Vì đâu nên nỗi?

Những công trình dân sinh không phát huy hiệu quả, chưa tương xứng với số tiền đầu tư, bỏ hoang gây lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân. Thực tế, nguyên nhân cơ bản là do ngành chức năng và chính quyền tại các địa phương đã không tính toán, khảo sát kỹ lưỡng trước khi xây dựng. Mặt khác, hầu hết các công trình đều sử dụng nguốn vốn ngân sách Nhà nước nên các đơn vị quản lý cấp cơ sở rất thờ ơ trong việc sử dụng, vận hành và quản lý công trình.

Tìm nguyên nhân để khắc phục

Như đã đề cập ở bài trước, 2 trạm cấp nước tưới phục vụ cho vùng quy hoạch rau ở xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) có tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Số tiền đầu tư được trích từ nguồn kinh phí của TP Hà Nội và UBND huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, cao điểm trạm cũng chỉ cung cấp được nước tưới cho khoảng 30ha rau màu, chiếm chưa được ½ công suất thiết kế.

Trạm cung cấp nước sạch tại thôn Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ)

Đáng nói, thời kỳ 2009-2011, Thụy Hương từng được xem là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, là mô hình điểm của Trung ương. Năm 2015, địa phương này chính thức được công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới với nhiều mô hình phát triển sản xuất như: HTX hoa cây cảnh, HTX rau an toàn, HTX cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dẫn như vậy để thấy rằng, để lãng phí công trình tưới tiêu phục vụ phát triển nông nghiệp ở một “mô hình điểm”, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp cơ sở.

Theo ông Trần Ngọc Thông - Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, từ năm 2017, UBND huyện Chương Mỹ đã nhận được những phản ánh liên quan. Phía UBND cấp xã cũng đã có văn bản báo cáo lên UBND huyện. Trao đổi sâu hơn, ông Thông cho biết, trạm cung cấp nước tưới ở xã Thụy Hương được xây dựng với mục đích cung cấp nước tưới phục vụ các dự án trồng rau, hoa và nhu cầu nước tưới của người dân.

Một sô hạng mục của trạm cung cấp nước tưới ở xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Đ. Luyện

Trạm do chính quyền cơ sở trực tiếp tiếp nhận bàn giao và chỉ đạo quản lý. Trong quá trình đưa vào sử dụng, chính quyền cơ sở có thành lập ban quản lý nhưng quản lý không hiệu quả. Đồng thời nguồn thu không có, nhu cầu của người dân lại khác nhau. Để tìm và tháo gỡ khó khăn trong vấn đề quản lý và vận hành công trình trên, Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ đề nghị phóng viên tiếp tục trở lại cơ sở.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của đại diện UBND huyện, sau nhiều lần phóng viên liên hệ làm việc với Chủ tịch và các Phó chủ tịch xã Thụy Hương thì đều chỉ nhận được sự bất hợp tác, khất lần và thoái thác trách nhiệm.

Cần nói lại, ở thời điểm tháng 11/2017, khi tìm hiểu về hạng mục công trình kém hiệu quả này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch UBND xã Thụy Hương thay vì xem xét trách nhiệm quản lý thì lại đẩy hoàn toàn trách nhiệm về phía người dân. Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho rằng, việc để trạm nước lãng phí chủ yếu xuất phát từ ý thức người dân.

“Ai bảo bỏ hoang, dân sử dụng thì mới bơm chứ dân không sử dụng thì bơm làm gì. Dân muốn sử dụng thì phải mất tiền điện thì lúc đó mới bơm. Dân phải nộp tiền thì mới cung ứng nước chứ không thể cho không được” – ông Thắng quả quyết. Trả lời những băn khoăn đến việc sớm tìm ra giải pháp đưa các trạm nước vào vận hành, tránh lãng phí như hiện tại, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương khẳng định: “Để trạm như vậy làm sao gọi là lãng phí được bởi bây giờ không dùng thì sau này phải dùng. Sông còn hết nước nữa là…”

Cần những giải pháp đồng bộ

Cũng là câu chuyện quản lý và vận hành, nhưng ở công trình nước sạch tại thôn Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ), mặc dù chính quyền sở tại tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhưng lại phải đối mặt với sự thờ ơ của chính đối tượng sử dụng là người dân. Theo tìm hiểu, trạm nước tại thôn Bảo Lộc được hoàn thành và giao cho HTX Nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, khai thác từ tháng 8/2011.

Tuy sống cạnh công trình nước sạch tiền tỷ, nhưng nhiều người dân vẫn đang hàng ngày, hàng giờ sử dụng nguồn nước giếng khoan ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Đáng nói, khi công trình bị bỏ hoang, người dân không có nước sử dụng đã đành, hiện công trình đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoạt động trở lại, sẵn sàng cung cấp nước sạch thì người dân lại thờ ơ.

Được biết, một trong những nguyên nhân chính khiến người dân chưa sử dụng nguồn nước của trạm cấp nước là do công trình không hoạt động nhiều năm, người dân quen sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước mưa. Nhiều hộ dân cũng đã đầu tư công nghệ lọc hiện đại nên chưa muốn bỏ. Trong khi đó, nếu sử dụng nguồn nước từ trạm cấp thì phải… mất tiền mua.

“Hầu hết các hộ dân trong thôn hiện vẫn dùng nước mưa để nấu ăn, còn nước giếng khoan để tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình hiện cũng đầu tư thêm công nghệ lọc, nguồn nước bảo đảm hơn nên chúng tôi không dùng nguồn nước của trạm”- Ông Trần Văn L (thôn Bảo Lộc) cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Việt (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ nước sạch Tuấn Minh), để khôi phục lại trạm nước cũ trước khi mở rộng ra trên địa bàn toàn xã, bước đầu công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để thay 2.400m đường ống từ đường ống chính vào nhà các hộ dân, lắp đặt lại hơn 700 đồng hồ đo nước, 1 tủ biến tần để bảo đảm áp suất nước ổn định...

“Trong quá trình tiếp nhận, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, sau khi trạm nước cũ dừng hoạt động, người dân mất niềm tin về việc cung cấp nước sạch nên khi khôi phục lại, người dân mất rất nhiều thời gian để nghe ngóng rồi mới sử dụng lại nước của bên mình. Thứ hai, chúng tôi cũng đang khó khăn về vốn vay và mặt bằng để mở rộng trạm cấp nước theo chủ trương chấp thuận đầu tư của UBND TP Hà Nội” - ông Việt chia sẻ.

Được biết, theo quy định thực hiện dự án khôi phục trạm cấp nước, các doanh nghiệp phải có đủ 20% số vốn, 80% số vốn còn lại là vay của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án nước sạch tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là cực kỳ khó khăn. Bởi các tài sản đầu tư cũng như trạm nước không thể mang đi thế chấp được.

Còn tài sản của doanh nghiệp cũng như của các cổ đông thì không đủ lớn để có thể mang đi thế chấp nhằm huy động nguồn vốn lớn để thực hiện dự án kịp tiến độ. “Để khôi phục hoàn toàn, dự kiến giai đoạn 2, công ty đang cố gắng phấn đấu hoàn thành xong trong năm 2018. Đây cũng là bài toán nan giải.

Trong đó kể cả quỹ hỗ trợ của thành phố, công ty cũng đã nhiều lần gửi văn bản mà không tiếp cận nổi. Về phía thành phố, trong những năm qua đã mở rất nhiều cuộc họp và chỉ đạo quyết liệt vấn đề sử dụng nước sạch nông thôn. Đối với huyện và xã, các đồng chí lãnh đạp cũng hết sức ủng hộ, chỉ đạo, vận động các đoàn thể, cụm dân cư, chi bộ phải gương mẫu trong việc sử dụng nước sạch.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có khoảng 35% trong tổng số 1.200 hộ dân thôn Bảo Lộc sử dụng nước của trạm. Trong hai tháng trở lại đây, số hộ gia đình sử dụng nước cũng đã tăng lên đáng kể” - Giám đốc Công ty nước sạch Tuấn Minh cho biết.

Để công trình dân sinh sớm khôi phục và đạt 100% công suất như quy hoạch dự kiến, theo lãnh đạo UBND xã Võng Xuyên thì cần tích cực triển khai những giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Thắng (Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên) cho biết, chính quyền xã đang tích cực vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ thói quen cũ để sử dụng nguồn nước của trạm cấp nước bởi hiện nay, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, xả thải thẩm thấu xuống đất. “Còn về trạm y tế cơ sở 1 hiện ngưng hoạt động, UBND xã cũng đã làm tờ trình lên UBND huyện để xem xét và giải quyết” – ông Thắng chia sẻ.

Mong rằng, với sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ từ các cơ quan chức năng, những công trình dân sinh này sẽ phát huy đúng giá trị chứ không phải chỉ là công trình biểu tượng, lãng phí, trái ngược với những trông mong của người dân.

Đ. Luyện -P.Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-dau-nen-noi-72183-72183.html