Vì đâu phim Hàn phủ sóng khắp châu Á?

Không phải ngẫu nhiên mà phim Hàn có được vị thế như hôm nay - oanh tạc khắp châu Á, 'vượt mặt' cả hai 'ông lớn' Trung Quốc và Nhật Bản. Điều đó xuất phát từ chiến lược mang tầm quốc gia của Chính phủ Hàn Quốc với hàng loạt các chính sách dài hơi về đào tạo con người, chủ trương đưa hình ảnh đất nước và những giá trị cốt lõi trong văn hóa Hàn Quốc vào phim để quảng bá hình ảnh quốc gia.

Phim “Mối tình đầu” từng gây sốt trên màn ảnh nhỏ những năm 90 của thế kỷ trước. Ảnh: TL

Phim “Mối tình đầu” từng gây sốt trên màn ảnh nhỏ những năm 90 của thế kỷ trước. Ảnh: TL

Ba yếu tố làm nên bước phát triển thần kỳ của phim Hàn

Với việc thực hiện chính sách này từ những năm 90 của thế kỷ trước, cho đến nay, những gì đang hiện hữu đã chứng tỏ hướng đi này của Hàn Quốc không chỉ làm thay đổi bộ mặt phim ảnh mà còn mang lại nguồn lợi khổng lồ cho xứ sở kim chi.

Trước khi tạo nên làn sóng thần kỳ này, Hàn Quốc được coi là "vùng trũng" về phim ảnh. Rạp chiếu đa phần là phim Mỹ, trong khi đó, phim nội địa chỉ sản xuất với số lượng èo uột, chừng cỡ hơn chục phim một năm. Phim truyền hình thì tràn ngập chưởng bộ, phim xã hội đen, tình cảm của Hồng Kông (Trung Quốc).

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi đến giữa thập niên 90, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc nhậm chức. Vốn xuất thân là một người làm điện ảnh, người đứng đầu Bộ Văn hóa đã đệ trình lên Chính phủ dự án cải tổ điện ảnh toàn diện, coi đây là công cụ quảng bá hình ảnh "con rồng châu Á" Hàn Quốc với thị trường thế giới. Ngay lập tức bản đệ trình đã được Chính phủ chấp thuận và đưa nó trở thành một trong những vấn đề quan trọng cần cải tổ cấp bách.

Có ba yếu tố chủ chốt làm nên bước tiến thần tốc của phim ảnh Hàn Quốc. Đó là: Sự đầu tư về con người; huy động sự hợp tác của các tập đoàn kinh tế lớn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các cụm rạp, trường quay hiện đại; chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành quy định ít nhất 80% chương trình truyền hình phải do trong nước sản xuất và định hạn ngạch chương trình trong nước đối với các nhà đài; quy định tỉ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn phim nhập tại các rạp chiếu; giám sát chặt chẽ việc nhập phim; giảm thuế và các chi phí sản xuất cho phim nội địa... Điều này đã giúp các nhà sản xuất truyền hình Hàn Quốc có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước.

Ngoài những chính sách từ Chính phủ, sở dĩ chỉ trong vòng 5-10 năm, phim ảnh Hàn Quốc tạo nên bước nhảy thần kỳ còn ở việc lấy chính mô hình của Mỹ để áp dụng. Chuyên nghiệp hóa tất cả các công đoạn sản xuất phim, từ những vấn đề lớn nhất cho đến nhỏ nhất như thiết kế poster, phát hành. Vừa tận dụng tinh hoa có sẵn, vừa áp dụng một cách nhanh chóng mà không phải mất quá nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm.

Để học theo mô hình Mỹ, hàng nghìn sinh viên Hàn Quốc đã được chọn để đưa sang Hollywood đào tạo về đạo diễn, diễn viên, phục trang, đạo cụ... Chính sách, con người, hạ tầng cơ sở được thiết lập đồng bộ, bước nhảy thần kỳ của điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu.

Hệ thống kiểm duyệt điện ảnh của Hàn Quốc rất thông thoáng. Họ áp dụng hình thức phân loại phim như của Mỹ. Điều này tạo điều kiện cho các nhà làm phim cơ hội sáng tạo, giúp cho điện ảnh Hàn Quốc luôn đa dạng, phong phú về đề tài cũng như thủ pháp thể hiện.

Vấn đề con người vẫn là then chốt

Nhưng trên hết, với khán giả, để tạo nên sức hấp dẫn phải bắt nguồn từ yếu tố nội tại, tức là chất lượng phim và khả năng diễn xuất của diễn viên.

Năm 1992, những bộ phim như: "Cảm xúc", "Mối tình đầu", "Anh em nhà bác sĩ", "Yumi - Tình yêu của tôi"... với lối làm phim hiện đại, tuyển chọn những diễn viên trẻ đẹp để mang lại giá trị thị giác ngay lập tức cho người xem đã nhanh chóng tạo nên trào lưu rộng khắp.

Về nội dung, chủ trương của Hàn Quốc cũng chú trọng vào việc phát triển các chủ đề liên quan đến các giá trị cốt lõi về văn hóa, truyền thống căn bản của Hàn Quốc. Có thể thấy, nhiều năm qua, phim Hàn đều khai thác các vấn đề muôn thuở như tình yêu, hạnh phúc gia đình… nhưng đổi mới trong cách thức thể hiện chủ đề và liên tục tạo ra lứa diễn viên mới để thay đổi khẩu vị cho khán giả.

Hơn nữa, việc khai thác các câu chuyện liên quan đến đời sống gia đình - vốn là nét văn hóa chủ đạo của người châu Á đã dễ dàng tiếp cận khán giả ở nhiều quốc gia khác nhau mà phim đi qua. Không những thế, chủ trương này còn nhằm thể hiện những thông điệp về hình ảnh, con người Hàn Quốc, luôn trân trọng và đề cao giá trị cốt lõi là truyền thống gia đình. Sau một thời gian dài chiếm lĩnh của những ân oán tình thù trong các dòng phim chưởng Hồng Kông (Trung Quốc), giờ đây, những bộ phim có đề tài nhẹ nhàng, gần gũi, dễ xem đã thiết lập nên một gu thưởng thức mới cho khán giả. Những yếu tố trợ giúp về thị giác như kỹ thuật quay, bối cảnh đẹp, đa dạng cũng mang lại hiệu quả kép cho kinh tế nước này.

Từ thành công trong nước, Hàn Quốc bắt đầu "xuất quân" ra khu vực châu Á và tạo nên trào lưu Hallyu (Hàn lưu). Thuật ngữ Hallyu được dùng để miêu tả sự phát triển nhanh chóng của làng giải trí Hàn Quốc và văn hóa Hàn Quốc kéo theo nó. Thành công đầu tiên của phim Hàn Quốc, cũng là của Hallyu phải kể đến là "Bản tình ca mùa đông", phát sóng trên truyền hình Nhật Bản năm 2003 với sự tham gia của 2 diễn viên hàng đầu Hàn Quốc lúc bấy giờ là Bae Yong Joon và Choi Ji Woo.

Theo sau "Bản tình ca mùa đông", hàng trăm bộ phim Hàn Quốc đã ra đời và chiếm lĩnh thị phần ở khắp châu Á, như: "Trái tim mùa thu", "Hương mùa hè"… và cho đến gần đây nhất là "Hậu duệ mặt trời", "Những người thừa kế". Chỉ riêng "Những người thừa kế" đã thu hút hơn một tỉ lượt xem trên Youku - trang dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc. Cùng với phim, dàn diễn viên chính cũng nổi danh khắp các nước mà phim đi qua. Họ cũng chính là những sứ giả truyền bá du lịch, văn hóa hiệu quả. Người Nhật Bản và Trung Quốc vốn luôn xếp mình ở "chiếu trên" với Hàn Quốc thì bây giờ đã thay đổi cách nhìn về phim truyền hình của nước này. Thành công của các nhà làm phim Hàn Quốc đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng để các nước, trong đó có Việt Nam phải học hỏi, tìm hiểu và chấp nhận bị ảnh hưởng.

Sự phát triển của nền công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc không chỉ mang lại bức tranh tươi sáng cho văn hóa Hàn mà còn kéo theo đó những nguồn thu khổng lồ từ thời trang, mỹ phẩm và nhất là du lịch.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/vi-dau-phim-han-phu-song-khap-chau-a-2020021919072511.htm