Vì dân hay vì bản thân?

Bộ máy nhà nước, trong đó cán bộ là hạt nhân, phải tận lực phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, qua nhiều năm, sau nhiều đợt phát động cải cách hành chính, dù có chuyển biến tích cực song người dân, DN vẫn còn kêu than rất nhiều.

Cải cách hành chính (CCHC) được trung ương và các địa phương bày tỏ quyết tâm rất cao, quán triệt đến tận cấp cơ sở thấp nhất để thực hiện. Tinh thần chung là bộ máy nhà nước, trong đó cán bộ là hạt nhân, phải tận lực phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, qua nhiều năm, sau nhiều đợt phát động CCHC, dù có chuyển biến tích cực song người dân, DN vẫn còn kêu than rất nhiều.

Ngày 25-3 xảy ra chuyện ồn ào trên đại lộ Đông Tây (quận 1, TP HCM), nhiều người chạy ôtô, xe máy đang làm nhiệm vụ ngay sau khi họ bị dừng xe để kiểm tra và lập biên bản xử phạt vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Họ cho rằng các biển báo bị cố tình đặt ở góc khó thấy hoặc ở chỗ hiểm, cài bẫy tài xế.

Tài xế tranh cãi với Đội CSGT Bến Thành

Tài xế tranh cãi với Đội CSGT Bến Thành

Ai đúng, ai sai chưa thể phân định ngay nhưng có thể nói rằng bước đầu CSGT nên nhắc nhở, hướng dẫn các trường hợp mắc lỗi vô ý, chỉ phạt các trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời cần lắng nghe phản ánh của người đi đường về vị trí đặt biển báo, nếu không hợp lý thì phải điều chỉnh.

Đó mới là tinh thần phục vụ, cũng là một hình thức CCHC công vụ để xây dựng hình ảnh đẹp, tận tụy, vì dân cho lực lượng mình. Nếu làm khác thì đừng trách vì sao người dân xa mình, nghi mình.

Giữa hô hào và hành động rất khác, giữa nói và làm trên thực tế còn xa nhau lắm. Tình trạng trên nóng dưới lạnh còn khá phổ biến. Dễ thấy nhất là qua hoạt động mời gọi đầu tư. Địa phương nào cũng tuyên bố đổi mới để dọn tổ đón "đại bàng", lãnh đạo nào cũng cam kết cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh vì DN, vì sự phát triển của tỉnh - thành mình. Thế nhưng, một bộ phận cán bộ cấp sở - ngành còn đẩy việc, phần vì sợ trách nhiệm, phần vì thấy "thiếu vắng quyền lợi" riêng cho mình ở đó.

Chẳng hạn, tại hội nghị sơ kết 3 năm hoạt động của Tổ Công tác về đầu tư và lắng nghe các ý kiến của DN, tập đoàn trong và ngoài nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư, do UBND TP HCM tổ chức hôm 19-3, một lãnh đạo DN ngành xử lý rác thải đã nêu trường hợp của mình: Nhận được đề nghị của UBND TP về chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác phát điện, DN đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về thủ tục thực hiện.

Sở TN-MT chuyển qua Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) thẩm định về công nghệ, rồi Sở KH-CN trả lời do không thuộc thẩm quyền của sở, phải đưa ra Bộ KH-CN. Sau khi tiếp nhận, Bộ KH-CN bảo chuyển qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ này lại chuyển về Sở KH-CN TP. "DN bị "đá" như trái banh" - chủ DN này thẳng thắn.

Vậy CCHC ở chỗ nào trong trường hợp đó? Mà những chuyện tương tự như vậy không hề ít, tại các hội nghị đối thoại ngành bao giờ cũng nghe DN than thở về thủ tục hành chính, về cán bộ. Gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ sắp được triển khai, đừng để thủ tục khiến DN nản lòng, bỏ cuộc làm hồ sơ vay tín dụng ưu đãi như gói thứ nhất.

CCHC có thực chất hay không phụ thuộc lớn vào ý chí và đạo đức của cán bộ, công chức. Đã xác định làm "công bộc" thì đừng chờ thấy có quyền lợi cho mình mới chịu làm việc.

An Quý

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vi-dan-hay-vi-ban-than-20210325231642475.htm