Vị danh y chỉ nhìn bằng mắt chẩn bệnh cho vua

Biển Thước tên thật là Tần Việt Nhân, là người ở quận Bột Hải thời Chiến quốc (nay là tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Nhờ có y thuật cao siêu, ông đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân cận kề với cái chết, vì thế dân gian gọi ông là Thần Y Biển Thước, và cũng đã lâu lắm rồi tên thật của ông không còn mấy ai nhớ đến.

Phương pháp khám bệnh truyền thống của Đông do Biển Thước lưu truyền lại.

Phương pháp khám bệnh truyền thống của Đông do Biển Thước lưu truyền lại.

Phá vỡ điều cấm kỵ truyền nghề

Khi còn trẻ, Biển Thước phải đi làm thuê cho một nhà trọ, có một vị thầy thuốc rất giỏi tên là Trường Tang Quân thường đến trọ. Biển Thước là một người rất chăm chỉ, hễ rỗi rãi là ông giúp Trường Tang Quân một số công việc như chăm sóc bệnh nhân và cũng chính vì thế mà ông rất hứng thú say mê đối với ngành y.

Từ đấy về sau ông luôn có ý thức học hỏi cách khám bệnh bốc thuốc, gặp phải chỗ nào chưa rõ, ông liền nhờ Trường Tang Quân giảng giải và tự mình mày mò tìm kiếm những sách y học để đọc thêm.

Thời bây giờ, những người làm nghề y đều phải tuân thủ theo một quy ước: Y thuật chỉ có thể truyền lại giữa cha và con, nhất thiết không được truyền cho người ngoài, nhưng Trường Tang Quân lại rất thích chàng trai chăm chỉ, thông minh hiếu học này, nên mỗi lần Biển Thước hỏi gì ông đều giải đáp cặn kẽ tỉ mỉ.

Cứ thế, thời gian 10 năm thấm thoát trôi qua, Biển Thước cũng đã biết khám và chữa một số bệnh đơn giản. Trường Tang Quân cảm thấy Biển Thước thông minh hơn những người khác, lại có bản lĩnh học nghề y nên quyết định truyền lại hết những gì mà cả đời đã tích lũy được cho Biển Thước.

Từ đó về sau, Biển Thước cần mẫn nghiên cứu những phương thuốc bí truyền, y thuật tiến bộ không ngừng, tiếng tăm cứ thế lan đi, uy tín ngày một lớn…

“Cải tử hoàn sinh” cứu thái tử

Có lần, Biển Thước đến nước Triệu để hành nghề y, gặp Thái tử nước này bị bệnh nặng lâm nguy. Khi tới nơi, thấy người ta khiêng đến một chiếc quan tài, xem ra Thái tử đã qua đời.

Biển Thước hỏi một vị quan viên Thái tử bị bệnh gì mà tạ thế, vị quan đáp: “Thái tử khí huyết thác loạn, bỗng nhiên sinh ra bạo bệnh, chính khí không áp đảo được tà khí, lịm đi mà chết”.

Biển Thước không hài lòng với sự giải thích đó, ông dựa vào những phán đoán của mình cho rằng Thái tử chưa hoàn toàn chết hẳn, vẫn còn hy vọng cứu sống, bèn hỏi: “Thái tử mất được bao lâu rồi?”. Vị quan viên đáp: “Chưa đến nửa ngày”.

Biển Thước nghe vậy cảm thấy càng có hy vọng, nói ngay: “Xin ngài bẩm báo với Đại vương, tôi có thể cứu sống Thái tử”. E rằng ông ta không tin làm chậm mất thời gian cấp cứu, Biển Thước nói: “Ngài có thể lập tức đi vào nhìn Thái tử xem, ngài sẽ thấy tai của Thái tử vẫn còn nghe được, cánh mũi vẫn còn khẽ động đậy; tiện đó ngài sờ vào chân Thái tử, từ đùi trở lên vẫn chưa bị lạnh giá...”.

Viên quan nọ vội chạy vào cung bẩm báo. Biển Thước đến trước giường bệnh, quan sát tỉ mỉ khí sắc Thái tử, bắt mạch, rồi lấy đồ nghề châm cứu vào 8 huyệt vị trên người Thái tử. Một lát sau Thái tử tỉnh lại, mọi người vô cùng kinh ngạc và vui sướng.

Tiếp đó, Biển Thước điều chế 2 loại thuốc cao, dặn dò xoa bóp cẩn thận làm nóng phần dưới hai bên nách Thái tử. Với cách chữa trị như vậy, Thái tử đã có thể ngồi dậy được. 20 ngày sau, Thái tử hoàn toàn bình phục.

Tin tức truyền ra ngoài cung, mọi người kháo nhau rằng Biển Thước có tài “cải tử hoàn sinh”. Biển Thước nghe nói vậy cười và nói: “Ta làm gì có bản lĩnh cải tử hoàn sinh! Thái tử chỉ bị hôn mê chứ đâu đã chết, ta chỉ giúp Thái tử phục hồi lại sức khỏe mà thôi”.

Chỉ nhìn bằng mắt khám bệnh

Thầy thuốc Đông y khi khám bệnh luôn quan sát rất kỹ sắc mặt của bệnh nhân và bảo bệnh nhân thè lưỡi ra xem đầu lưỡi; sau đó sờ ấn vào mạch, hỏi han những cảm giác của bệnh nhân. Đó là phương pháp khám bệnh truyền thống, gọi là “nhìn, nghe, hỏi, sờ (bắt mạch)”. Phương pháp do Biển Thước lưu truyền lại, đến nay đã có hơn 2.000 năm lịch sử.

Một hôm, Biển Thước đến kinh đô nước Tề, Quốc quân Tề Hoàn Hầu nghe nói y thuật của Biển Thước rất tài giỏi bèn mời vào cung. Theo thói quen nghề nghiệp, ông nhìn sắc mặt của Tề Hoàn Hầu, nhưng vừa thấy ông đã phát giác ra Tề Hoàn Hầu đang mang bệnh trong người: “Bẩm Đại vương, ngài có bệnh, bệnh tà đang ở giữa da và cơ. Nếu không chữa chạy kịp thời, bệnh tình sẽ ngày một nặng thêm”.

Nhờ y thuật cao siêu, Biển Thước đã cứu sống nhiều bệnh nhân cận kề cái chết.

Tề Hoàn Hầu nghe nói, nghĩ trong lòng bản thân chẳng thấy bệnh, chẳng thấy đau ốm, ăn ngon ngủ tốt, làm sao lại có bệnh được, lắc đầu: “Tiên sinh quá lo, ta rất khỏe, chẳng có bệnh gì cả?”. Sau khi Biển Thước từ biệt ra về, Tề Hoàn Hầu nói với các người thân cận của mình: “Làm thầy thuốc ai cũng thích khoe tài giỏi của mình, cả đến thầy thuốc nổi tiếng như Biển Thước cũng nói bậy, lấy bệnh để hù dọa người”.

5 ngày sau, Tề Hoàn Hầu cho mời Biển Thước lần thứ hai, Biển Thước xem sắc mặt của Tề Hoàn Hầu: “Bẩm Đại vương, bệnh của ngài đã đi vào huyết mạch rồi, nếu không điều trị, sẽ tiếp tục nặng thêm, kính mong Đại vương sớm chữa trị”. Tề Hoàn Hầu bực bội: “Tiên sinh, ta không có bệnh, chữa trị cái gì”.

Lại sau 5 ngày nữa, Tề Hoàn Hầu lần thứ ba cho mời Biển Thước đến. Biển Thước thấy bệnh của Đại vương đã khá nặng rồi, vô cùng khẩn thiết nói: “Bẩm Đại vương, bệnh của ngài đã xâm nhập vào tận ruột gan rồi, bây giờ chữa trị ngay vẫn còn kịp không thì khó trị khỏi”.

Tề Hoàn Hầu thấy Biển Thước lần nào cũng nói mình có bệnh, cảm thấy vô cùng phiền toái, dứt khoát không để ý gì đến Biển Thước nữa.

Lại 5 ngày nữa trôi qua, Biển Thước vì rất lo cho sức khỏe của Đại vương bèn chủ động xin vào gặp. Nhưng, mới vừa nhìn thấy Đại vương, ông không nói được lời nào cáo từ thoái lui khỏi vương cung.

Tề Hoàn Hầu cảm thấy rất lạ, sai người đến hỏi, Biển Thước thở dài và nói: “Bệnh tà của Đại vương lúc mới bắt đầu chỉ thấy ở ngoài da và thịt, sau đó lại đi vào đến ruột gan, lúc đó chữa trị còn có thể cứu vãn được, nhưng nay tôi nhìn sắc mặt của Đại vương, bệnh tà đã đi vào tận xương tủy, tôi không còn cách nào khác, đành không dám nói lời từ biệt mà lặng lẽ ra về”.

Cận thần đem những lời nói đó của Biển Thước về tâu với vua, Tề Hoàn Hầu vẫn không tin. Năm ngày sau, quả nhiên Đại vương đổ bệnh nặng, cuống cuồng sai người đi mời, nhưng Biển Thước đã rời khỏi nước Tề về quê. Tề Hoàn Hầu vì không nghe thầy thuốc, để bệnh tình quá nặng mà chết.

6 loại bệnh không chữa

Biển Thước chu du các nước, ngoài khám chữa bệnh cho các vương công quí tộc ra, chủ yếu là chữa bệnh cho bà con nông dân.

Nhưng Biển Thước không phải chữa bệnh cho bất cứ người nào, có 6 loại người mà ông không chữa: Một là những người ngạo nghễ ngang tàng, không có đạo đức; Hai là những người hám tiền bạc không chú ý đến bản thân mình bất chấp tất cả; Ba là những người nhậu nhẹt ăn uống bê tha, sinh hoạt đồi bại; Bốn là những người bệnh nặng mà không chịu chữa chạy sớm, chức năng hoạt động của lục phủ ngũ tạng không còn bình thường nữa; Năm là những người mà thân thể đã quá suy nhược cả đến việc uống thuốc cũng không còn khả năng; Sáu là những người mê tín tà ma không tin vào thầy thuốc.

Khi Biển Thước đến nước Tần thì lúc ấy ông cũng đã già rồi. Quốc quân của nước Tần là Tần Vũ Vương nghe nói y thuật của ông rất cao nên đã mời ông vào cung để chữa bệnh cho vua. Sau khi Biển Thước khám xong, kê đơn thuốc thì Thái y Lý Tây vốn rất căm ghét Biển Thước, đã thông đồng với thầy cúng nói với Tần Vũ Vương: “Biển Thước chẳng có gì là tài giỏi cao cường, Đại vương không nên tin”.

Tần Vũ Vương nghe vậy nên không uống thuốc mà Biển Thước đã kê, Biển Thước bỏ đi. Lý Tây vẫn lo sau này có thể Tần Vũ Vương lại tín nhiệm Biển Thước sẽ làm mình thất sủng nên lén lút sai người đâm chết Biển Thước.

Sau khi Biển Thước bị sát hại, nhân dân đã đưa thi thể của ông về chôn ở Hàm Dương. Ở quê ông, nhân dân lại xây một mộ táng giả (chỉ chôn mũ áo người chết).

Nguyễn Hà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/vi-danh-y-chi-nhin-bang-mat-chan-benh-cho-vua-467225.html