải đầu tư cải thiện môi trường làm việc, coi việc chấp hành pháp luật về ATLĐ là một nét đẹp văn hóa trong DN. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của mỗi tổ chức, DN, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích DN sử dụng, chuyển giao, nhập khẩu những hệ thống công nghệ hiện đại, an toàn; không cho nhập khẩu đối với những công nghệ đã lạc hậu, mất an toàn, gây ảnh hưởng môi trường lao động. Và quan trọng nhất là nhận thức, hành động của người lao động và người sử dụng lao động trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATLĐ. Do đó, người lao động phải tự trang bị kiến thức bảo vệ bản thân, coi đấu tranh cho quyền được bảo đảm ATLĐ là ưu tiên hàng đầu trong quá trình làm việc.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/161381/vi-moi-truong-lao-dong-an-toan