Vì dân - phẩm chất cao nhất của người đại biểu

Dù là kiêm nhiệm hay chuyên trách, đằng sau mỗi đại biểu (ĐB) Quốc hội, HĐND là các cử tri, nên người ĐB phải thể hiện được tính dân biểu của mình.

Việc dám nói lên tiếng nói của cử tri, vừa góp phần rất lớn để Quốc hội hoàn thành sứ mệnh của mình, vừa đem được hơi thở cuộc sống vào nghị trường. Đó là quan điểm được nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi với cử tri và cán bộ huyện Hoài Đức. Ảnh: Thùy Linh

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi với cử tri và cán bộ huyện Hoài Đức. Ảnh: Thùy Linh

Thực sự vì dân
Hiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với kinh nghiệm của một người nhiều năm gắn bó với nghị trường Quốc hội, theo ông đâu là phẩm chất cần có của người ĐB dân cử?
- Tiêu chuẩn, tiêu chí của người ĐB dân cử đã được quy định rất rõ trong Luật, quy định của Đảng, Quốc hội. Tôi cho rằng, ĐB dân cử trước hết phải đảm bảo được các phẩm chất của người cán bộ, có tâm, có tầm, có trí tuệ, năng lực, sự hiểu biết… Để có trình độ, trong khi kiến thức mênh mông, hiểu biết có giới hạn, điều đó đòi hỏi người ĐB phải luôn luôn học tập, rèn luyện, nghiên cứu…

Và chính điều đó đã giúp ĐB có điều kiện đóng góp đầy đủ, sâu sắc, khoa học hơn vào hoàn thiện hệ thống luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như từng địa phương. Người ĐB cũng phải rèn luyện đạo đức; khi được Nhân dân bầu rồi thì trách nhiệm ngày càng cao hơn, sự rèn luyện phải thường xuyên hơn; giữ vững phẩm chất đạo đức phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn, yêu cầu của người ĐB.

Hơn nữa, một trong những tiêu chuẩn được nhấn mạnh đối với ĐB nói chung là phải có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, HĐND, nghĩa là có thể sắp xếp, bố trí được thời gian cho vai trò ĐB dân cử. Nếu không đáp ứng được điều kiện này thì dù có giỏi đến đâu cũng không thể tham gia được, vì hoạt động của Quốc hội, HĐND là phải gần dân, dành thời gian để lắng nghe dân.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến.

Cũng bởi tính chất dân biểu, nên trong các tiêu chí, phẩm chất của người ĐB dân cử, theo tôi, tố chất cần có là phải có tâm, có đức, dấn thân vì cộng đồng và quan trọng nhất là phải thực sự vì dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Chỉ có sự gắn bó thực sự mới nắm bắt được tâm nguyện của cử tri, truyền tải được ý kiến của Nhân dân, cử tri tới Quốc hội và các cơ quan nhà nước. Hơn nữa phải có trách nhiệm xử lý những vấn đề của người dân đưa ra. Làm ĐB Quốc hội, HĐND mà khi người dân có kiến nghị, khiếu nại, người ĐB lại quay lưng lại, thờ ơ, vô cảm, như thế là không hoàn thành được sứ mạng của ĐB dân cử.

Quốc hội có 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đó là quy định chung và có thể một lúc nào đó, người ĐB chưa hoàn thành được một trong 3 chức năng này, nhưng chức năng đại diện cho cử tri, Nhân dân phải hoàn thành. Nên theo tôi, gần dân chính là phẩm chất cao nhất của người ĐB dân cử. Phải thực sự đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri, đau nỗi đau của cử tri. Đó mới điều là quan trọng nhất khi thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.
Như vậy, yêu cầu của ĐB phải tiếp xúc cử tri nhiều hơn, tiếp xúc với dân và tiếp dân nhiều hơn, gặp dân nhiều hơn và phải nhớ nhờ có dân, cử tri mới trở thành ĐB, thưa ông?
- Đúng vậy. Để thực sự nắm được những tâm tư, nguyện vọng của người dân để truyền tải vào nghị trường, góp phần xây dựng được những chính sách sát thực và khả thi, yêu cầu người ĐB phải tiếp xúc cử tri nhiều hơn, tiếp xúc với dân và tiếp dân nhiều hơn, gặp dân nhiều hơn. Chính qua đó, người ĐB mới có những cái nhìn thực tế, đa dạng, nhiều chiều, bổ sung vào kiến thức của mình.

Và quan trọng nhất, khi nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân, những chủ trương chính sách của nhà nước thực thi trong cuộc sống ra sao, phải dũng cảm để đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, HĐND để đóng góp, xây dựng những chủ trương chính sách có lợi nhất cho người dân, đất nước.
Đại biểu cần bản lĩnh
Có ý kiến cho rằng, ĐB Quốc hội, HĐND phải là những người dám nói, dám đưa ra những quan điểm của mình trước vấn đề “nóng”, nổi cộm. Theo ông, đây có là một “tiêu chí” cần lưu ý trong quá trình bầu cử, lựa chọn ĐB khóa mới lần này?
- Có ĐB Quốc hội đã từng thẳng thắn chia sẻ rằng, “nghề” ĐB dân cử khó thì vô cùng khó nhưng dễ lại cũng cực kỳ dễ. Vì chỉ cần không vi phạm pháp luật, không có các hành vi sai phạm đến mức Quốc hội phải bãi nhiệm, miễn nhiệm thì anh chẳng phát biểu gì, chẳng làm gì cũng vẫn đương nhiên là ĐB Quốc hội. Nói như vậy để thấy rằng, chất lượng hoạt động của ĐB Quốc hội hiện nay chủ yếu vẫn phụ thuộc vào tâm huyết của từng ĐB.

Nếu nhiều ĐB tâm huyết, trách nhiệm thì chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ được nâng cao và ngược lại. Do đó, chọn được những người có bản lĩnh, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm, bản lĩnh để nói lên tiếng nói của người dân trước Quốc hội và đương đầu với những vấn đề nóng của đất nước là vô cùng quan trọng.

Bởi khi phát sinh những vấn đề nóng như tham nhũng tràn lan, buông lỏng quản lý đất đai công sản, công tác cán bộ theo kiểu thăng tiến thần tốc…, người ĐB có dám nói không. Điều đó chính là thể hiện bản lĩnh của người ĐB Quốc hội. Nếu né tránh sẽ khó nói được tiếng nói của dân.
Trong suốt quá trình 14 khóa Quốc hội đã qua, đã có rất nhiều ĐB có bản lĩnh với những phát biểu mạnh mẽ trên nghị trường, được cử tri ghi nhận. Với cuộc bầu cử lần này, tôi nghĩ rằng chính cử tri cũng phải có trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có tâm, có tầm, có trí tuệ, bản lĩnh, để dám nói lên tiếng nói cử tri trao gửi.
Cuộc bầu cử đang chuẩn bị bước sang giai đoạn các ứng cử viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Thực tế từ các nhiệm kỳ trước cho thấy, có ứng cử viên nói rất mạnh, hứa rất nhiều nhưng hứa suông, khi trúng cử rồi lại thất hứa, thậm chí không gần gũi cử tri, gây mất tin tưởng. Vậy theo ông, có điểm gì cần lưu ý khi đưa ra các “lời hứa”?
- Đúng là để “lấy lòng” cử tri, nhiều khi ứng cử viên hứa mạnh, nhưng sau lại không thực hiện được. Do đó, ứng cử viên cần thận trọng trong lời hứa của mình, nếu làm được thì hãy hứa. Vì hứa suông, hứa hão chỉ làm tổn hại đến chính uy tín của mình, sau khi được bầu, cử tri đối chiếu với lời hứa thấy không làm được gì, họ sẽ mất niềm tin.

Bởi thế trong chương trình hành động của ứng cử viên, điều quan trọng là nên đi vào những điều mình có thể làm và cố gắng để làm. Tôi nghĩ, cử tri cũng rất thông cảm với những “giới hạn” mà ĐB gặp phải và sẽ đồng hành với ĐB.
Trong các nhiệm kỳ vừa qua, bài học đầu tiên với Quốc hội là bài học về nhân sự. Ngay nhiệm kỳ vừa qua vẫn để những ĐB không xứng đáng vào Quốc hội, phải bãi nhiệm, mặc dù họ đã hứa rất nhiều, nhưng lại không thực hiện được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, thậm chí là vi phạm. Rất đau lòng, xót xa và mong Quốc hội khóa tới phải chọn người cho trúng, cho đúng, chọn những người thực sự vì dân.
Xin cảm ơn ông!

"Ngoài thực hiện 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, người ĐB của dân phải có tâm, có bản lĩnh và trách nhiệm, dấn thân vì cộng đồng, đấu tranh chống cái xấu, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến

Trần Hà (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-dan-pham-chat-cao-nhat-cua-nguoi-dai-bieu-416076.html