Vị đại sứ bật khóc khi Liên Hợp Quốc đạt thỏa thuận lịch sử

Đại sứ Rena Lee là người Singapore thứ hai chủ trì một hội nghị đại dương của Liên Hợp Quốc trong 40 năm. Nỗ lực của bà góp phần giúp nhân loại có thêm công cụ để bảo vệ biển.

 Bà Rena Lee sau khi quá trình đàm phán hiệp ước BBNJ hoàn tất. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Bà Rena Lee sau khi quá trình đàm phán hiệp ước BBNJ hoàn tất. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Năm 1982, giáo sư luật người Singapore Tommy Koh chủ trì Hội nghị luật biển lần thứ ba của Liên Hợp Quốc - sự kiện là cơ sở cho sự ra đời bản “Hiến pháp của Đại dương” - Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hơn 40 năm sau, lại một người Singapore khác giữ vị trí chủ tịch trong một hội nghị đại dương ở quy mô toàn cầu. Đó là bà Rena Lee, Đại sứ Singapore về các vấn đề đại dương và luật biển.

Ngày 4/3, các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã hoàn tất quá trình đàm phán hiệp ước về hệ sinh thái biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (còn gọi là hiệp ước BBNJ). Để đạt được văn bản này, các quốc gia đã mất gần 20 năm thảo luận.

Bà Lee chia sẻ bản thân cảm thấy “vừa nhẹ nhõm, vừa biết ơn và vừa vui mừng” trong thời khắc quá trình đàm phán hiệp ước BBNJ hoàn tất.

“Tôi nghĩ chúng ta trước hết cần nhận ra việc đạt được đồng thuận chưa bao giờ là điều dễ dàng”, bà nói với CNA. “Bản dự thảo hiệp ước không hoàn hảo, nhưng là cơ sở vững chắc, cho chúng ta các công cụ cần thiết để đối phó với các thách thức cấp bách với đại dương”.

Hiệp ước tạo khuôn khổ

Bà Lee bắt đầu công tác trong các cơ quan nhà nước của Singapore từ năm 1992 và đã giữ nhiều vị trí trong Bộ Ngoại giao và Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp của đảo quốc sư tử.

Tới năm 2018, bà được bầu vào vị trí chủ tịch hội nghị đàm phán BBNJ. Bà cũng kiêm nhiệm vị trí Đại sứ Singapore về các vấn đề đại dương và luật biển, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Singapore, cũng như thành viên Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA).

Với cương vị chủ tịch hội nghị đàm phán BBNJ, bà Lee đã điều hành cuộc đàm phán giữa hơn 190 quốc gia nhằm đạt được hiệp ước mang tính lịch sử về quản lý biển cả vào đầu tháng 3 này.

Hiệp ước BBNJ được kỳ vọng góp phần giúp nhân loại bảo vệ đa dạng sinh học biển. Ảnh: Reuters.

Hiệp ước cho phép thành lập các khu bảo tồn biển ở vùng biển cả - vốn không thuộc quyền tài phán của bất cứ quốc gia nào - cũng như thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn khác ở những nơi chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh.

Tuy nhiên, hiệp ước vẫn còn phải trải qua quá trình phê chuẩn từ các quốc gia thành viên và có thể mất nhiều năm trước khi chính thức có hiệu lực.

Trong lúc đó, bà Lee kêu gọi mọi đối tượng - từ chính phủ tới các công ty tư nhân - chung tay hành động để ngăn đại dương bị tàn phá.

“Chúng ta không thể chỉ dựa vào thỏa thuận. Các hành động có thể và cần diễn ra ngay bây giờ”, bà nói.

“Trong nhiều năm qua, đại dương của chúng ta phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Do nước biển và hệ sinh thái di chuyển tự do xuyên biên giới, nếu chúng ta không thể bảo vệ biển cả, hệ sinh thái biển toàn cầu - bao gồm cả các vùng biển sát bờ - sẽ phải đối mặt với tác động lớn”, bà nói thêm.

Bà Lee chỉ ra hiệp ước BBNJ không bao gồm các mục tiêu cụ thể hay là ‘phương thuốc chữa bách bệnh’ cho các vấn đề đại dương. Thay vào đó, hiệp ước đề ra các cơ chế và quy trình mà các quốc gia có thể sử dụng. “Tôi hy vọng các nước sẽ ký và phê chuẩn hiệp ước sớm nhất có thể”, bà chia sẻ.

Singapore khẳng định uy tín

Khi đọc thông báo về việc hoàn tất đàm phán, bà Lee bật khóc. Cả hội trường đã đứng dậy vỗ tay như một lời cảm ơn gửi tới nhà ngoại giao Singapore.

“Sự lãnh đạo và dẫn dắt của Đại sứ Lee giúp các bên vượt qua những khác biệt và đạt được hiệp ước BBNJ đầy tham vọng và có nhiều triển vọng trong tương lai”, Bộ Ngoại giao Singapore ca ngợi vai trò của bà Lee sau khi quá trình đàm phán hoàn tất.

Bà Rena Lee (giữa) trong một phiên đàm phán tháng 8/2022. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Theo bà Lee, hiệp ước BBNJ vừa qua cho thấy năng lực của Singapore trong việc dẫn dắt các cuộc đàm phán ở quy mô toàn cầu.

“Thành công này và sự đồng thuận đạt được cũng là bằng chứng cho thấy Singapore là một người đối thoại được tín nhiệm, là ‘người xây cầu nối’ trong cộng đồng quốc tế, cũng như vai trò dẫn dắt của chúng tôi với sự phát triển của luật biển quốc tế”, bà nói.

Bà nhận định quá trình đàm phán hiệp ước, các quốc gia đã rút ra được nhiều bài học đáng ghi nhớ.

“Bài học về những gì chúng ta có thể làm để bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái, bài học về cách lắng nghe lẫn nhau và hướng tới thỏa hiệp và đồng thuận, bài học về cách tổ chức hội nghị và cả bài học về cách làm việc trong hệ thống Liên Hợp Quốc”, nhà ngoại giao Singapore chỉ ra.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hiện nay, chỉ 7,9% diện tích đại dương thế giới trong diện được bảo vệ. Chỉ 1,2% diện tích biển cả thuộc về các khu bảo tồn biển (MPA).

Giờ đây, thế giới đã có cơ sở pháp lý để thiết lập các khu bảo tồn biển trên phần lớn diện tích đại dương, qua đó phần nào hạn chế các hoạt động của con người - như đánh bắt hải sản ở những khu vực quan trọng với đa dạng sinh thái. Cộng đồng quốc tế hy vọng hệ sinh thái biển sẽ có cơ hội phục hồi nhờ thỏa thuận.

“Việc kết thúc đàm phán hiệp ước BBNJ chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực chung toàn cầu nhằm bảo vệ biển cả”, bà Lee nhận định. “Tôi hy vọng đây sẽ là nhân tố thúc đẩy thế giới nhận thức tốt hơn và hành động mạnh mẽ hơn”.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trai-long-cua-dai-su-bat-khoc-khi-lien-hop-quoc-dat-thoa-thuan-lich-su-post1416509.html