Vi khuẩn 'ăn thịt người' lại xuất hiện ở Nghệ An khiến 3 cháu bé nhập viện

Theo thống kê tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trong khoảng từ tháng 7/2019-9/2019 bệnh viện này đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Melioidosis, (hay bệnh Whitmore - vi khuẩn 'ăn thịt người').

 3 cháu bé mắc chứng bệnh Melioidosis (hay còn gọi là Whitmore - vi khuẩn 'ăn thịt người' điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (Ảnh. BVSN)

3 cháu bé mắc chứng bệnh Melioidosis (hay còn gọi là Whitmore - vi khuẩn 'ăn thịt người' điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (Ảnh. BVSN)

Cả 3 cháu bé đều nhập viện trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, đến viện bệnh tình đã nặng vì cứ điều trị tại nhà giống quai bị; nhưng khi được các bác sỹ cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với whitmore.

Sau khi điều trị gần 2 tháng tại đây, cháu: Nghiêm Thanh T. (14 tuổi, quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã được xuất viện về nhà. Còn cháu Hoàng Văn C. (10 tuổi, trú ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công H. (11 tuổi, trú ở huyện Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai Mũi họng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An): Melioidosis, hay bệnh Whitmore, là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas pseudomallei) gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50% - 60%.

Vi khuẩn Whitmore rất nguy hiểm, chưa có vắc xin tiêm phòng.

Trước đó, vào ngày 9/9, ông Đặng Xuân H. (SN 1958, trú tại trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng bị sốt cao kéo dài, ngón thứ hai của bàn chân phải có khối Abcees sưng, nóng...

Ngay sau đó, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã chỉ định lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).

Mặc dù được điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp, nhưng bệnh nhân đáp ứng chậm, vẫn sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng. Do vậy, bệnh viện đã tiến hành làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Hiện nay, Whitmore là căn bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng nên người bệnh không được chủ quan, lơ là trong việc phòng, tránh bệnh.

Bảo Trâm

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phat-hien-3-chau-be-o-nghe-an-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-chua-co-thuoc-chua-post313012.info