Vì đâu giới đầu tư lạc quan trở lại?

TGTTO Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng 12, trong đó chỉ ra sự thận trọng về việc tăng lãi suất trong tương lai, đã phần nào tác động tích cực lên tâm lý các nhà đầu tư trên khắp các thị trường.

FED “nước đôi” về lộ trình tăng lăng lãi suất

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã phục hồi tích cực trong những phiên vừa qua, trong đó riêng chứng khoán Mỹ đã có 4 phiên tăng liên tiếp. Thị trường dầu cũng ghi nhận thành quả đi lên tích cực với giá dầu WTI vọt hơn 5% lên mức cao nhất trong 4 tuần. Lợi suất trên thị trường trái phiếu Mỹ cũng ghi nhận đà tăng 4 phiên liên tiếp, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã lên lại gần 2,73%, trong khi kỳ hạn 30 năm vượt mốc 3% ở 3,025%.

Ngoài diễn biến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiến triển tốt như kỳ vọng, thì biên bản mới công bố của Cục dự trữ liên bang Mỹ đã ảnh hưởng tích cực lên tâm lý các nhà đầu tư.

Biên bản cuộc họp tháng 12 của FED mới công bố vào hôm qua đã tiết lộ rằng một số quan chức ngân hàng trung ương (NHTW) này khó có thể tiếp tục bảo lưu quan điểm về lộ trình tăng lãi suất như tháng trước, trước sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ động thái tăng lãi suất trong tháng 12 vừa qua. Họ cũng khuyến nghị FED nên kiên nhẫn và nhấn mạnh rằng “việc thắt chặt chính sách dần với liều lượng tương đối hạn chế” là phù hợp hơn.

Trước đó trong cuộc họp chính sách tháng 12/2018, FED đã nâng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản lên phạm vi 2,25-2,5%, lần nâng lãi suất thứ 4 trong năm 2018 và là lần thứ 9 kể từ khi chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu từ tháng 12/2015.

Biên bản họp của Fed đã chỉ ra bối cảnh lạm phát thấp tại Mỹ, có nghĩa là ngân hàng trung ương có thể “kiên nhẫn để củng cố chính sách hơn nữa”. Biên bản này cũng chỉ ra rằng một số quan chức FED nghĩ rằng việc nâng lãi suất với “số lượng tương đối hạn chế” có thể xảy ra. Ngoài ra, nỗi lo về sự leo thang căng thẳng thương mại, triển vọng tăng trưởng toàn cầu và tính bền vững của tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp nằm trong những yếu tố dẫn tới đà giảm mạnh của chứng khoán Mỹ, biên bản của FED cho biết.

Các thành viên cũng thôi ủng hộ quan điểm “diều hâu”

Biên bản họp của FED được đưa ra sau khi Chủ tịch FED, Jerome Powell, cho biết hồi tuần trước FED sẽ “kiên nhẫn” trong việc nâng lãi suất. Cụ thể trong ngày thứ Sáu tuần trước (04/01), Chủ tịch Jerome Powell đã ngồi cùng với những nhà lãnh đạo tiền nhiệm là Janet Yellen và Ben Bernanke, để bàn luận về chính sách của FED. Tại cuộc trao đổi này, ông Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ “kiên nhẫn” khi đưa ra các quyết định chính sách.

Ông Powell ngày càng thay đổi thái độ mềm mỏng hơn với lộ trình tăng lãi suất

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal vào hôm qua, chủ tịch ngân hàng dự trữ St. Louis đồng thời là thành viên thuộc FOMC là James Bullard chia sẻ: “Chúng ta hiện tại đã có một tỷ lệ lãi suất phù hợp, vì vậy có thể không cần phải tăng lãi suất thêm nữa trong ngắn hạn”. Ông cũng cho biết khả năng sẵn sàng cắt giảm lãi suất trở lại nếu nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại.

Chủ tịch ngân hàng dự trữ Atlanta là Raphael Binto - một thành viên không bỏ phiếu của ủy ban thiết lập lãi suất, thì cho rằng ngân hàng trung ương nên kiên nhẫn về việc nâng lãi suất, trước những lo ngại về thuế quan và các dấu hiệu căng thẳng khác trên thị trường.

Trong khi đó, chủ tịch ngân hàng dự trữ Chicago là Charles Evans - một thành viên bỏ phiếu quyết định chính sách lãi suất, cho biết ông vẫn thấy khả năng có tới ba lần tăng lãi suất trong thời gian tới, trước khi FED cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chính sách tiền tệ vào vùng hạn chế. Dù vậy, ông cũng cho rằng ngân hàng trung ương có thể đợi thêm sáu tháng nữa trước khi tăng lãi suất trở lại lần đầu tiên cho năm nay.

Nhưng nhà đầu đừng quá hào hứng

Larry Benedict, Giám đốc điều hành tại Opportunistic Trader, chia sẻ: “Chúng ta đang ở giữa lực mua mạnh mẽ. Các nhà đầu tư đang định giá tất cả các tin tức tốt trên tất cả các mặt trận, đồng thời giảm bớt, bỏ quan các tin tiêu cực”.

Tuy nhiên, Benedict cũng cảnh báo rằng mức phục hồi gần 10% của chỉ số S&P 500 kể từ ngày 24/12 đến nay đã đưa thị trường về vùng giá trị hợp lý như hiện nay, thậm chí có thể hơi cao. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ giá cổ phiếu điều chỉnh trở lại, đặc biệt trong trường hợp có tin xấu về thương mại hoặc khi mùa thu nhập bắt đầu với các kết quả công bố không như kỳ vọng.

Lời cảnh báo tương tự cũng dành cho các nhà đầu tư trên các thị trường khác vốn cũng đã tăng mạnh gần đây, nhất là khi mới đây hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể mất xếp hạng tín dụng AAA, mức cao nhất trong bậc thang xếp hạng của hãng này, nếu việc Chính phủ tiếp tục đóng cửa làm rối loạn chức năng của các cơ quan quản lý và dẫn đến việc vượt quá giới hạn nợ của quốc gia.

Cảnh báo được đưa ra khi chính phủ Hoa Kỳ đã bước sang tuần thứ 3 ngừng hoạt động một phần, và sau bài phát biểu trên truyền hình tối thứ 3 của Trump cho thấy quan điểm khác biệt giữa Nhà Trắng và Đảng Dân chủ vẫn không thể được giải quyết, về yêu cầu tài trợ để xây dựng một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico của tổng thống Trump.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/vi-dau-gioi-dau-tu-lac-quan-tro-lai-153270.html