Vì đâu mỹ phẩm giả, thuốc đông y kém chất lượng náo loạn thị trường?

Gần đây, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thuốc đông y giả liên tiếp bị cơ quan chức năng lôi ra ánh sáng với những con số giật mình.

Ngày 24/04, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 Lạng Sơn cũng đã bắt giữ 5.700 miếng đắp mặt dưỡng da nhãn hiệu HA, 5 tạ bột dưỡng da tinh chất trà xanh ghi bằng chữ Trung Quốc, 100 lọ nước hoa nhãn hiệu Burberry, 100 lọ tinh chất dưỡng da chống lão hóa nhãn hiệu vàng 24K…

Tiếp đó, ngày 6/6, đơn vị này lại phát hiện và thu giữ gần 2 tấn mỹ phẩm nhập lậu, gồm hơn 1.000 lọ kem dưỡng da, sữa rửa mặt; gần 3.500 tuýp kem đánh răng và khoảng 4.000 miếng dán giảm mỡ thẩm mỹ.

 Cơ quan chức năng phát hiện kho mỹ phẩm giả được tập kết trên phố Đội Cấn, Hà Nội. Ảnh Tiền Phong

Cơ quan chức năng phát hiện kho mỹ phẩm giả được tập kết trên phố Đội Cấn, Hà Nội. Ảnh Tiền Phong

Tại Hà Nội, có doanh nghiệp còn táo bạo đến mức thuê hẳn trụ sở (cũ) của Thanh tra Chính phủ, tại số 220 phố Đội Cấn để làm “đại bản doanh” cho hành vi gian lận. Sáng ngày 7/6, Đội QLTT số 17 - Chi cục QLTT Hà Nội đã “tập kích” kho hàng lậu của doanh nghiệp này và thu giữ hơn 20.000 các loại sữa tắm, dầu gội, kem dưỡng thể, trong đó nhiều sản phẩm chưa kịp dán nhãn mác.

Ngày 22/6, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Chi Cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (Ngọc Tú Nature Beauty), tại huyện Thanh Trì đã phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y dưỡng da, trị mụn, kem chống nắng, sữa rửa mặt.

Được biết, hơn một năm qua DN này cho “ra lò” hàng ngàn sản phẩm và đưa vào thị trường thông qua 246 “kênh” đại lý bán hàng online trên mạng internet.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý vô vàn những trường hợp tương tự, mà trong khuôn khổ nội dung bài viết khó có thể thống kê hết được. Hầu hết các vụ việc đều có điểm chung là nguyên liệu, hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và các cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan.

Hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm bị cơ quan chức năng thu giữ đều không có hóa đơn chứng từ. Ảnh Kim Oanh

Vì đâu các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, thuốc đông y kém chất lượng lại có thể làm náo loạn thị trường đến như vậy?

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam phân tích: Thứ nhất là do lợi nhuận của sản phẩm này quá cao; Thứ 2 là nhu cầu sử dụng lớn, quá nửa chị em phụ nữ đều dùng tới mỹ phẩm; Thứ 3, người tiêu dùng thiếu kiến thức trong việc phân biệt đâu là mỹ phẩm thật, mỹ phẩm giả; Thứ 4, do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng dẫn đến việc sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả bị mất kiểm soát.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Công San – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội đánh giá lợi nhuận của mặt hàng này khá lớn bởi không phải đầu tư trang thiết bị, máy móc để sản xuất; các đối tượng mua nguyên liệu từ Trung Quốc, đóng vào các chai lọ rồi tự dán tem nhãn mỹ phẩm đông y gia truyền để lừa người tiêu dùng.

Việc ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn chưa đồng bộ, đặc biệt thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý đối với các mặt hàng y học cổ truyền, dược liệu.

Còn theo phân tích của ông Phạm Bá Dục - Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội: "Sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm mỹ phẩm.

Thế nhưng, trong đó có rất nhiều thông tin sai sự thật về công dụng của mỹ phẩm đông y, vị thuốc y học cổ truyền… điều này đã tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh".

Xuân Hân

Xuân Hân

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/vi-dau-my-pham-gia-thuoc-dong-y-kem-chat-luong-nao-loan-thi-truong-d146082.html