Vì đâu ông Putin mở lời xin lỗi Tổng thống Serbia?

Sự cố ngoại giao đến từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải lên tiếng xin lỗi.

Hôm 11/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời xin lỗi cá nhân tới Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic sau một bài đăng được cho là khiếm nhã của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Bức ảnh chụp Tổng thống Serbia khi tới thăm Nhà Trắng.

Bức ảnh chụp Tổng thống Serbia khi tới thăm Nhà Trắng.

Một cảnh thẩm vấn trong phim Bản năng gốc.

Theo Euro News, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi lời xin lỗi tới Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic vì một bài đăng được cho là khiếm nhã của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đối với nhà lãnh đạo Serbia.

Tổng thống Vucic cho biết Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gửi lời xin lỗi cá nhân tới ông sau bài đăng của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga.

"Tổng thống Putin chưa từng xin lỗi tôi về bất cứ chuyện gì, ngay cả ông Sergei Lavrov cũng vậy, nhưng sau bài đăng này, cả hai đều đã xin lỗi, cho dù tôi thậm chí không đề cập đến chủ đề ấy, và với tư cách một người lịch sự, tôi sẽ không bao giờ đề cập đến chuyện đó" - ông Vucic cho biết.

Nhà lãnh đạo Serbia khẳng định bài đăng của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga chỉ là "một sự cố nhỏ đã qua và hoàn toàn không phải vấn đề quan trọng".

Vụ việc bắt đầu từ ngày 6/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đăng lên Facebook cá nhân 2 bức ảnh. Một là hình ảnh chụp Tổng thống Vucic ngồi trong chuyến thăm Nhà Trắng. Đi kèm với bức ảnh là cảnh nữ diễn viên người Mỹ Sharon Stone đang bị cảnh sát thẩm vấn trong bộ phim “Bản năng gốc” (Basic Instinct) sản xuất năm 1992.

Trong cảnh quay này, cô Stone mặc chiếc váy trắng cực ngắn và ngồi bắt chéo chân. Tư thế gợi cảm đó đã khiến các viên thanh tra không thể tập trung xét hỏi.

Bà Zakharova chế nhạo rằng nếu được mời đến Nhà Trắng mà ngồi vị trí giống như đang được thẩm vấn, thì hãy ngồi bắt chéo chân tự tin và gợi cảm như diễn viên Stone.

"Nếu được mời tới Nhà Trắng mà ghế của bạn được xếp như thể đang bị thẩm vấn, hãy ngồi theo cách của hình số 2, bất kể bạn là ai đi nữa. Hãy tin tôi" - bà Zakharova viết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga sau đó đã lên tiếng xin lỗi về bài đăng này. Bà Zakharova nói chỉ muốn chỉ trích "thái độ kiêu ngạo" của chính quyền Mỹ.

Dù ông Vucic nói rằng ông chưa từng đề cập đến vấn đề này nhưng cùng ngày bài đăng của bà Zakharova được đăng tải, ông Vucic đã đáp lại lời chế giễu trên, chỉ trích lời nói của nhà ngoại giao Nga thể hiện sự “nguyên thủy và thô lỗ” của chính quyền Moscow, theo SCMP.

Tuy nhiên, sự cố ngoại giao khi đó không được đánh giá làm trầm trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Trong một thông cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia - ông Aleksandar Vulin cho rằng hẳn là những kẻ thù của Serbia và Nga đang rất hả hê trước lời đùa ác ý của bà Zakharova.

Cũng trong ngày 6/8, phía Serbia cũng cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov - cấp trên của bà Zakharova đã nói chuyện với ông Vucic và nhấn mạnh “mối quan hệ thân thiết và chân thành” giữa Nga và Serbia.

Sau đó, Tổng thống Vucic cho biết khi ở Washington ông đã cố gắng bảo vệ mối quan hệ chặt chẽ giữa Serbia với Nga. Trong đó có việc ông từ chối theo phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow về những vấn đề ở Ukraine.

Việc cả Tổng thống Nga và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đều xin lỗi Tổng thống Serbia vì sự cố ngoại giao được đánh giá là không quá trầm trọng đã gây chú ý.

Trước đó từng xảy ra một vụ việc khác được cho là ảnh hưởng đến quan hệ của hai nước, được chính Tổng thống Vucic công bố. Theo đó, ông Vucic tiết lộ rằng các lực lượng an ninh của Serbia đã phát hiện ra Nga từng cố xâm nhập vào quân đội Serbia.

Sự cố ngoại giao buộc Tổng thống Putin nói lời xin lỗi

Dẫu tin tức này không lấy gì làm tích cực cho quan hệ song phương, Tổng thống Serbia đã cho rằng, "chúng tôi sẽ không thay đổi chính sách của mình đối với Nga – nơi chúng tôi coi là một quốc gia anh em và thân thiện. Câu nói này cho thấy ông Vucic muốn giữ quan hệ Nga - Serbia gần gũi trong bối cảnh quan hệ sâu sắc giữa Moscow và Belgrade vẫn đang được thúc đẩy".

Giới quan sát chú ý tới quan hệ giữa Nga và Serbia khiến cả hai vị Tổng thống đều chân thành và phản ứng tích cực trong những sự cố như vừa qua.

Kể từ năm 2014, khi Đảng Tiến bộ của ông Vucic lên nắm quyền tại Serbia, Nga đã đưa ra nhiều ưu đãi kinh tế và quân sự để tăng cường quan hệ với Serbia. Ông Vucic gần đây cũng đã ký một hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), khối thương mại nhằm củng cố sức ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu và Trung Á và cũng là để tránh khỏi sự ảnh hưởng của EU.

Ngoài ra hai nước cũng có hợp tác về năng lượng. Nhánh thứ hai trong dự án đường ống dẫn khí TurkStream của Gazprom sẽ bắt đầu xây dựng đi qua Serbia vào cuối năm 2019. Chính sách năng lượng là công cụ chính nhằm gia tăng ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và đường ống Turkstream sẽ củng cố thêm vị thế năng lượng hàng đầu của Nga ở Đông Âu và Balkan.

Serbia đã phụ thuộc vào Moscow về khí đốt tự nhiên và công ty dầu mỏ lớn nhất của họ, Naftna Industrija Srbije cũng có đa số cổ phần dưới tên Gazprom.

Serbia và Nga, cả hai nước Slavic và theo Chính thống giáo, cũng đã tăng cường hợp tác quân sự. Hai nước chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận quân sự chung thường niên"Anh em Slavic 2020" tại Belarus. Năm ngoái, cuộc tập trận diễn ra tại Serbia, chứng kiến lần đầu tiên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong hoạt động huấn luyện bên ngoài nước Nga. Serbia cũng đã mua máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và xe tăng MiG-29 của Nga trong vài năm qua.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-dau-ong-putin-mo-loi-xin-loi-tong-thong-serbia-3418857/