Vì đâu 'sức nóng' của PME lan tỏa trên thị trường?

Ngày 08/11, 65 triệu cổ phiếu của CTCP Pymepharco (HOSE:PME) đã chính thức được giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu là 68.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên sàn, cổ phiếu này tăng 12,75% đóng cửa ở mức 92.000 đồng/CP vào ngày 10/11. Vậy nguyên nhân nào giúp PME hấp dẫn các nhà đầu tư?

Cổ phiếu PME tăng 12,75% đóng cửa ở mức 92.000 đồng/CP vào ngày 10/11.

Theo báo cáo tài chính quý 3, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của PME đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, giá vốn hàng bán của PME trong kỳ rất thấp, chỉ 624 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp này khá cao, ổn định ở mức gần 48%.

Điều đáng lưu ý là PME không có khoản nợ và vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn nào, mà chỉ có các khoản nợ phải trả người bán, phải trả người lao động, nợ thuế,… Tổng số nợ phải trả của PME đến cuối tháng 9 là gần 322 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này khá lớn, khoảng 1.538 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của PME chỉ 0,2 lần.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, PME đạt lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, hoàn thành được 74% kế hoạch lợi nhuận và 76% kế hoạch doanh thu.

Theo KIS Việt Nam, động lực ngành dược phẩm nội địa vẫn hấp dẫn trong hơn 20 năm tới, với bức tranh cơ cấu dân số già hóa, chi tiêu thuốc/đầu người còn thấp, tình trạng phụ thuộc thuốc nhập khẩu trong kênh ETC và lĩnh vực điều trị bằng thuốc biệt dược nội địa chưa được khai phá. PME được đánh giá về quy mô và công nghệ nằm trong top 2 ngành dược Việt Nam, chỉ đứng sau CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG).

Kết quả kinh doanh khả quan, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều hàng năm, tình hình tài chính lành mạnh (không nợ vay, lượng tiền mặt ròng 500 tỷ) cùng với triển vọng của ngành sáng sủa, là những nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư đã ồ ạt mua vào cổ phiếu PME ngay sau khi lên sàn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro cả về mặt chính sách lẫn thị trường. Cụ thể là, nếu Dự thảo Thông tư đấu thầu ETC không được thông qua hoặc sửa đổi, bổ sung theo hướng khác, thì PME sẽ gặp cạnh tranh rất lớn đối với các loại thuốc đầu thầu theo tiêu chuẩn EU-GMP từ Imexpharm (IMP) hay tiêu chuẩn PIC-S từ các đối thủ như Bidiphar (DBD) và Dược Hậu Giang (DHG).

Bên cạnh đó, phân xưởng bột pha tiêm Cephalosporin của PME tạm dừng hoạt động để thanh tra trước khi cấp chứng nhận EU-GMP.

Trong khi đó, PME đã từng bị Thanh tra Chính phủ điều tra nguồn gốc nguyên vật liệu thuốc Tamiflu vào năm 2014. Nếu doanh nghiệp này không quan tâm đến vấn đề này, mà tiếp tục bị thanh tra sẽ ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp này đã cạn room ngoại khi tỷ lệ room cho nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 49%. Vì vậy, nếu doanh nghiệp này không có kế hoạch nới room, thì sẽ không thúc đẩy được giao dịch của khối ngoại trên thị trường.

Với tình hình tài chính cũng như triển vọng hiện nay của PME, giá cổ phiếu này có thể sẽ tiếp tục tăng trong những phiên giao dịch sắp tới, có thể sớm vượt mức 100.000đ/CP. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần cận trọng với những rủi ro nói trên đối với PME.

Hòa Bình

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vi-dau-suc-nong-cua-pme-lan-toa-tren-thi-truong-119941.html