'Vị đắng' cà phê ngoại

Khác hẳn với buổi đầu xuất hiện với hàng dài khách hàng nhộn nhịp xếp hàng để mua một ly thức uống vì tò mò, giờ đây một số điểm bán của các thương hiệu cà phê nước ngoài đã thưa vắng hơn dù các thương hiệu này vẫn rất thành công ở những nước khác. Thậm chí, một số thương hiệu lớn đã phải rời bỏ thị trường Việt Nam.

Chuỗi cà phê thương hiệu ngoại Gloria Jean’s Coffees của Úc đã âm thầm rút khỏi thị trường Việt Nam sau 10 năm cầm cự. Ảnh: B.Chương

Mới đây, chuỗi cà phê nổi tiếng Gloria Jean’s Coffees của Úc đã nối gót chuỗi cà phê NYDC và Illy rời khỏi thị trường Việt Nam chính thức kết thúc việc kinh doanh ở thị trường TPHCM sau 10 năm tham gia. Kết quả này ngược với những kỳ vọng ban đầu khi họ bắt đầu nhượng quyền kinh doanh (franchise) qua một công ty trong nước vào năm 2006.

Trước Gloria Jean’s Coffees, chuỗi cà phê và món tráng miệng theo phong cách Âu Mỹ - NYDC (New York Dessert Café) cũng đã gửi lời chào tạm biệt khách hàng trong nước trên Facebook. Lúc ban đầu, chuỗi cà phê này kỳ vọng sẽ mở khoảng 20 cửa hàng. Tuy nhiên, sau bảy năm nỗ lực cầm cự, NYDC đã phải đóng các cửa hàng cuối cùng tại TPHCM vào giữa năm ngoái.

Dù được đánh giá là một trong những thị trường nhượng quyền thương mại nóng nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng nhiều thương hiệu thực phẩm nước ngoài khác đã gặp không ít thách thức khi đầu tư vào Việt Nam. Một số thương hiệu như Coffee Bean and Tea Leaf đã phải đóng cửa các cửa hàng lớn do giá thuê mặt bằng tăng. Áp lực cạnh tranh cũng là bài toán nan giải các nhà đầu tư đến từ nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng hậu.

Điển hình Caffé Bene đến từ Hàn Quốc, mặc dù đã tuyên bố trong vòng 5 năm sẽ mở khoảng 300 cửa hàng cafe tại Việt Nam trong ngày khai trương song cho đến nay, chỉ chưa đầy một năm, đại diện thương hiệu này đã phải hạ con số dự kiến đó giảm xuống chỉ còn 100 cửa hàng. Burger King ra mắt vào năm 2012 với kế hoạch đầy tham vọng là ra đời khoảng 60 cửa hàng trong 5 năm; tuy nhiên, đến tháng 2 năm nay, mạng lưới thức ăn nhanh chuyên bán hamburger nổi tiếng này chỉ còn 16 cửa hàng hoạt động sau khi đã đóng cửa nhiều chi nhánh.

Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn về nhượng quyền thương hiệu, việc đưa thương hiệu nước ngoài vào hoạt động ở trong nước không hề dễ dàng. Nếu giữ nguyên mô hình ở các nước khác và áp dụng cho Việt Nam thì sẽ không thành công. Đơn cử như với loại hình chuỗi cà phê ngoại, không phải cứ đem thương hiệu nổi tiếng hay lâu năm của nước ngoài vào Việt Nam là sẽ thành công.

Một số chuỗi cà phê thương hiệu nước ngoài được người tiêu dùng tại đất nước họ biết đến là thương hiệu dành cho khách hàng phổ thông, nhưng khi vào Việt Nam, hầu hết đều nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp. Họ chọn những vị trí rất đắc địa ở các thành phố lớn và đều gặp phải một bài toán nan giải về giá thuê mặt bằng quá cao. Ngoài chi phí thuê mặt bằng cao, việc kinh doanh cửa hàng cà phê của các thương hiệu ngoại còn phải đối diện với “gu” cà phê khác biệt của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, các thương hiệu cà phê ngoại còn bị cạnh tranh bởi các chuỗi cà phê đang phát triển ở trong nước.

Theo đánh giá của Cty nghiên cứu thị trường TNS, việc đóng cửa của chuỗi cà phê NYDC đã gây ra một cuộc tranh luận về khả năng cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế thị trường cà phê cao cấp tại Việt Nam.

Tin bài liên quan

Chùm ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hàng tỉ USD

Giá chung cư có tranh chấp giảm mạnh

Thủ tướng yêu cầu báo cáo gấp về thông tin giá cát tăng gấp 3 lần

Tín dụng đen: Ma trận ảo “siết cổ” người vay

G. Miêu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/vi-dang-ca-phe-ngoai-670056.bld