Vì môi trường biển không rác thải nhựa

Sau 2 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, việc giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ năm 2021 - 2025, giảm 50% rác thải nhựa ven biển và đại dương, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, 70% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác vùng ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh không sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy; 70% Khu bảo tồn biển Lý Sơn không còn rác thải nhựa. Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện việc quan trắc mỗi năm một lần để đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông tại các địa phương ven biển và đảo Lý Sơn.

Giảm thiểu rác thải nhựa ven biển vẫn đang là hành trình đầy cam go đối với các địa phương ven biển.

Dù vậy, theo đánh giá của Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Võ Ngọc Dũng, để có thể thực hiện các mục tiêu đề ra cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bởi tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ven biển đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Mặt khác, việc thu gom, xử lý chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế biển vẫn chưa đi vào nền nếp. Do đó, việc kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu rác thải nhựa xả ra biển là một hành trình cam go, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là cộng đồng dân cư ven biển.

Huyện Lý Sơn, địa phương có Khu bảo tồn biển Lý Sơn, hiện nay, rác thải nhựa (chủ yếu là bao đựng thức ăn chăn nuôi) từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển "vẫn được" người dân xả thẳng ra môi trường, thay vì thu gom, xử lý.

Bên cạnh đó, dù mục tiêu đến năm 2025, 70% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác vùng ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, nhưng hầu hết các cơ sở dịch vụ lưu trú, du lịch biển vẫn chưa sử dụng những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, tại Lý Sơn - nơi có tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ biển và đa dạng sinh học cao, song “cuộc chiến” đẩy lùi vấn nạn sử dụng túi nilon vẫn chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể. Việc hình thành thói quen không dùng túi nilon, sử dụng giỏ nhựa đi chợ, dùng các túi sinh thái thay thế để người dân và du khách đựng thực phẩm... dù đã trải qua nhiều đợt vận động, nhưng vẫn chưa thể lan tỏa sâu rộng tại đây.

Ngoài ra, việc tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp về khoa học - công nghệ thu gom, xử lý rác thải trên biển là cần thiết. Bởi lẽ, việc thu gom rác thải trên biển theo cách thủ công, không thể mang lại hiệu quả lâu dài. Trong khi đó, theo khuyến nghị của Bộ TN&MT, những ứng dụng khoa học - công nghệ trong thu gom rác trên biển như: Túi thu rác và nhựa trên biển từ lưới đánh cá cũ tại Quy Nhơn (Bình Định), máy vớt rác sử dụng năng lượng mặt trời tại Quảng Nam... là những mô hình gom rác trên biển hiệu quả, cần được nhân rộng. Do vậy, tỉnh cần khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ thu gom, xử lý rác thải nhựa trên biển.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202104/vi-moi-truong-bien-khong-rac-thai-nhua-3052344/