Vì đất nước không còn bom mìn sau chiến tranh

Kết thúc chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Giờ đây, tất cả chúng ta đang nỗ lực hết mình vì một đất nước không còn bom, mìn sau chiến tranh.

Sự hủy hoại tàn khốc của chất độc màu da cam

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ 1965 - 1971, quân đội Mỹ đã dùng nhiều loại chất diệt cỏ, làm trụi lá cây nhằm phá hoại Việt Nam về quân sự và kinh tế với 3 loại chất độc hóa học chủ yếu: Chất độc da cam, chất trắng dùng để phá hủy rừng, chất xanh dùng để phá hoại mùa màng. Tổng cộng Mỹ đã rải 72 triệu lít chất diệt cỏ (bao gồm 44 triệu lít chất da cam, 20 triệu lít chất trắng, 8 triệu lít chất xanh) lên 1,7 triệu ha đất trồng và rừng ở miền Nam Việt Nam, ít nhất có 12% diện tích rừng, 5% diện tích đất trồng trọt bị rải chất độc da cam một hay nhiều lần.

Các chất diệt cỏ, làm trụi lá lần đầu tiên trong lịch sử loài người, được dùng với quy mô lớn ở miền Nam Việt Nam đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái và con người. Hàng triệu ha rừng ở nội địa và rừng ngập mặn ở ven bờ bị rải chất độc da cam nhiều lần. Ngay sau khi bị rải chất diệt cỏ với nồng độ cao lần thứ nhất, đã có 10 - 20% số cây thuộc tầng cao nhất (chiếm 40 - 60% sinh khối của rừng) bị chết. Hậu quả là khí hậu ở tầng thấp bị thay đổi, vì độ ẩm giảm, cường độ chiếu sáng tăng, nên các cây non dù có sống sót cũng khó phát triển.

Lực lượng bộ đội công binh tỉnh Quảng Trị phát hiện một quả bom. (Ảnh: TTXVN)

Đến mùa khô, lửa rừng do bom đạn lan đến diệt luôn cả cây con. Tiếp theo mùa mưa đất bị xói mòn, thoái hóa dần, chỉ có một số loài thực vật ưa sáng như chíp, chè vè, lau, tre, nứa, là những loài cây có bộ rễ phát triển mạnh, thân ngầm khỏe, chịu được khô cằn có thể mọc được. Nhiều vùng rừng bị nhiễm chất độc quá nặng, cho đến nay, vẫn chưa có cây gì mọc lại. Cây rừng bị trụi lá và nước bị ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến động vật. Động vật chết vì thiếu thức ăn, vì không có nơi trú ẩn, vì uống nước bị nhiễm độc.

Những con sống sót phải di chuyển tới những nơi khác, cho dù điều kiện sống ở những nơi mới đó không hoàn toàn thuận lợi cho chúng. Có thể nói rằng hệ sinh thái rừng mưa phong phú đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là hệ sinh thái nghèo kiệt, xơ xác. Những nơi rừng mọc lại, bụi lau, tre, nứa là nơi ẩn nấp tốt cho họ hàng nhà chuột. Thiên địch của chuột là cầy, cáo còn lại rất ít, hơn nữa sức sinh sản của chúng không thể so sánh được với sức sinh sản của chuột. Kết quả những nơi đó chuột chiếm ưu thế.

Để hướng tới mục tiêu khắc phục bền vững tình trạng ô nhiễm bom mìn, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn; ban hành cơ chế chính sách trợ giúp xã hội đối với các nạn nhân bom mìn. Đến nay, 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề…

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, những năm qua, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ đã có những hỗ trợ quý báu về trang thiết bị, kinh phí, trị giá hàng chục triệu USD để Việt Nam khắc phục, giải quyết hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.

Để rà phá, làm sạch khoảng 800.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.

Tóm lại, chất diệt cỏ làm mất cân bằng sinh thái môi trường. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, đặc biệt là rừng Sát (ở phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh) và rừng ở huyện Năm Căn (Minh Hải) bị phá hủy nặng nề. Nguồn cung cấp gỗ cho người không còn, động vật không có nơi sinh sống, vai trò to lớn của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Nhân dân sống trong vùng bị rải chất diệt cỏ thiếu ăn vì mùa màng, cây cối bị phá hủy. Nhiều dân thường, bộ đội sống trong vùng bị rải chất độc hóa học đã bị mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư. Nhiều phụ nữ bị sảy thai, đẻ non. Nguy hiểm hơn cả là chất độc da cam đã để lại di chứng cho đời sau, con cái của những người bị nhiễm chất độc hóa học, mặc dù sinh ra sau chiến tranh, thậm chí ở rất xa nơi có chiến sự, cũng mắc các bệnh hiểm nghèo như câm, mù, điếc, tâm thần... hoặc có hình hài dị dạng.

Sự tồn tại của hàng loạt các trẻ em dị tật trong các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình cựu chiến binh có bố hoặc mẹ từng công tác, chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc da cam, đang trở thành nỗi đau và gánh nặng to lớn không chỉ riêng cho các em và gia đình, mà còn cho cả xã hội.

Vì đất nước không còn bom mìn

Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (BCĐ 701) chính thức ra mắt vào tháng 4/2018. BCĐ 701 được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 BCĐ quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và về khắc phục hậu quả chất độc hóa học.

Về công tác khắc phục, xử lý bom mìn, chất độc hóa học và các chính sách hỗ trợ trong suốt thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng BCĐ 701, nhìn nhận, công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 là tích cực, hiệu quả.Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các thành viên BCĐ, của các cấp, các ngành, qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thời gian qua, BCĐ 701 đã chỉ đạo việc điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 1, qua đó, đã xác định được số xã ở 19 tỉnh, số diện tích đất bị ô nhiễm. Trong giai đoạn hiện nay, việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30.000-50.000 ha/năm trong khuôn khổ các dự án.

Đã thực hiện, hoàn thành việc xử lý chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng và bàn giao 29 ha đất sạch để sử dụng mở rộng sân bay Đà Nẵng phục vụ Hội nghị APEC và phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá và công bố chính thức kết quả dự án.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách trợ cấp ưu đãi đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hướng dẫn khám giám định bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án “Điều tra giải mã các đơn vị lực lượng vũ trang hoạt động trong các vùng bị quân đội Mỹ phun rải dioxin tại Việt Nam”. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ thí điểm mô hình trợ giúp sinh kế cho nạn nhân của bom mìn hòa nhập cộng đồng tại một số địa phương.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-dat-nuoc-khong-con-bom-min-sau-chien-tranh-79393.html