Vị làng...

Tôi về thăm Đường Lâm, Sơn Tây vào một ngày đẹp trời. Trên chuyến xe chật ních nhà báo và những người mê văn hóa hôm ấy, anh Vũ Minh Toàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Sơn Tây kiêm 'hướng dẫn viên' kể đủ chuyện. Với những am hiểu và kiến thức của mình, qua lời kể của anh, đằng sau những bức tường đá ong, cổng nhà, lối đi lát gạch nghiêng hay di tích, danh nhân… đều hiện lên sinh động và đầy cuốn hút. Quả thực, có đến và chiêm nhiệm mới thấy nơi này bất kỳ nơi đâu cũng thấy 'cổ vật' và phía sau những chuyện đất, chuyện người ấy là vị làng - thứ mỹ cảm yên ả, thanh bình còn vương vất giữa bao cung bậc xô bồ của cuộc sống…

Chuyện đất chuyện người

Trong chuyến đi hôm ấy, khi tất thảy mọi người còn mải mê trong những câu chuyện của anh Toàn, tôi chợt thấy một đồng nghiệp công tác tại một tạp chí giáo dục cứ mải mê ngắm nhìn chiếc cổng làng dẫn vào Đường Lâm. Ngẫm ra mới thấy, góc nhìn của đồng nghiệp nọ độc đáo và tinh tế. Bởi, từ cổng làng, nếu quan sát tỉ mẩn có thể phần nào đánh giá được sơ bộ về tổng thể nơi mà mình đang tìm đến, bao gồm con người đang sinh sống tại đó.

Lại nữa, cổng làng khi xưa trong hồi tưởng của những cao niên trong các làng không phải là gạch đá hoa văn được xây dựng bề thế, kỳ công như hiện tại. Trong tâm thức của một thuở xưa cũ, chiếc cổng có nơi đơn thuần chỉ là lũy tre đầu ngõ, vòm cây duối uốn mình cong cong… Tất thảy là “dấu hiệu địa lý” để tách biệt ranh giới giữa làng này với làng khác, phân cách văn hóa đặc trưng và những nét thuần phong mỹ tục của từng làng. Phía sau cổng làng là cộng đồng, họ tộc, là tình làng nghĩa xóm bền chặt.

Một góc làng cổ Đường Lâm.

Một góc làng cổ Đường Lâm.

Cũng như vậy, với người dân Đường Lâm, hình ảnh chiếc cổng làng đã trở nên rất đỗi thân quen, gần gũi trong tâm thức. Từ chiếc cổng làng cũng có thể thấy bao sự biến thiên của lịch sử. Theo tìm hiểu, cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông. Đây là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi tổ Tản Viên. Các bậc cao niên trong làng cho biết, Đông Nam là hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc - hướng phát triển mạnh mẽ, con cháu mai sau sẽ thịnh vượng. Và cũng bởi quay hướng Đông Nam nên giữa trưa hè oi bức, không gian của cổng vẫn mở ra như ống thông gió, hút theo đó những hương vị của cây trái làng quê.

Lại có người bảo, vốn dĩ trước đây làng có tới 5 cổng. Một cổng lớn và những cổng khác chia ra trấn tứ phương. Nhưng hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng duy nhất được xây dựng từ năm 1833, trên cổng còn có dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm hiểu là “thời nào cũng có người tài giỏi”. Chẳng rõ thực hư nhưng chuyện đất lành sản sinh nhân kiệt là thực. Ngoài nổi tiếng với danh xưng “đất hai Vua”, ở Đường Lâm còn không ít những bậc túc nho tài hoa.

Nhắc chuyện này, anh Vũ Minh Toàn kể, cho đến nay Đường Lâm vẫn lưu giữ không ít chứng tích, những câu chuyện về vị Thám hoa nổi tiếng Giang Văn Minh (1573-1638). Ông đỗ kì thi năm 1628, làm quan đến chức Thái bộc phụ khanh và được cử làm Chánh sứ thay mặt vua đi sang Trung Quốc. Vua quan phương Bắc hống hách không đáp ứng những yêu cầu ngoại giao, thậm chí Hoàng đế nhà Minh khi đó là Chu Do Kiểm còn ra một câu đối nhằm hăm dọa sứ thần nước Việt. Câu đối ấy là: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến giờ đã xanh vì rêu).

Người dân làng cổ thảnh thơi trong một ngày thu.

Câu đối này ám chỉ việc Mã Viện (thời Hán) khi chinh phạt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đóng một cột đồng ở biên giới hàm ý răn đe nước Việt. Giang Văn Minh nghe thấy thế đã khẳng khái đáp lại rằng: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa vẫn đỏ vì máu). Hàm ý của Giang Văn Minh muốn nhắc nhở Hoàng đế nhà Minh về 3 lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc ngay trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử của quân dân Đại Việt. Vua nhà Minh nghe câu đối ấy vô cùng tức giận đã cho tra tấn tàn bạo vị sứ giả rồi giết ông và mổ bụng để xem to gan lớn mật đến thế nào.

Chia sẻ thêm về bậc nhân kiệt một thuở, Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Phan Văn Lợi bảo, dù giết Giang Văn Minh nhưng người phương Bắc vẫn vô cùng nể phục. Họ ướp xác ông bằng thủy ngân cho khỏi hỏng và đưa trở về nước Việt. Khi xác ông về tới Thăng Long ông được truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công và tặng câu đối: Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng. Nghĩa là, sứ thần không làm nhục mệnh Vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.

Hương vị làng quê

Trên cơ sở Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây đã chọn hướng phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc. Mục tiêu là phấn đấu xây dựng thị xã trở thành một trong những “trung tâm du lịch văn hóa” của Thủ đô.

Để hỗ trợ người dân được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã triển khai nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng, nâng cao nhận thức và trình độ làm du lịch cho người dân như: Mời các hộ đi tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng, homestay ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (lào Cai), phố cổ Hội An – Quảng Nam…; tập huấn cho người dân tiếp khách, mời khách, đón khách một cách chuyên nghiệp; tổ chức thi làm các sản phẩm bánh kẹo của địa phương; mở chợ quê vào những ngày lễ, hội; tạo ra những sản phẩm lưu niệm phong phú từ mây tre đan, gốm sứ, tranh thêu, rơm… Những nỗ lực và giải pháp phát triển du lịch tại Đường Lâm đã dần dần phát huy hiệu quả.

Trong lúc đang miên man qua những chuyện xưa tích cũ, Bí thư Đảng ủy Phan Văn Lợi dẫn chúng tôi băng qua cánh đồng vào khu chăn nuôi gà mía ở Đường Lâm. Trông dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn của ông, ít ai biết ông là cựu chiến binh, từng bị thương ở mặt trận Mường Khương (tỉnh Lào Cai) trong những năm chiến đấu bảo vệ biên giới. Hiện giờ trong người ông Lợi vẫn còn một mảnh đạn pháo sau lưng. Ông bảo, mỗi lần trái gió trở trời ông lại trằn trọc cả đêm với bệnh tật. Nhưng đã lâu nên ông cũng “quen” với nó, coi như kỷ niệm về một thời hoa lửa.

Là cựu chiến binh với tính cách gần gũi, hay chuyện từ người nông dân đến hộ kinh doanh thành đạt… chẳng ai không biết đến ông Lợi. Mỗi đoạn dừng chân, người ta thấy ông lại tay bắt mặt mừng. Có người thấy ông ngắm nghía gốc mít, tưởng ông thích, họ đòi “bứng” cây để ông mang về. Dung dị và chất phác. Ở trong cách nói chuyện của ông Lợi và những người chân lấm tay bùn ấy, tôi chẳng thể tìm ra một nét quan cách hay giả tạo nào.

Tạm bỏ qua những suy tưởng cá nhân, ông Lợi vừa đi, vừa kể cho tôi nghe về chuyện gà mía của Đường Lâm - giống gà đặc sản của người Đường Lâm được dùng làm lễ vật cung tiến Vua. Giống gà Mía thuần chủng có đầu nhỏ, mình vuông, màu lông rất đẹp, da màu vàng. Thịt gà Mía thơm ngon, vị ngọt, đậm đà, dai thịt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cho đến nay gà mía đã và đang là thương hiệu, là “cần câu” nâng cao đời sống kinh tế của người dân Đường Lâm. Hơn hết, thức ngon, vật quý ngày xưa, nay đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương. Chẳng lạ khi bữa cơm quê có gà mía, tương cà, rau muống… luôn là dư vị khó tả mà người dân chất phác Đường Lâm dành để thiết đãi những khi quý khách gần xa ghé chơi.

Bữa ấy là thu, tôi đã nếm đủ dư vị làng qua thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Trước khi rời Đường Lâm, tôi ngồi trong một ngôi nhà ngay lối gần cổng làng. Tôi tự rót nước vối từ chiếc tích ủ trong ấm giỏ, rồi tự bóc và nhẩn nha nếm chiếc kẹo lạc. Ngồi trong yên ả, thanh bình, thấy cuộc sống dường như trôi chậm lại. Nơi này dường không thứ gì chuyển động, không thứ gì vội vã. Có chăng là bóng dáng của đôi thanh niên người Âu lưng đeo ba lô chậm rãi đạp xe qua những rơm rạ. Họ đi khắp làng bằng những chiếc xe đạp thuê giá rẻ từ một ngôi nhà cổ nào đó. Hẳn họ cũng như tôi, đang mải miết đi tìm và thưởng thức… vị làng.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-lang-97007.html