Vì dân, nói đi đôi với làm

Gắn bó trọn đời với công tác dân vận, bà Trần Thị Na luôn sâu sát đời sống nhân dân, canh cánh nỗi trăn trở được làm việc tốt cho dân. Dù ở vị trí nào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay Bí thư Chi bộ khu phố, bà đều làm việc tâm huyết, nhiệt tình, hăng say.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bà Trần Thị Na, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Phú Thọ cùng nhóm từ thiện Hoa Từ Tâm trao quà tặng học sinh Trường tiểu học Văn Miếu 2, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Bà Trần Thị Na, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Phú Thọ cùng nhóm từ thiện Hoa Từ Tâm trao quà tặng học sinh Trường tiểu học Văn Miếu 2, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Dân vận phải "mặc đúng áo của mình"

Người phụ nữ ấy dường như sinh ra cho hoạt động xã hội. Từ nhỏ bà đã yêu thích hoạt động Ðoàn, Ðội, nổi bật trong phong trào thanh niên ở Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh Vĩnh Phú, vào Ðảng lúc 19 tuổi. Sự nghiệp của bà gắn với Ðoàn thanh niên, Hội phụ nữ, công tác tuyên giáo và dân vận tỉnh Vĩnh Phú trước đây, sau này là tỉnh Phú Thọ. Nay ở tuổi 72, bà vẫn nhiệt huyết, mạnh mẽ, tích cực tham gia công tác xã hội.

Huyện Cẩm Khê quê hương của bà là vùng đất còn nhiều khó khăn, người dân luôn lam lũ. Thấm nỗi vất vả của phụ nữ thôn quê, cho nên khi làm Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bà luôn đau đáu với vấn đề việc làm và thu nhập của chị em. Những năm 80 thế kỷ trước, tỉnh chỉ có Ngân hàng Nhà nước, chưa có ngân hàng thương mại như bây giờ. Ði xin vay vốn cho phụ nữ, bà phải ngồi chờ Giám đốc Ngân hàng suốt ba tiếng. Thấy vậy, ông Giám đốc ngạc nhiên: Ðộng cơ nào khiến chị ngồi chờ lâu thế? Vì chị em, bà trả lời. Ông hỏi tiếp: Chị có gì để tín chấp? Bà nói chắc nịch: Ðó là sinh mạng chính trị của tôi. Chúng tôi chỉ có mấy dãy nhà cấp bốn của cơ quan, đất của Ðảng giao, và cái xe ô-tô cũ. Thế là Ngân hàng ủng hộ. Số vốn 200 triệu đồng đem cho chị em nghèo vay để trồng rau, nuôi gà, bán rau, bán phở. Cũng mừng là chị em biết làm, không để mất vốn. Ðó cũng là mô hình tín chấp đầu tiên của nước ta.

Ngày ấy, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phú đề ra nhiều phong trào độc đáo, như vận động mua tặng chậu vệ sinh, chiếu cho khoa sản, khoa nhi ở bệnh viện, làm nhà tắm xanh từ hàng rào cây cúc tần, cây dâm bụt, tặng giẻ cho bộ đội lau súng trong chiến tranh biên giới phía bắc, xin máy khâu dạy nghề cho chị em, đề nghị tỉnh cắm đất làm nhà ở cho chị em đơn thân nuôi con…

Ngày làm Trưởng Ban Dân vận ở tỉnh, bà là người dám nêu ý kiến thẳng thắn trong các cuộc họp. Bà đọc đi đọc lại bài báo "Dân vận" năm 1949 của Bác Hồ, sau đó báo cáo và được Tỉnh ủy chấp thuận, giao xử lý nhiều việc khó, như vụ việc người dân làm các mộ giả để nhận kinh phí giải phóng mặt bằng xây dựng Công ty ô-tô Toyota ở Phúc Yên năm 1995. Bà chỉ đạo làm hàng chục nghìn phiếu hỏi ý kiến người dân về các chính sách trợ cước, trợ giá, về việc học của con em vùng đồng bào Công giáo, xem chính sách có xuống được dân hay không. Cách làm này khiến người dân tin tưởng vào công tác dân vận, cán bộ có ý thức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ. Cứ thế, từng bước, công tác dân vận của tỉnh được "mặc đúng áo của mình", được Tỉnh ủy ủng hộ và ghi nhận, được người dân hưởng ứng. Bài hát "Hành khúc người cán bộ dân vận" cũng được ra đời trong phong trào "dân vận khéo" của tỉnh Phú Thọ năm 2002.

Còn nợ dân nhiều lắm

Từ một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bà làm Bí thư Chi bộ khu phố, lúc vừa về hưu. Ðã nhận thì phải làm thật tử tế, bà củng cố Chi hội Phụ nữ, thành lập Chi hội Phật giáo, huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa khu. Thấy nhiều người phải vay nặng lãi, bà tổ chức quỹ cộng đồng khu phố. Nay quỹ phát triển lên vài tỷ đồng, hỗ trợ hàng trăm hộ dân. Hoạt động tín dụng đen trên địa bàn không còn đất sống. Có người ái ngại khuyên bà: Thôi chị "ôm rơm nặng bụng" làm gì, tuổi cao sức yếu rồi. Nhưng mấy ai biết, bà làm vì danh dự của người đảng viên, làm để nhân dân thấy tin yêu Ðảng hơn, nhất là trong bối cảnh còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất.

Bà làm Bí thư Chi bộ khu phố đến 11 năm, lẽ ra còn làm tiếp nếu lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Thọ không đề nghị bà thôi công việc này để tập trung vào vai trò Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Bà làm Chủ tịch Hội Bảo trợ cũng theo kiểu "dân vận khéo", công khai, minh bạch mọi nguồn đóng góp, thu chi. 5 năm qua, Hội Bảo trợ vận động quyên góp số tiền và hiện vật trị giá gần 29 tỷ đồng giúp đỡ hàng nghìn trường hợp khó khăn. Năm nay, bà được Chi bộ khu phố bầu chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục. Mới thấy, bên cạnh những phần thưởng của Ðảng, Nhà nước thì lòng dân chính là tấm huân chương lớn nhất đối với bà.

Chia sẻ về công tác dân vận hiện nay, bà Na rất phấn khởi vì "dân vận nhiệm kỳ này có nhiều cái mới". Dân vận đã kéo mọi người vào cuộc, từ công chức, bác sĩ, giáo viên, nghệ sĩ đều làm dân vận. Ngày bà làm Trưởng Ban Dân vận, kiêm nhiệm Trưởng Ban Văn hóa -
Xã hội HÐND tỉnh, bà đã "kéo" nhiều cơ quan nhà nước vào cuộc. Có một lần, do thương giáo viên cắm bản, bà mời lãnh đạo Sở Giáo dục lên miền núi khảo sát đời sống giáo viên suốt một tuần. Khi đến xã Vinh Tiền, huyện Thanh Sơn (nay là Tân Sơn), đồng chí cán bộ Sở Giáo dục đi tìm nhà vệ sinh, bà bảo: Xuống suối. Hỏi chỗ tắm, bà bảo: Cũng xuống suối, làm gì còn chỗ nào khác. Ðến thăm nơi ở của giáo viên, thấy vách ngăn đan bằng nứa, che chắn bằng báo, mọi người càng thương các giáo viên. Sau đó, tỉnh đã thông qua chính sách xây nhà công vụ cho giáo viên, được các cấp, các ngành rất ủng hộ.

Người bạn đời của bà là lương y Ðặng Văn Phú, thương binh trong chiến trường Quảng Trị, là chỗ dựa vững chắc cho bà đi qua những lúc gian khó. Sang năm 2021, bà nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Ðảng thì ông cũng được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Ðảng. Ông bà ở một ngôi nhà giản dị trong ngõ phố Mai Sơn 1, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, luôn rộng mở với tất cả mọi người. Trao đổi với những cán bộ dân vận trẻ của thành phố Việt Trì, bà nhắn nhủ: Trường lớp của dân vận là thực tiễn, mình học ở cán bộ, ở nhân dân là chính. Làm cán bộ dân vận phải bỏ đi cái cá nhân, phải biết hy sinh. Mình thấy mình còn nợ dân nhiều lắm. Chị Lê Thị Thiện, Chủ tịch MTTQ phường Tiên Cát bày tỏ cảm phục: Cô Na đúng là cuốn sách sống về công tác dân vận, là tấm gương sinh động về những cán bộ hết lòng vì Ðảng, vì dân.

Bài và ảnh: HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43964102-vi-dan-noi-di-doi-voi-lam.html