Ví điện tử: Hạn mức giao dịch bao nhiêu là phù hợp?

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tạo điều kiện cho các dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố kiểm soát của cơ quan quản lý.

Đây là ý kiến của ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNH) liên quan đến dự thảo Thông tư về dịch vụ TGTT.

Tạo điều kiện cho các dịch vụ TGTT phát triển

Thông tin từ NHNN, hiện cả nước có 29 đơn vị TGTT. Doanh nghiệp có số lượng giao dịch lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch. Các giao dịch qua ví điện tử thông thường chỉ xoay quanh con số 200.000 đồng, giá trị bình quân lớn nhất chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đây là con số rất tiềm năng bởi với cơ cấu dân số trẻ, 55% sử dụng điện thoại smart phone, thương mại điện tử dự kiến tăng trưởng 20- 22% trong 3 năm tới.

Nhận định về thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam, ông Lực cho biết, mặc dù tiền mặt tổng phương tiện thanh toán trong năm 2018 giảm xuống chỉ còn 11,6% (từ 12,1% năm 2014 - 2015, xuống mức 12% năm 2016 và 11,9% năm 2017) nhưng tiền mặt/GDP lại có xu hướng tăng (từ 13,3% năm 2011 lên 15,9% năm 2014, 17,3% năm 2015, 18,9% năm 2016, 19,5%, năm 2017 và 18,9% năm 2018). Đặc biệt, so với các nước trong khu vực, con số này là một khoảng cách xa (Thái Lan 12,6%, Philippines 7,5%, Malaysia 7,7%, Indonesia 4,1%, Trung Quốc 9,2%, Hàn Quốc 5,9%...).

Tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán của chúng ta chỉ 11,6% nhưng thực tế tiền mặt luân chuyển trong nền kinh tế rất lớn. Mua hàng online nhưng thanh toán thì vẫn bằng tiền mặt…”, ông Lực lưu ý và cho rằng phải có cách tiếp cận mở để tạo điều kiện cho các dịch vụ TGTT phát triển nhưng phải dung hòa giữa kiến tạo và kiểm soát, quản lý.

Ví điện tử, mở nhưng có kiểm soát.

Đâu là hạn mức giao dịch phù hợp?

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT đưa ra lấy ý kiến ngày 10/5 đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về quy định hạn mức giao dịch của ví điện tử.

Theo dự thảo, tổng hạn mức giao dịch của ví điện tử của cá nhân tối đa 20 triệu đồng/ngày, 100 triệu đồng/tháng. Đối với ví điện tử của tổ chức, giới hạn này là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.

Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam (VAFI) - ông Phùng Anh Tuấn băn khoăn về căn cứ để NHNN đưa ra con số này. Theo ông, hạn mức này nên để thị trường quyết định và tốt nhất nên không quy định.

Bà Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ trực tuyến ví MoMo cho biết, từ năm 2018, giao dịch ở MoMo tăng mạnh, do đó, hạn mức 100 triệu đồng/tháng khả năng sẽ không phù hợp và đề nghị tăng lên để chuẩn bị cho tương lai. Riêng đối với ví điện tử của tổ chức không nên quy định bởi có những tổ chức có nhu cầu chi cho nhân viên, các đối tác lớn, quy định hạn mức sẽ hạn chế các tổ chức có thêm khách hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thanh Hưng đưa ra một con số ước lượng 75% giao dịch hiện nay thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán điện tử chỉ khoảng 25%. Do vậy, các quy định cần phải tạo điều kiện cho thanh toán điện tử phát triển. Hạn mức thanh toán có thể thay đổi rất nhanh, thực tế có trường hợp cả năm không giao dịch gì nhưng khi có nhu cầu đi du lịch chẳng hạn, thanh toán 120 triệu cho 4 người trong 1 gia đình thì lại vượt ngưỡng. “Vì vậy, NHNN nên nghiên cứu, có thể khi mở ví điện tử, nên để các công ty đặt ngưỡng 100 triệu đồng, nhưng cá nhân nào có nhu cầu cao hơn vẫn mở và có cơ chế giám sát, quản lý…”, ông Hưng đề xuất.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, giới hạn 100 triệu đồng/ngày cần phải nâng lên 150 - 200 triệu đồng vì thu nhập bình quân đã tăng.

Phản hồi lại đề xuất của doanh nghiệp, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, bày tỏ quan điểm cá nhân của ông là không muốn đặt hạn mức thanh toán theo ngày nhưng mức thanh toán tối đa theo tháng là 100 triệu đồng là cần thiết và phù hợp, bởi theo ông, rất ít cá nhân tiêu hết 100 triệu đồng/tháng qua ví nên doanh nghiệp TGTT cũng “đừng quá lo lắng” vì hiện bình quân giá trị thanh toán của cá nhân qua ví chỉ 5 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nói thêm rằng, hạn mức này nếu không phù hợp thì có thể được sửa đổi “sau 5 năm nữa”.

Theo đại diện NHNN, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN có nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung làm rõ quy định về đảm bảo khả năng thanh toán, hoạt động cung ứng ví điện tử, đặc biệt quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử. Thông tư này dự kiến ban hành vào cuối quý 2 năm nay nhằm góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển dịch vụ TGTT.

P.V

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/vi-dien-tu-han-muc-giao-dich-bao-nhieu-la-phu-hop-post27872.html