Vị hổ tướng lấy đùi làm gối cho vua ngủ

Công nghiệp của ông để lại, được Đại Nam liệt truyện đúc kết là vẹn toàn: 'Cai trị ba trấn lớn, đức nghiệp, công lao, danh vọng, các bầy tôi không sánh được'.

Diễn ra ngày 4/10, Hội thảo khoa học “Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức: Nhân vật - Võ nghiệp và di sản” thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lịch sử về nhân vật được vua Nguyễn ban quốc tính.

Đánh giá, tôn vinh vị hổ tướng

Hội thảo với sự đồng tổ chức của khoa Văn hóa học, Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng thuộc trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) phối hợp cùng Viện Lịch sử dòng họ và môn phái Nam Huỳnh Đạo tổ chức tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo chia sẻ của PGS.TS Mạc Đường - Chủ tịch Hội đồng Viện Lịch sử dòng họ, thành viên ban Chủ tọa hội thảo, thì hội thảo góp phần tìm hiểu đóng góp của tướng Nguyễn Huỳnh Đức với nhà Nguyễn, với nhân dân cùng phong cách nhân văn, thượng võ của ông và những tinh hoa của vị tướng còn để lại cho đời.

Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo. Ảnh: Đình Ba.

Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo. Ảnh: Đình Ba.

Sự kiện đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử, dòng họ tướng Nguyễn Huỳnh Đức và sinh viên ngành lịch sử, văn hóa tham dự. Với 40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, hội thảo tập trung tìm hiểu hai vấn đề: Về thân thế và võ nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức; di sản để lại của vị tướng và sự kế thừa của hậu thế. Cũng tại hội thảo, ấn phẩm khoa học Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức: Nhân vật - Võ nghiệp và di sản được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Qua phần trình bày của các đại biểu tham dự, các phiên thảo luận sôi nổi, hội thảo góp phần làm rõ hành trạng, xuất thân, quê quán của tướng Nguyễn Huỳnh Đức, người có chân trong “Gia Định ngũ hổ tướng” thời Nguyễn, sánh vai cùng những tên tuổi lẫy lừng Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn và được người đời xưng tụng là “hổ tướng”. Ông là vị tướng góp công lớn trong công cuộc lập nên vương triều nhà Nguyễn, nổi bật với các phẩm chất trung, dũng, nghĩa… mà như GS.Võ Văn Sen chia sẻ là “Nguyễn Huỳnh Đức nổi bật lên như một võ tướng có tài thao lược, trung thành và trọng lễ nghĩa. Ông có cái uy dũng của một võ tướng, cái thâm trầm của nhà chính trị”. Khi đất nước thái bình, ông là vị công thần duy nhất được trao giữ chức vụ Tổng trấn thay vua trấn trị ở cả Bắc thành và Gia Định thành trong những quãng thời gian khác nhau. Đây là vị tướng có sự vẹn toàn cả trong thời loạn và trong thời bình của nhà Nguyễn.

Đại diện môn phái Nam Huỳnh Đạo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đình Ba.

Đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu về “di sản và sự kế thừa” của đời sau đối với vị Tiền quân, hội thảo tập trung tìm hiểu, làm rõ di sản võ đạo của vị võ tướng được truyền đến ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng ông ở quê nhà cùng với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lăng mộ, đền thờ của ông tại quê hương Long An.

Theo chương trình của ban tổ chức hội thảo, sau ngày hội thảo 4/10, đến ngày 6/10 (mùng 8 tháng Chín âm lịch) lễ giỗ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức sẽ được gia tộc tổ chức tại lăng Tiền quân thuộc khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An với sự tham gia của các đại biểu tham dự hội thảo thể hiện sự tri ân đối với vị võ tướng.

Một đời sự nghiệp toàn vẹn

Tiểu sử, sự nghiệp của hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức được Quốc sử quán nhà Nguyễn ghi chép lại trong Đại Nam thực lục hòa vào dòng chảy chung của sử nhà Nguyễn, đồng thời để lại tường tận trong Đại Nam liệt truyện.

Theo đó, Nguyễn Huỳnh Đức vốn họ Hoàng, là Hoàng Công Đức, sau được vua Gia Long ban quốc tính thành Nguyễn Huỳnh Đức. Vốn dòng dõi con nhà võ, cha và ông đều theo đường binh nghiệp. Nguyễn Huỳnh Đức có tiếng là có sức khỏe, dũng mãnh hơn người, sau được xưng tụng là hổ tướng.

Sách Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức: Nhân vật - Võ nghiệp và di sản. Ảnh: Đình Ba.

Trước khi nhà Nguyễn được lập, ông phò chúa Nguyễn Ánh, nhiều phen kịch chiến với quân Tây Sơn, có lần ngựa vua sa xuống bùn lầy, ông một mình vực vua lên bờ thúc ngựa thoát khỏi kẻ thù truy đuổi. Lại có lần lấy đùi làm gối cho chúa yên giấc nên được khen là kẻ trung quân. Ông từng bị Tây Sơn Nguyễn Huệ bắt làm tù binh, hậu đãi để dụ hàng nhưng không theo, vua Xiêm từng giữ lại để ban chức tước nhưng vẫn tìm đường về với chủ.

Trong đời làm tướng, ông tham gia nhiều trận đánh quan trọng như đem quân giải vây cho Lê Văn Quân (Canh Tuất - 1790), lúc tiến đánh Thị Nại (Nhâm Tý - 1792), khi đánh Quảng Nam (Bính Thìn - 1796)…

Bức họa Nguyễn Huỳnh Đức trong đền thờ ông tại Long An. Ảnh: Đỗ Minh Tiến.

Đất nước thống nhất, nhà Nguyễn được lập, năm Canh Ngọ (1810), ông được giao làm Tổng trấn Bắc thành, đến tháng Giêng năm Bính Tý (1816) lại được giao làm Tổng trấn Gia Định thành. Đây là trường hợp hiếm được vua giao giữ chức vụ cao buổi đầu đất nước, cần tài đảm lược, mà lại liên tiếp ở hai đầu đất nước. Phải là người có đủ năng lực, uy tín cũng như được vua tin tưởng ở lòng trung thành thì mới có thể giữ được trọng trách cao đến thế.

Công nghiệp của ông để lại, được Đại Nam liệt truyện đúc kết là vẹn toàn: “Sau khi đại định cai trị ba trấn lớn, đức nghiệp, công lao, danh vọng, các bày tôi không sánh được”.

Trần B.A

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-ho-tuong-lay-dui-lam-goi-cho-vua-ngu-post997831.html