Vì đâu ông Trump được cử tri Mỹ trao cơ hội thứ 2?

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024 của ông Trump là sự kết hợp giữa hài kịch, hoài nghi, giận dữ, đen tối và lạc quan. Nhờ đó, rất nhiều cử tri cảm thấy cựu tổng thống thấu hiểu họ.

Các chuyên gia sẽ không ngừng phân tích về chiến thắng của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Nhiều người Mỹ thức dậy vào sáng 6/11 và sửng sốt khi ông Trump một lần nữa giành chiến thắng. Theo New York Times, không còn nghi ngờ gì nữa, cựu tổng thống là một chiến lược gia tài năng.

Trong lần tranh cử tổng thống thứ 3, chiến dịch của ông Trump kết hợp giữa hài kịch, hoài nghi, giận dữ, đen tối và lạc quan. Ông là chuyên gia truyền thông, có thể biến mối nguy về mặt pháp lý và tính mạng thành huyền thoại về bản thân. Không chỉ giữ chân những người ủng hộ cũ, ông còn thuyết phục được cả những cử tri mới.

Những người từ đủ mọi tầng lớp tham dự các sự kiện của ông Trump. Những bà mẹ ở ngoại ô Washington, D.C. Quân nhân ở Detroit. Người theo đạo Tin lành ở nam Florida. Người chơi Bitcoin ở Nashville. Lính cứu hỏa ở hạ Manhattan.

Rất nhiều cử tri tìm cách bác bỏ hoặc hợp lý hóa mọi tranh cãi đang xoay quanh cựu tổng thống. Họ nhìn thấy ở ông mọi điều họ muốn thấy, đồng thời tin rằng sau ngần ấy năm, họ hiểu ông, và ông cũng hiểu họ.

Biến nguy thành cơ

"Ông ấy hiểu chúng tôi", một nông dân chia sẻ hồi tháng 9 ở Smithton, Pennsylvania. Tại sao một người đàn ông sinh ra trong một gia đình khá giả và nhà trang trí bằng vàng trên Đại lộ số 5 có thể thấu hiểu cuộc sống của người phụ nữ này chứ? Nhưng đây là điều nhiều cử tri ở rất nhiều nơi cảm nhận được từ ông Trump.

Người nông dân chia sẻ điều này khi đứng trong một nhà kho, còn ông Trump cách đó không xa, ngồi trên một chiếc bàn gỗ lớn. Đằng sau cựu tổng thống là những kiện cỏ khô xếp chồng lên nhau và một chiếc máy kéo. Ông dẫn dắt cuộc thảo luận về chi phí hạt giống, phân bón và thức ăn chăn nuôi. Nhiều người nông dân gật gù đồng tình khi ông nhắc tới chi phí tăng cao do lạm phát.

“Tôi cảm thấy rất thoải mái với những người nông dân”, ông nói. Và họ cũng cảm thấy rất thoải mái với ông.

 Ông Trump luôn biết cách quảng bá hình ảnh bản thân trong mọi tình huống. Ảnh: New York Times.

Ông Trump luôn biết cách quảng bá hình ảnh bản thân trong mọi tình huống. Ảnh: New York Times.

Nhiều người bắt đầu quan tâm sâu sắc tới ông Trump sau vụ ám sát hụt ở Butler, Pennsylvania hồi tháng 7. Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập Facebook - ca ngợi cách ông Trump bật dậy và hét lên “Chiến đấu!” là “một trong những điều ngầu nhất” ông từng chứng kiến. Nhiều người đồng tình với điều này.

Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong hình ảnh của ông Trump. Trước đây, ông chỉ từng đóng phim, diễn xuất hình ảnh mạnh mẽ. Lần này, cựu tổng thống thực sự thể hiện tinh thần này, khiến nhiều người Mỹ coi ông là biểu tượng pha trộn giữa Rambo (nhân vật hành động nổi tiếng) và John Gotti (một tên tội phạm khét tiếng).

Họ chia sẻ các ảnh chế và mua áo thun in hình ông trong vụ ám sát hụt. Người Mỹ thích những nhân vật phản anh hùng và phim hành động. Và chiến dịch của ông Trump cũng không bỏ qua cơ hội nhấn vào hình ảnh “siêu ngầu” này. Trong lần ông Trump trở lại Butler vào tháng 10, ban tổ chức đã cho các cựu quân nhân nhảy dù xuống buổi vận động trong nền nhạc AC/DC.

Vụ ám sát hụt cũng kết nối ông Trump với chủ đề tâm linh. Trước đó, một số người có đức tin miễn cưỡng chấp nhận ông Trump. Hiện tại, họ coi việc ông sống sót là khoảnh khắc thiêng liêng, khi cựu tổng thống tình cờ nghiêng đầu và né lưỡi hái tử thần vào phút chót. Một tài xế lái xe buýt “chắc chắn 1.000%” ông Trump được Chúa chọn để đánh bại cái ác và và chiến thắng của ông đã được định sẵn. Bà không phải người duy nhất có suy nghĩ này.

Một lần nữa, ông Trump lại tận dụng cơ hội để giao tiếp với công chúng theo những cách mới. Trên mạng xã hội, ông đăng ảnh Tổng lãnh thiên thần Michael chiến đấu với quỷ dữ. Ông nói rất nhiều về máu và có những cử chỉ đạo đức như cúi đầu hôn lên mũ đồng phục của lính cứu hỏa thiệt mạng trong vụ xả súng trên sân khấu Đại hội đảng Cộng hòa. Các chuyên gia rất ngạc nhiên trước phong cách mới mẻ của ông Trump để thể hiện biểu tượng Cơ đốc giáo.

Hài kịch và hoài nghi

Hồi tháng 6, trong một buổi họp kín, ông Trump gọi Milwaukee, Wisconsin là “một thành phố khủng khiếp”. Song những gì giới truyền thông và đối thủ của cựu tổng thống coi là khoảnh khắc đáng hổ thẹn lại không được cử tri nào tham gia buổi mít tinh tại Racine chú ý.

Không ai cảm thấy bị xúc phạm hay ngạc nhiên khi ông nhắc tới khu vực đô thị của bang theo cách như vậy, bởi họ đồng tình và cho rằng ông đang muốn giúp cải thiện tình hình. Họ thường chỉ đọc cho vui về những tranh cãi xoay quanh phát ngôn của ông. Thông thường, sẽ có hai luồng ý kiến giữa cách truyền thông diễn giải những điều ông Trump nói và cách cử tri suy nghĩ.

Những phát ngôn lan man về cá mập bị điện giật, Hannibal Lecter, cá voi và cối xay gió bị một bộ phận công chúng và giới truyền thông coi là “điên rồ”. Song có một lý do khiến cựu tổng thống liên tục phát ngôn theo cách như vậy, không phải vì ông lẩm cẩm, mà vì công chúng thấy vui. Họ đã cười.

“Cần thái độ của một diễn viên hài khi làm nghề này”, ông Trump chia sẻ.

Hồi tháng 7, ông Trump xuất hiện tại một hội nghị về tiền điện tử ở trung tâm thành phố Nashville. Có rất nhiều người đàn ông còn đang băn khoăn về cựu tổng thống. Họ tự hỏi liệu ông Trump có nguy hiểm hay mất trí như một số người tuyên bố không?

Khi bài phát biểu bắt đầu, bầu không khí khá ngượng ngùng. Ông không biết nên nói thế nào với khán giả về công nghệ blockchain. “Hầu hết không biết blockchain là cái quái gì”, ông Trump nói, và khán giả bật cười. Sau khi sự kiện kết thúc, một số người chưa từng bỏ phiếu cho cựu tổng thống trước đây, nhưng tuyên bố họ sẽ chọn ông trong năm 2024.

Cũng trong ngày hôm đó, trước khi ông Trump xuất hiện, một diễn viên hài đã nói với đám đông rằng có lẽ ông “không đến nỗi tệ”, bởi cựu tổng thống có những đối thủ như giới truyền thông và các cơ quan tình báo. Quan điểm này được khán giả hưởng ứng nồng nhiệt.

Sự ghét bỏ với các thể chế ở Mỹ không hề bị cường điệu hóa. Khi cựu tổng thống tiếp tục đối đầu với các tòa án và truyền thông, hình ảnh của ông dần mang sắc thái “phản văn hóa”, thu hút cả những người trẻ vốn không phải cử tri truyền thống. Không chỉ là những thanh niên đại học hoặc đam mê thể thao như trước, giờ đây nhiều người từ các nhóm khác nhau bắt đầu xuất hiện tại các sự kiện của ông.

 Trong mắt nhiều người, ông Trump là người đại diện và đi đầu thách thức giới quyền lực truyền thống. Ảnh: New York Times.

Trong mắt nhiều người, ông Trump là người đại diện và đi đầu thách thức giới quyền lực truyền thống. Ảnh: New York Times.

Dù là một doanh nhân gần như mặc vest và đeo cà vạt mọi lúc - một phong cách vốn không phù hợp với hình ảnh phá cách, ông Trump vẫn thu hút và chào đón những người chỉ trích quan điểm chính thống của xã hội. Các sự kiện của ông bắt đầu khai thác những chủ đề mới lạ và sắc bén hơn, với những khách mời công kích các vấn đề trong xã hội. Thông điệp này đã kết nối với nhóm công chúng vốn nghi ngờ giới tinh hoa và thường tin vào các thuyết âm mưu.

Giận dữ, đen tối và lạc quan

Một số người thú nhận họ không hoàn toàn vui khi ông Trump trở thành ứng viên đảng Cộng hòa. Có người mong cựu tổng thống sẽ hành xử khác đi. Những cử tri lớn tuổi chia sẻ họ cảm thấy buồn khi ông Trump chế giếu tuổi tác của Tổng thống Joe Biden. Còn nhiều phụ nữ nhăn mặt trước các câu nói kỳ thị phụ nữ ông Trump đăng trên mạng về Phó tổng thống Kamala Harris.

Song nhìn chung, mọi người quan tâm hơn tới việc ông có thể làm gì. Họ vẫn bỏ phiếu cho ông bất chấp những tuyên bố “ghê tởm” và “thô tục”, không phải vì họ ủng hộ những câu nói đó.

Lòng căm thù và nỗi sợ hãi cũng là những nhân tố tác động mạnh mẽ, và chiến thuật gieo rắc nỗi sợ hãi của ông Trump đã được nâng lên một tầm cao mới trong chiến dịch này.

Nỗi sợ hãi thu hút sự quan tâm của dư luận. Hồi tháng 7, tại buổi vận động ở Charlotte, North Carolina, khi ông Trump phát biểu, nhiều người chăm chú lắng nghe. Mắt họ trợn lên và mặt méo xệch khi ông Trump nói về “những kẻ hiếp dâm trẻ em" và "những kẻ săn mồi khát máu". Không ai làm việc riêng khi ông mô tả chi tiết về “những phụ nữ trẻ bị người di cư hãm hại”.

Tuy nhiên, vẫn có những sự lạc quan tươi sáng với những cử tri muốn nghe điều đó. Hồi tháng 5, tại Bronx - một khu vực nghèo, cư dân phấn khích khi ông Trump nói về những thành tựu, và họ tin vào những điều ông nói. Cựu tổng thống khẳng định mong muốn một phần thành công đó cũng sẽ ảnh hưởng đến họ.

"Hãy nghĩ về tương lai, không phải về quá khứ, mà hãy học hỏi từ quá khứ", ông nói. "Ở mọi nơi tôi đặt chân đến, nếu tôi có thể xây dựng được một tòa nhà chọc trời ở Manhattan, tôi có thể làm bất cứ điều gì".

Người gốc Tây Ban Nha và da đen đã reo hò khi ông nói "không quan trọng bạn da đen, da nâu hay da trắng, hay bất kỳ màu da nào. Tất cả chúng ta đều là người Mỹ và chúng ta sẽ đoàn kết. Tất cả đều xứng đáng với cơ hội tốt đẹp hơn".

Vậy tuyên bố này liệu có xoa dịu được những bình luận phân biệt chủng tộc ở Madison Square Garden hồi tháng 10? Nhiều người suy đoán sự kiện tại New York sẽ làm mất lòng các cử tri da đen và gốc Tây Ban Nha. Trên thực tế, ông đạt số lượng cử tri lớn hơn bao giờ hết trên khắp thành phố. Sự dịch chuyển đặc biệt đáng chú ý ở Queens, Brooklyn và Bronx.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-dau-ong-trump-duoc-cu-tri-my-trao-co-hoi-thu-2-post1509509.html