Vì đâu đồng euro mất giá?

MAI QUYÊN (Theo CNN, Guardian)

Lần đầu tiên sau 20 năm, tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đô-la Mỹ (USD) gần như đạt mức ngang bằng, giữa thời điểm có nhiều lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy châu Âu vào suy thoái kinh tế.

Ðồng euro đang mất giá mạnh so với đô-la Mỹ. Ảnh: AFP

Ðồng euro đang mất giá mạnh so với đô-la Mỹ. Ảnh: AFP

Thời gian gần đây, đồng tiền chung châu Âu liên tục rớt giá với tốc độ đáng chú ý. Nếu như hồi tháng 2, 1 euro đổi được 1,15 USD thì ngày 12-7, giá trị hai đồng tiền gần như bằng nhau (1 euro đổi 1,0003USD). Ðồng bảng Anh, bị đè nặng bởi bất ổn chính trị và kinh tế u ám, cũng suy yếu so với đồng USD khi xuống còn 1,185USD vào sáng cùng ngày.

Theo nhà phân tích thị trường Neil Wilson, áp lực lên đồng euro và bảng Anh cho thấy bất an của giới đầu tư về triển vọng kinh tế khi các đồng tiền dễ bị tổn thương trước tình trạng lạm phát đang tăng vọt nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả. Có nhiều yếu tố khiến đồng euro trượt giá trong nhiều tháng qua, nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến đồng euro mất hơn 12% giá trị kể từ đầu năm chính là mối lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực trong mùa đông này.

Ngoài ra, nhà phân tích thị trường Jonas Goltermann cho rằng đồng euro còn bị ảnh hưởng bởi sự phân hóa rõ ràng giữa viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và dữ liệu về kinh tế Mỹ đang tiếp tục trên đà phục hồi. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) cũng đi trước các đồng minh bên kia Ðại Tây Dương trong các biện pháp ngăn chặn lạm phát tiếp tục xấu đi, bao gồm tăng lãi suất khiến đồng USD trở nên hấp dẫn. Ðồng USD đã tăng lên khi FED nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm hồi tháng 6.

Theo dự báo của các chuyên gia ngân hàng Nhật Bản Nomura, đồng euro có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới. Ðây không chỉ là câu chuyện về sự suy yếu của đồng euro mà còn phản ánh sức mạnh của đồng USD khi các nhà đầu tư thường đổ dồn vào đồng bạc xanh trong thời điểm không chắc chắn về thị trường châu Âu và những nơi khác. Ðồng USD mạnh hơn là tin tốt cho người Mỹ muốn đi du lịch hoặc mua hàng hóa ở nước ngoài, thậm chí làm dịu lạm phát khiến chi phí hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao. Nhưng nó cũng có thể làm tổn hại đến xuất khẩu Mỹ vì làm giảm sức mua của khách hàng nước ngoài. Trong khi đó, sự suy yếu của đồng euro bị xem là tín hiệu tiêu cực cho ổn định kinh tế toàn cầu khi làm giảm tốc độ tăng trưởng và tăng lo ngại về suy thoái.

Trước viễn cảnh này, nhà phân tích Wilson cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đưa ra hành động mang tính quyết định khi đối mặt sự sụt giảm niềm tin từ thị trường. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghi vấn về việc ECB có thể thắt chặt chính sách một cách thích đáng để giảm lạm phát hay không. Hiện cơ quan này vẫn duy trì lãi suất âm kể từ năm 2011, nhưng theo thông báo mới, ECB dự kiến tăng lãi suất trong tháng này để bắt kịp FED và Ngân hàng Trung ương Anh trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của Khu vực Eurozone đã chạm mức kỷ lục 8,6%. Tuy nhiên, một số chuyên gia nói rằng ECB sẽ không thể nâng lãi suất nhanh như FED và việc "hạ cánh cứng" là điều không thể tránh khỏi.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/vi-dau-dong-euro-mat-gia-a148988.html