Vì đâu nhiều hãng kinh doanh gas nước ngoài rút khỏi Việt Nam?

Theo nhận định của các chuyên gia, việc gian lận trong kinh doanh khí gas đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh thị trường này tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiêp gas nước ngoài lần lượt rời khỏi Việt Nam trong nhiều năm qua

Nhìn nhận về thị trường gas tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá đây đã và đang là một thị trường hết sức tiềm năng bởi lẽ từ nhiều năm về trước, nhiều tập đoàn nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để đầu tư.

Ngoài ra, việc cạnh tranh một cách gay gắt từ trước đến nay cũng được vị chuyên gia này nhìn nhận như một tình huống không thể tránh khỏi bởi nguồn lợi lớn thu về từ thị trường gần 100 triệu dân.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh trên thị trường gas ở Việt Nam những năm vừa qua lại diễn ra theo hướng không mấy tích cực, một phần dẫn đến hậu quả là các ông lớn ngành gas trong nước và quốc tế như Mobil Unique Gas, Up Gas, Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas đều lần lượt thu nhỏ quy mô hoặc rút khỏi Việt Nam.

Tất nhiên, ở một khía cạnh khác cũng phải nhìn nhận, việc rời khỏi Việt Nam là một trong những chiến lược kinh doanh riêng của một số đại gia ngành gas trên thế giới.

Theo ông Trần Trọng Hữu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Gas Việt Nam, vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau.

Ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Gas Việt Nam.

Thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường.

Ông Hữu cho rằng những hành vi này sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và ảnh hưởng nguồn thu của Nhà nước.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào bình gas, đăng ký nhãn hiệu, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa... và phải chịu trách nhiệm về an toàn khi bình gas được đưa vào sử dụng tại các hộ gia đình. Trong khi đó, người vi phạm thu lợi bất chính mà không phải chịu các khoản phí đầu tư.

Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh khí gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas của thương nhân chủ sở hữu bình... của các cơ quan chức năng thời gian qua được đánh giá đã đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường.

Tuy nhiên, ông Hữu thừa nhận, vấn đề xử lý đã được đưa ra 10 năm nay nhưng chưa triệt để, còn thiếu rõ ràng. Chính điều này đã phần nào hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.

Cụ thể, việc xử lý các vỏ bình gas bị các lực lượng chức năng tịch thu, xử lý của mỗi lực lượng, mỗi địa phương khác nhau, cùng một loại hành vi vi phạm, có vụ việc xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính.

Để giải quyết tình trạng này ông Hữu đề xuất cần có sự hướng dẫn để các cơ quan chức năng hiểu và áp dụng văn bản xử lý thống nhất bình gas bị tịch thu do bị chiếm đoạt, lưu giữ và sử dụng trái pháp luật, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ về hoạt động kinh doanh khí gas.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng san chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai Gas.

Ngoài ra, ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng phát triển kinh doanh Công ty Alttek Global JSC gợi ý, có thể áp dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc, mã điện tử sản phẩm để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ. Người tiêu dùng có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vi-dau-nhieu-hang-kinh-doanh-gas-nuoc-ngoai-rut-khoi-viet-nam-1542202865924.htm