Vì đâu nên nỗi tổ ấm gia đình thành nơi… trút giận?

Liên tiếp những vụ thảm án người thân sát hại nhau đã gây rúng động trong dư luận. Câu hỏi đặt ra, vì đâu nên nỗi tổ ấm gia đình thành nơi trút giận, gây án như vụ thảm án ở Tiền Giang?

Theo các chuyên gia tâm lý, những mâu thuẫn nhỏ hàng ngày không được giải tỏa đã tích tụ để rồi lên đến đỉnh điểm và bùng nổ. Khi đó, nếu những người trong cuộc không đủ tỉnh táo để kiềm chế bản thân thì việc giết người rất dễ xảy ra.

Bên ngoài hiện trường vụ thảm án ở Tiền Giang

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định, nguyên nhân của các vụ án này chỉ vì mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết một cách thỏa đáng dẫn đến thảm cảnh người một nhà sát hại lẫn nhau.

“Không có một vụ án nào mà chỉ vì một mâu thuẫn đơn lẻ lại dẫn đến việc người thân tương tàn, tước đoạt đi mạng sống của nhau mà trước đó phải có rất nhiều mâu thuẫn không được giải quyết bị dồn ứ, tích tụ. Bởi đã là người một nhà, chung một dòng máu thì sợi dây kết nối tình cảm là rất bền chặt không dễ gì có thể ra tay hại người thân của mình”, ông Hòa nêu quan điểm.

Dưới góc độ tâm lý học, TS. Nguyễn Thị Kim Quý (hội Tâm lý giáo dục, viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đánh giá, khi có những vụ án đau lòng như thế này xảy ra, người ta thường hay nghĩ đến nguyên nhân xã hội như con cái tiếp xúc với những game bạo lực quá nhiều, hay bố mẹ không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc con cái... nhưng, đó chỉ là một trong những nguyên nhân tác động vì cùng sống trong môi trường xã hội mà nguyên nhân chính nằm ở mâu thuẫn nội tại trong gia đình.

“Những vụ án giết người do ghen tuông (như vụ thảm án ở Tiền Giang) thường bộc phát nên rất khó phát hiện. Những vụ án người thân trong gia đình sát hại nhau gần đây đang gia tăng. Theo tôi, nguyên nhân là do nhận thức lệch lạc, thiếu thuần phong mỹ tục, thiếu đạo lý khiến cho các giá trị sống trong gia đình giảm đi, thậm chí ở nhiều nhà còn bị biến mất. Nhận thức lệch lạc sai trái sẽ dẫn đến hành động sai”, TS.Quý nói.

Một chuyên gia tâm lý tội phạm cho hay, khi có bất cứ một mâu thuẫn nào xảy ra thì những người trong nhà nên bình tĩnh, ngồi lại với nhau để giải quyết cho thấu đáo. Nếu không thể tự giải quyết được thì nên tìm đến các chuyên gia tâm lý, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương. Đặc biệt tránh tình trạng “đóng cửa bảo nhau”, vì có thể, nó sẽ làm cho những mâu thuẫn ngày càng tăng lên nếu mâu thuẫn gia đình không được giải tỏa.

“Dưới góc độ tâm lý tội phạm, chúng tôi quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là trang bị các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện tội phạm, kỹ năng xử lý khi đối mặt với tội phạm... để mỗi người dân có thể bảo vệ an toàn cho bản thân, người thân và góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

N.Giang

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-dau-nen-noi-to-am-gia-dinh-thanh-noi-trut-gian-a382646.html