Vì đâu cà phê sụt giảm cả về lượng cũng như giá trị?

Khả năng cạnh tranh của ngành cà phê còn thấp, sản lượng chưa cao, chất lượng chưa đều với tập quán canh tác nhỏ lẻ của nông dân.

Niên vụ cà phê 2014 - 2015 được đánh giá là một niên vụ cà phê buồn. Cà phê sụt giảm cả về sản lượng và giá ảnh hưởng lớn đến đời sống người trồng cà phê và doanh thu của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở nội tại của ngành khi khả năng cạnh tranh của ngành cà phê còn thấp, sản lượng chưa cao, chất lượng chưa đồng đều cộng thêm tập quán canh tác nhỏ lẻ của nông dân.

Trong niên vụ 2014-2015, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 1,250 triệu tấn, với kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, giảm 21,9% về lượng và hơn 20% về giá trị so với niên vụ trước. Trong khi nhiều ngành hàng nông sản Việt Nam có xu hướng theo quy luật “được mùa mất giá” thì riêng ngành hàng cà phê lại đi ngược quy luật này. Trong niên vụ 2014-2015, mặc dù đã cuối vụ sản lượng cà phê xuống thấp, hàng tồn kho không nhiều lượng xuất khẩu giảm nhưng giá bán vẫn thấp, không được cải thiện.

Cà phê sụt giảm cả về sản lượng và giá ảnh hưởng lớn đến đời sống người trồng cà phê. (Ảnh: Internet)

Cà phê sụt giảm cả về sản lượng và giá ảnh hưởng lớn đến đời sống người trồng cà phê. (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do biến động của thời tiết, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và việc USD mạnh lên cũng như nước xuất khẩu cà phê áp dụng chính sách tỷ giá, phá giá đồng tiền và nhiều thông tin bất lợi làm giá cả thị trường cà phê lên xuống thất thường….

Làm thế nào để ngành cà phê duy trì vị trí trong “top” các mặt hàng xuất khẩu như những năm trước cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu? Các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê cho rằng, không có cách nào khác ngoài các giải pháp đồng bộ và sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất-cung ứng cà phê.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, trong bối cảnh chung của ngành cà phê như hiện nay, doanh nghiệp cần xác định những thách thức để xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt trên cơ sở giá cà phê từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào giá thế giới.

“Có nhiều giải pháp để thành công nhưng vấn đề cà phê hiện nay, vườn cà phê đang già cỗi rất lớn dẫn đến giảm sản lượng, giảm diện tích. Vì vậy muốn phát triển cà phê cần phải “tái canh cà phê” và phát triển bền vững. Vấn đề ở đây không chỉ là doanh nghiệp mà còn là vấn đề của Hiệp hội cà phê ca cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương ở những vùng trồng cà phê”, ông Nam cho biết.

Một yếu tố nội lực quan trọng mà theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đưa ra là, cần chú trọng cải tạo giống để nâng cao năng suất, chất lượng của cà phê. Điều đó nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản, bởi việc làm đầu tiên là tổ chức lại sản xuất một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Nếu tính 3 tấn cà phê/ha như hiện nay thì thu nhập của người trồng cà phê so với những loại cây trồng khác là không cạnh tranh được. Chuyện cải tạo giống để có thêm giống mới, năng suất cao hoàn toàn có thể làm được. Bằng những phương pháp cấy, ghép cây như hiện nay trong 1 năm có thể có năng suất, sản lượng và phải thúc đẩy nhanh việc này. Đồng thời phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm, trên cơ sở tổ chức cho người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho họ”, ông Báu chỉ rõ.

Cà phê nước ta được trồng chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên với diện tích lên tới gần 500.000 ha, với sản lượng cà phê nhân bình quân khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Thực tế cho thấy, các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến xuất khẩu thời gian qua vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm, thậm chí có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, ngoài việc tăng cường các sản phẩm cà chế biến sâu cần tập trung tổ chức lại sản xuất, có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh, giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời sản xuất cà phê theo đúng quy hoạch, tạo ra sản phẩm hàng hóa với năng suất, chất lượng cao hướng đến xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân.

“Nên chăng doanh nghiệp liên kết với các nhóm hộ, giống như các hợp tác xã kiểu mới không ràng buộc bởi yếu tố đất đai. Hợp tác xã ở đây chịu trách nhiệm về kỹ thuật, giống phối hợp với doanh nghiệp để có thị trường, đồng thời có chính sách tín dụng của ngân hàng hỗ trợ chuỗi này một cách phù hợp. Cần phải có vai trò hợp tác xã liên kết theo cách này thì mới cải thiện chất lượng cà phê, chứ như hiện nay các hộ sản xuất cà phê phải tự canh tác, thu hoạch sau đó bán sản phẩm cho doanh nghiệp thì chất lượng không đồng đều, hiệu quả không cao”, ông Hùng nói.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam, đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì vậy cần đầu tư nguồn lực cho hoạt động khoa học và công nghệ đối với cây cà phê để tương xứng với vị trí của loại cây trồng này trong nền kinh tế quốc dân.

Nhiều ý kiến đề xuất, thời gian tới, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý giống, có kế hoạch hỗ trợ về tài chính để thay thế các vườn cà phê già cỗi ở Tây Nguyên bằng các giống cà phê chọn lọc, cải thiện được chất lượng sản phẩm cà phê hướng đến ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững./.

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/vi-dau-ca-phe-sut-giam-ca-ve-luong-cung-nhu-gia-tri-post1465.html